New Zealand: Bóng đá, Rugby và sự điên rồ có lý

Tổng hợpThứ Năm, 24/06/2010 06:24:00 +07:00

(VTC News) - New Zealand là một trong những đội bóng đến Nam Phi với một lực lượng CĐV ít ỏi nhất. Không hẳn vì khoảng cách địa lý, vì khó khăn kinh tế mà vì...

(VTC News) - New Zealand là một trong những đội bóng đến Nam Phi với một lực lượng CĐV ít ỏi nhất. Không hẳn vì khoảng cách địa lý, vì khó khăn kinh tế mà vì bóng đá với người New Zealand chỉ là một trò "điên rồ".


1. Tôi còn nhớ những ngày đầu mới từ Việt Nam sang New Zealand, tôi đi tìm mua một đôi giầy Adidas để học thể dục nhưng cứ đi hoài mà không thấy một cửa hàng Adidas nào. Đâu đâu cũng chỉ thấy những cửa hàng được trang trí với tông màu đen cùng 3 sọc trắng giống hệt logo Adidas mà không phải. Nó là Allblack.

Rugby là môn thể thao vua ở New Zealand.

Những cửa hàng Allblack la liệt trên phố, tại các trung tâm mua sắm và trong các cửa hàng lưu niệm cũng có Allblack. Trí tò mò trong tôi ngay lập tức được khơi dậy, tôi quyết tìm xem Allblack là gì. Tôi hỏi một người đàn ông trên phố và rồi sau câu hỏi, ông ta nhìn tôi như người ngoài hành tinh cùng vẻ mặt có phần cáu giận.

Khuôn mặt ấy buộc tôi ngay lập tức phải giải thích, mới sang New Zealand, tiếng Anh còn kém và chưa hiểu biết nhiều về đất nước của ông, nếu không muốn bị ông nghi ngờ có ý khiến nhã. Ông đưa mắt nhìn quanh rồi chỉ vào quả bóng bầu dục trên tay mấy đứa trẻ đang cầm ở bên đường trước khi trả lời cụt lủn: Allblack là cái kia.

Với một người không mấy ham thích thể thao như tôi, quả thật, bóng bầu dục là một thứ xa lạ, song tôi đã bắt đầu hiểu thế nào là Allblack của New Zealand qua ánh nhìn của người đàn ông ấy và trong ánh mắt của lũ trẻ ôm trái bóng bầu dục trên tay.

Rugby với người New Zealand tựa như bóng đá với người Brazil, người Argentina, người Anh, người Ý …, và người của đại bộ phận các đất nước trên thế giới. Có nghĩa là ở New Zealand, rugby là môn thể thao vua chứ không phải bóng đá như người ta vốn tôn thờ.
 
Mùa rugby ở New Zealand sôi động chẳng khác nào Premier League, La Liga, Serie A, hay thậm chí như một mùa World Cup. Người ta bàn tán hàng ngày ở khắp mọi nơi, mọi lúc. Thầy giáo tôi lên lớp và chỉ cần ngơi ra là bài giảng có mùi rugby. Đó là thông tin về những đội bóng, những giải đấu, về chiếc TV thầy dự định mua trong mùa rugby mới, những người bạn thầy dự tính mời sang New Zealand chơi nhân mùa rugby... Đã có lần tôi cắt ngang cơn say rugby của thầy bằng một câu hỏi, thầy có thích bóng đá không thì nhận được từ thầy câu trả lời: “I have no idea” (Tôi không quan tâm).

2. Lần đầu tiên tôi nghe thấy người New Zealand nói về bóng đá là khi cô giáo tôi kể cho tôi nghe về trận giao hữu giữa New Zealand và một đội nào đó tôi chẳng nhớ tên. Cô bảo chúng tôi, những cầu thủ New Zealand như những đứa trẻ to xác lóng ngóng rượt đuổi theo trái bóng tinh ranh và đội bạn không cần tốn nhiều sức, chỉ cần đợi bóng chạm đến chân, sút và ghi bàn. Đúng là trò hề!

