Theo RT, 66 quốc gia đồng ý với nghị quyết, 19 phản đối trong khi có đến 72 quốc gia không bỏ phiếu. Dự thảo nghị quyết được Ukraine đưa ra nhằm cáo buộc Nga vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ khi triển khai các lực lượng quân đội đến bán đảo Crưm. Văn bản cũng cáo buộc Matxcơva hạn chế tự do hàng hải ở biển Azov và chỉ trích Nga quân sự hóa ở biển Đen.
Trước khi bỏ phiếu, Syria và Iran đề xuất sửa đổi để nghị quyết được cân bằng hơn, có thể bổ sung thêm thỏa thuận Minsk và trách nhiệm Kiev cần tuân theo. Thỏa thuận Minsk nêu rõ cả Kiev và các lực lượng cộng hòa tự xưng tại miền Đông Ukraine phải ngừng bắn, rút quân đội và khí tài quân sự. Kiev cũng đảm bảo các cuộc bầu cử địa phương diễn ra đúng theo luật pháp.
Tuy nhiên cơ quan Liên Hợp Quốc đã từ chối những chỉnh sửa này và Nga cho rằng nghị quyết được đưa ra bỏ phiếu là một nghị quyết một chiều.
Phó Đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hợp Quốc, ông Dmitry Polyansky chỉ ra rằng số lượng lớn các quốc gia từ chối bỏ phiếu cho thấy họ không có tiếng nói chung với “âm mưu ác ý của Ukraine”. Theo ông, cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã gửi một tín hiệu đến Kiev rằng bất cứ thứ gì cũng có thể được thông qua và Nga sẽ trở thành vật thế mạng.
"Dù vậy, nghị quyết gian dối này sẽ không thay đổi điều gì với tình hình Crưm hay khu vực xung quanh", nhà ngoại giao Nga nói. Ông cho rằng khả năng giải quyết tranh chấp thực sự nằm ở Washington, người “giật dây” cho Kiev.
Đề cập đến sự cố trên biển Azov khi 3 tàu quân đội Ukraine bị bắt giữ vì vi phạm lãnh hải Nga, ông Polyansky nói đây là một đòn khiêu khích đã được chuẩn bị kĩ càng, được thực hiện dưới sự ủng hộ của Mỹ và một số nước khác.
Trước đó, ngày 25/11, 3 tàu Ukraine bị lực lượng tuần duyên Nga nổ súng chặn và bắt giữ sau khi tàu Ukraine phớt lờ các cảnh báo và yêu cầu dừng lại của Nga, theo RT. Matxcơva nói Ukraine không có đủ thủ tục cần thiết để đi qua eo biển Kerch, nơi nối liền biển Đen và biển Azov. Trong khi đó, Kiev cho rằng họ đã tuân theo quy trình đầy đủ, phản ứng lại bằng tuyên bố thiết quân luật trong một số khu vực dọc biên giới với Nga. Tổng thống Putin gọi đây là hành vi khiêu khích, nhằm kiềm chế các đối thủ chính trị của lãnh đạo Ukraine Petro Poroshenko trước cuộc bầu cử tổng thống Ukraine vào tháng 3/2019.
Bình luận