"Một cơ hội nữa nhằm tìm lối thoát cho sự bế tắc trong quan hệ Nga - Mỹ đã bị bỏ lỡ, vốn xảy ra là lỗi của Washington", Bộ Ngoại giao Nga nhận định trong một tuyên bố, đồng thời khẳng định "trách nhiệm cho những lời nói dối này hoàn toàn là từ phía Mỹ".
Hôm 7/3, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với ABC News, khi được hỏi liệu có nghĩ ông Putin “giết người” không, Tổng thống Biden đã tán thành với nhận định này.
Giận dữ trước bình luận của nhà lãnh đạo Mỹ, điện Kremlin đề nghị ông Biden tiến hành một cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin trước công chúng, khi ông Putin đề xuất cuộc trao đổi này nên là cuộc tranh luận được phát sóng trực tiếp.
Người phát ngôn của ông Putin là Dmitry Peskov nhận định, lời đề nghị trên được đưa ra nhằm ngăn cản những tuyên bố của ông Biden có thể khiến mối quan hệ giữa hai bên bị hủy hoại đến mức không thể sửa chữa được.
Đáp lại, Nhà Trắng cho biết Mỹ chưa có kế hoạch về một cuộc đối thoại trong tương lai với Tổng thống Putin và hiện tại ông Biden "khá bận rộn".
Trước đó, khi được hỏi liệu có chấp nhận lời đề nghị điện đàm của ông Putin hay không, ông Biden đã trả lời rằng: "Tôi chắc chắn chúng tôi sẽ trao đổi với nhau vào một thời điểm nào đó".
Trước khi ông Biden từ chối lời đề nghị của ông Putin, nhà lãnh đạo Nga đã phản ứng trước bình luận của nhà lãnh đạo Mỹ bằng cách nói rằng: "Người nào làm thì người đó biết".
Tổng thống Biden bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình bằng lập trường cứng rắn với Tổng thống Putin, đồng thời nói rằng Mỹ sẽ không bị Nga gây sức ép. Chính sách với Nga của chính quyền Biden đối lập với quan điểm về Nga dưới thời cựu Tổng thống Trump, vốn tránh đối đầu và đôi khi tán thành với Tổng thống Putin ở một mức độ nào đó.
Chính quyền Tổng thống Biden cũng cảnh báo vào tháng này rằng Nga sẽ đối mặt với lệnh trừng phạt sau khi phía Washington cáo buộc Moscow can thiệp vào bầu cử Mỹ và đứng sau vụ tấn công mạng SolarWinds. Bộ Ngoại giao Nga và điện Kremlin hiện chưa đưa ra bình luận về việc này.
Bình luận