Mấy hôm sau, khi vừa bước qua cửa lớp, cô đã bảo chúng tôi: Các bạn biết gì không? New Zealand được vào World Cup 2010. Thật tuyệt! Họ bị điên rồi. Tôi chưa từng nghe điều đó lần nào từ lúc tôi được sinh ra.

Ở New Zealand, bạn sẽ thấy các sân rugby mini có ở hầu hết các công viên, nhưng hiếm lắm mới thấy sân bóng đá và trên sân bóng đá lại hiếm lắm bạn mới tìm thấy người New Zealand. Hầu hết những người chơi bóng đá là người ngoại quốc đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Việt Nam. Ngay cả Cúp C1 châu Âu cũng không được truyền hình trực tiếp trên các kênh chính của New Zealand và nếu đến New Zealand, bạn cũng đừng ngạc nhiêu khi trót hỏi ai đó về Ronaldo, Kaka, Messi,... mà họ không biết là ai.

3. Allblack là một niềm tự hào của New Zealand. Có một cảnh tượng mà tôi vô cùng thích thú là khi 2 đội bắt đầu trận đấu, đội bạn sẽ đặt tay lên ngực hát quốc ca thì đội Allblack của New Zealand bắt đầu nhảy điệu Haka khiêu chiến.

Đội rugby New Zealand và vũ điệu Haka khiêu chiến.

Haka là một điệu hát nhảy khiêu chiến của người Maori (bộ tộc người bản địa của New Zealand). Cô giáo tôi hay kể về người Maori như một tộc người không bao giờ ngã xuống. Cô kể, trong chiến tranh, với người bình thường, trúng mũi tên, hòn đạn có thể sẽ ngã xuống còn người Maori thì không, dù bị thương vẫn xông lên như không hề sao cả. Haka thể hiện niềm đam mê, sức sống và bản sắc của chủng tộc. Haka phản ánh những mối quan tâm, những thách thức, thời gian và phản đối. Nó mang tính áp đảo và uy hiếp lắm. Thiết nghĩ đội rubby New Zealand mang tên Allblack một phần vì trang phục của họ, một phần vì khí thế Haka.

Đối lập với Allblack là Allwhite. Ở New Zealand, người ta thường lấy Football để gọi thay cho rugby, vì thế bóng đá được gọi thêm bằng một từ khác là Allwhite, đối lập với Allblack.

Trong lịch sử, New Zealand trước đây chỉ toàn người Maori và sau đó là sự xâm chiếm của người Anh dẫn đến New Zealand ngày nay có hai cộng đồng người chủ đạo là Maori bản địa và Anh nhập cư. Thế cho nên tôi có cảm nhận nếu Allblack mang cái dũng mãnh của người Maori thì Allwhite mang cái lịch lãm từ tốn đậm chất Anh. Nhưng điểm chung ở cả Allwhite và Allblack là sự không thể khuất phục.

Thủ thành Mark Paston, biểu tượng của sự không thể khuất phục bóng đá New Zealand. (Ảnh: Getty Images)

Bạn có thể cảm nhận được điều đó từ những Allwhite đang chiến đấu trên đất Nam Phi qua cách mà họ giành lấy môt điểm trước Slovakia và mới đây là sự vững vàng, tự tin trước các nhà ĐKVĐ thế giới Italia. Hai chiến công này đã làm cho cả thế giới biết đến Allwhite ở New Zealand nhiều hơn. Và đặc biệt, nó làm cho chính người New Zealand thay đổi cách nghĩ về Allwhite, rằng sự "điên rồ" mà những chàng trai New Zealand đã và đang làm được không "điên rồ" chút nào.

Người New Zealand đã bắt đầu tự hào về Allwhite!


Lan Trần (du học sinh tại New Zealand)

World Cup trên VTC News 

>> Viết bình luận, gửi ảnh độc, nhận quà bất ngờ
>> Chơi trò dự đoán miễn phí, trúng đến 30 triệu đồng
>> Nghe Quang Huy & Quang Tùng đoán, bình World Cup
>>
Lịch TT trực tiếp trên truyền hình độ nét cao VTC
>> Kết quả bóng đá trực tuyến
>> Bảng xếp hạng vòng bảng


Bình luận
vtcnews.vn