• Zalo

Nga – Thị trường giàu tiềm năng cho doanh nghiệp Việt

Kinh tếThứ Sáu, 11/05/2012 05:27:00 +07:00Google News

(VTC News) – “Nga thực sự là thị trường giàu tiềm năng, có thể đem lại lợi nhuận cao cho các doanh nghiệp Việt Nam”.

(VTC News) – “Nga thực sự là thị trường giàu tiềm năng, có thể đem lại lợi nhuận cao cho các doanh nghiệp Việt Nam”.


Tiếp nối thành công của Hội thảo đã tổ chức tháng 10/2011 tại Mátxcơva – Liên bang Nga, chiều nay (11/5/2012), tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo xúc tiến đầu tư thương mại Hà Nội – Mátxcơva.


Hội thảo do UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch đầu tư, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) và Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam – LB Nga tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo này, ông Nguyễn Văn Sửu – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nói: “Trong thời gian qua, quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch giữa Hà Nội với các doanh nghiệp Liên Bang Nga đã đạt được một số kết quả nhất định.

Đầu tư từ Liên bang Nga, tính đến nay có 18 dự án với tổng vốn khoảng 156 triệu USD, chiếm gần 0,76 % tổng vốn đầu tư nước ngoài tại Hà Nội”.

“Tuy nhiên, kết quả trên chưa tương xứng với truyền thống, quan hệ đối tác chiến lược và tiềm năng, thế mạnh của 2 nước, nhất là trong bối cảnh nước Nga có rất nhiều tiềm lực lớn.


Bên cạnh đó, việc Nga vừa chính thức được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào tháng 12/2011 sẽ là điều kiện thuận lợi để hai bên thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch hơn nữa”, ông Sửu nhấn mạnh.

Khó khăn mà DN Việt gặp phải tại Nga

Các doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) xuất khẩu hàng hóa sang Nga hiện nay hầu như không có đầu mối giao dịch thương mại tập trung, ổn định.

Việc các DN Việt Nam muốn đặt văn phòng đại diện, mở rộng kinh doanh tại Nga còn gặp nhiều trở ngại không dễ vượt qua như: sự phức tạp của thủ tục pháp lý, vấn đề thanh toán, tiếp thị, tìm kiếm khách hàng …

Số lượng DN có văn phòng đại diện hay chi nhánh tại Nga rất ít nên khó có thể thường xuyên theo dõi, nắm vững những biến đổi, nhu cầu của người tiêu dùng để kịp thời có những điều chính và chiến lược phù hợp.


Việc áp dụng các hàng rào thuế quan và phi thuế quan của Nga còn khá phổ biến và khó dự báo nhất là đối với các mặt hàng xuất khẩu về nông, thủy, hải sản.

Thêm vào đó, Nga là thị trường mở, không khó tính nên việc thâm nhập thị trường cũng vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác có lợi thế tương tự Việt Nam về chủng loại hàng hóa, mẫu mã, giá cả …

Cách tháo gỡ khó khăn, tìm cơ hội trong thách thức


Ông Phạm Gia Túc, Phó Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trước mắt cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quan hệ thương mại, đầu tư giữa các doanh nghiệp hai nước như thiếu thong tin về nhau, xa cách đại lý, phức tạp về thủ tục hành chính, phương thức thanh toán …

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Chí Tâm – Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga nhận định: “Nhìn chung mặt bằng thuế nhập khẩu ở Nga đều giảm trong những năm gần đây, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa nước ngoài thâm nhập vào thị trường này.

Trung tâm Văn hóa, thương mại (đa chức năng),và Khách sạn Hà Nội – Mátxcơva đã được khởi công xây dựng vào ngày 10/5 vừa qua 

Bên cạnh đó, hệ thống tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, hải quan, giao nhận kho vận cũng có những chuyển biến cơ bản theo hướng thuận lợi hóa cho hoạt động của các DN Việt khi tham gia thị trường LB Nga”.


Có thể thấy, xuất khẩu Việt Nam trong những năm gần đây có nhiều tiến triển, nhưng nhiều mặt hàng của Việt Nam hiện đang xuất sang thị trường Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ …chủ yếu là gia công cho các hang nước ngoài, phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống phân phối của họ nên giá trị gia tăng rất thấp.

Trong khi đó, thị trường Nga có sức mua lớn, đồng thời là thị trường truyền thống của Việt Nam, thích hợp với các mặt hàng dệt may, giày dép, nông sản, thủy sản của Việt Nam lại không đòi hỏi khắt khe về mẫu mã, chất lượng.

Từ những đánh giá trên, lãnh đạo của Incentra đi tới kết luận: “Nga thực sự là thị trường giàu tiềm năng, có thể đem lại lợi nhuận cao cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam”.

Để các DN Việt Nam không gặp khó khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nga, Trung tâm Văn hóa, thương mại (đa chức năng),và Khách sạn Hà Nội – Mátxcơva đã được khởi công xây dựng vào ngày 10/5 vừa qua, thực hiện vai trò là cầu nối.

Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành thi công phần thô vào tháng 11/2012, và chính thức được đưa vào sử dụng vào cuối năm 2013 tới.

Ông Bùi Thanh Sơn – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách khu vực châu Âu tiết lộ, Việt Nam và Nga cũng đang tích cực thúc đẩy việc thành lập Khu vực mậu dịch tự do Việt Nam – Liên minh thuế quan (Nga, Belarus và Ca-dắc-xtan) nhằm tạo điều kiện gắn kết hơn nữa nền kinh tế VN và Nga.

“Nga cũng đang tích cực triển khai chiến lược phát triển Xi-bê-ri và vùng Viễn Đông, tạo cơ hội cho các DNVN tham gia đầu tư, phát triển tại đây”, ông Sơn nói.

Tuy nhiên, các DNVN vẫn cần phải chủ động hơn nữa trong việc phát triển kênh phân phối hàng hóa của mình. Họ cần mở chi nhánh, văn phòng đại diện, mở showroom để giới thiệu trực tiếp sản phẩm của mình đến với khách hàng ở Nga.

Cũng tại hội thảo này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã bày tỏ hi vọng các doanh nghiệp hai bên sẽ có cơ hội hiểu rõ thêm về môi trường kinh doanh tại Việt Nam và tiềm năng, cơ hội phát triển hợp tác giữa hai bên.


Bài và ảnh: Vũ Cường


Bình luận
vtcnews.vn