Chính phủ New Zealand vừa công bố lộ trình mở cửa biên giới quốc tế đối với những người đã tiêm phòng đầy đủ, bao gồm du học sinh quốc tế. Đây là một bước tiến tích cực cho lĩnh vực giáo dục quốc tế.
Theo đó, lộ trình mở cửa biên giới gồm 5 giai đoạn đối với những người đã tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19, thực thi từ ngày 28/2, bắt đầu với việc cho phép công dân New Zealand từ Úc, và sau đó là từ các nước khác, được trở về nước.
Tiếp đến, từ ngày 14/3, các sinh viên có visa thuộc các chương trình đặc cách nhập cảnh đặc biệt trước đó có thể được tự cách ly tại nhà khi đến New Zealand, thay vì tại các cơ sở cách ly tập trung, trong điều kiện đáp ứng và tuân thủ tất cả những yêu cầu về sức khỏe và quy định xuất nhập cảnh.
Theo kế hoạch này, những đối tượng đang có thị thực tạm thời còn hiệu lực, bao gồm học sinh, sinh viên, và đáp ứng đủ các điều kiện thị thực cũng được quay trở lại New Zealand từ ngày 13/4.
Ngoài ra, Chính phủ New Zealand cũng công bố chương đặc cách nhập cảnh lần thứ tư, cho phép 5.000 du học sinh có thể đến New Zealand từ tháng 4 để bắt đầu kỳ nhập học thứ hai của năm học vào tháng 7. Trước đó vào năm 2020 và 2021, Chính phủ New Zealand cũng đã có 3 đợt đặc cách nhập cảnh cho 2.250 du học sinh quốc tế.
Đến tháng 10/2022, quy trình xét duyệt thị thực sẽ trở lại bình thường, cho phép du học sinh quốc tế có thể nhập học New Zealand vào năm 2023.
Đón nhận thông báo chính thức của Chính phủ New Zealand về việc mở cửa lại biên giới cho các đối tượng ông Grant McPherson, Tổng Giám đốc Điều hành của ENZ khẳng định: “Mảng giáo dục quốc tế đã cho thấy sự kiên cường trước bối cảnh biên giới được kiểm soát nghiêm ngặt để hạn chế những nguy cơ từ đại dịch COVID-19. Thông báo của Chính phủ là một cơ hội để tái xây dựng và tái định hình lại giáo dục quốc tế, sẵn sàng cho những thử thách còn ở phía trước. Các giai đoạn trong lộ trình mở cửa biên giới cho phép các đơn vị giáo dục từng bước chào đón sự trở lại của các nhóm du học sinh trong năm 2022. Thông tin chi tiết về chương trình đặc cách nhập cảnh mới nhất dành cho du học sinh sẽ được công bố bởi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Bộ trưởng Bộ Di trú trong thời gian tới.”
Ông Grant McPherson cũng cho rằng sự đổi mới và đa dạng hóa các sản phẩm giáo dục thông qua hình thức giảng dạy trực tuyến, du học bán phần và du học tại chỗ trong những năm gần đây, vẫn sẽ giữ vai trò quan trọng trong tương lai của ngành giáo dục quốc tế.
“Các đơn vị giáo dục New Zealand luôn đánh giá cao việc xây dựng các mối quan hệ đối tác quốc tế, cũng như mong muốn phát triển những cách tiếp cận giáo dục mới để đáp ứng nhu cầu của học sinh sinh viên. Đây là những yếu tố mang tính quyết định cho sự phát triển bền vững trong tương lai, và chất lượng đầu ra của giáo dục”, ông Grant McPherson nói.
Anh Trần Quang Tánh, nghiên cứu sinh bậc Tiến sĩ tại Đại học Otago, một trong những sinh viên Việt Nam được đặc cách nhập cảnh ngay trong đợt đầu tiên, chia sẻ: “Việc quay trở lại New Zealand để tiếp tục công việc học chính là niềm vui và hạnh phúc của mình và vợ. Mình đã trải qua khoảng thời gian một năm tại Việt Nam trước khi quay trở lại New Zealand. Trong khoảng thời gian đó, mình vẫn duy trì được công việc từ xa và giao tiếp với các giáo sư hướng dẫn thông qua các phương tiện kết nối trực tuyến. Tuy nhiên, mình đã không thể thực hiện được những nghiên cứu cần thiết, một phần vì sự thiếu hụt thiết bị, cùng với những khó khăn khác. Vì thế, việc được trở lại New Zealand để tiếp tục nghiên cứu là điều quan trọng đối với mình và giúp giảm bớt sự lo âu của gia đình”.
Vì thế, học sinh, sinh viên Việt Nam có thắc mắc về chương trình đặc cách nhập cảnh của Chính phủ nên liên lạc với trường mình muốn theo học hoặc các đơn vị tư vấn du học, hoặc có thể vào trang web NauMai NZ để tham khảo những thông tin hữu ích dành cho du học sinh quốc tế tại New Zealand. Bên cạnh đó, người học cũng có thể tìm hiểu thêm về hệ thống giáo dục, cơ hội học bổng, cũng như các chương trình học phù hợp tại New Zealand trên trang web StudywithNewZealand.
Bình luận