Mỹ sẽ cùng với Ấn Độ, Úc, Đức và Anh dẫn đầu các cuộc thảo luận về tội phạm mạng. Những nước khác tham gia cuộc họp bao gồm Canada, Pháp, Brazil, Mexico, Nhật Bản, Ukraine, Ireland, Israel, Nam Phi, Liên minh châu Âu. Nhóm phòng chống tội phạm mạng không chính thức này được gọi là Sáng kiến Chống Ransomware.
"Chúng tôi vẫn tích cực thảo luận với người Nga, tuy nhiên, họ không được mời tham gia cuộc họp lần này", một quan chức cấp cao cho biết Nga vẫn có cơ hội được mời tham gia các sự kiện tương tự trong tương lai.
Cuộc họp sẽ được tổ chức trong 2 ngày, bao gồm 6 phiên về các chủ đề như giải quyết việc lạm dụng tiền ảo để rửa tiền, truy tố tội phạm ransomware, sử dụng ngoại giao để chống lại ransomware và giúp các quốc gia phòng chống các cuộc tấn công mạng.
Phát biểu tại phiên khai mạc cuộc họp hôm 13/10, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, cuộc họp cho thấy chính phủ các nước đã nhận thức được mức độ cấp thiết của mối đe dọa từ phần mềm mã độc tống tiền (ransomware).
“Chúng tôi coi hợp tác quốc tế là nền tảng cho khả năng đối phó với ransomware… đồng thời giảm thiểu mối đe dọa đối với công dân ở quốc gia của chúng tôi”, ông Sullivan nói.
Các chuyên gia an ninh mạng cho biết nhiều nhóm tin tặc ransomware đang hoạt động từ Ukraine và Nga. Một số quan chức và nhà phân tích Mỹ còn cho rằng các nhóm tin tặc ransomware ở Nga được điện Kremlin ngầm chấp nhận, chúng không bị chính phủ trực tiếp kiểm soát.
Hồi tháng 5, nhóm tin tặc tấn công đường ống dẫn nhiên liệu của công ty Colonial Pipeline đã gây ra sự cố gián đoạn nhiên liệu trên cả miền Đông nước Mỹ. Cố vấn An ninh Sullivan cho biết Bộ Tư pháp Mỹ đã thu hồi được hơn 2 triệu USD tiền chuộc trả cho những tên tin tặc này.
Chính quyền Tổng thống Biden cũng hy vọng rằng nhóm Sáng kiến Chống Ransomware sẽ thúc đẩy các hoạt động ngoại giao bao gồm các cuộc đàm phán trực tiếp với Nga, liên minh NATO và G7.
Bình luận