Wall Street Journal đưa tin, trong khi các nhà lập pháp Mỹ đang tranh luận về gói viện trợ mới dành cho Ukraine, Israel và Đài Loan thì chính quyền Tổng thống Joe Biden cho rằng kế hoạch trên sẽ giúp lĩnh vực quốc phòng Mỹ thu về 38,8 tỷ USD.
Hiện tại, gói viện trợ bổ sung của Mỹ dành cho Ukraine vẫn chưa được Quốc hội Mỹ thông qua. Trong đó, đảng Cộng hoà nhiều lần nhấn mạnh bất kỳ khoản viện trợ bổ sung nào của Mỹ cho Ukraine và Israel cũng phải đi kèm một thoả thuận giải quyết vấn đề biên giới.
Ngoài ra, chính trường Mỹ hiện "nóng lên" khi cuộc bầu cử tổng thống 2024 tới gần. Được đánh giá là một trong những ứng viên sáng giá trong cuộc bầu cử năm nay, cựu Tổng thống Donald Trump cho biết nếu đắc cử, ông sẽ yêu cầu các đồng minh châu Âu hoàn trả cho Mỹ số đạn dược trị giá khoảng 200 tỷ USD đã được gửi tới Ukraine.
Điều đó làm Kiev và các đồng minh lo ngại rằng nguồn tài trợ của Mỹ dành cho Kiev trong cuộc chiến chống Nga sẽ cạn kiệt hoàn toàn nếu ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.
Kể từ khi cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022, ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ đã trải qua thời kỳ bùng nổ sản xuất vũ khí và đạn dược trên diện rộng.
Điều này đã giúp khắc phục sự sụt giảm sản lượng do đại dịch COVID-19 gây ra vào thời gian trước đó. Chỉ mất vài năm nhưng doanh số sản xuất máy bay chiến đấu và thiết bị quân sự của Mỹ đã đạt mức thu bằng vài thập kỷ.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, quốc gia này đã thu về hơn 80 tỷ USD từ các hợp đồng vũ khí trong năm qua. Trong đó, hơn một nửa doanh thu đến từ các nước đồng minh châu Âu. Hồi tháng 8/2023, Mỹ đã bán trực thăng Apache, hệ thống tên lửa, xe tăng và các khí tài quân sự khác trị giá 30 tỷ USD cho Ba Lan.
Nhà phân tích ngành công nghiệp quân sự Myles Walton cho biết: "Hoạt động sản xuất và bán vũ khí của Mỹ trong vài năm trở lại đây tương đương với 20 năm trước đó”.
Ngoài ra, Mỹ có thể hưởng lợi từ việc sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sau khi nguồn cung cấp khí đốt của Nga bị cắt khiến giá năng lượng tăng vọt.
Năm 2023, Mỹ lần đầu tiên trở thành nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, vượt qua hai nước xuất khẩu hàng đầu là Australia và Qatar. Theo Bộ Năng lượng, lượng xuất khẩu này dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2030.
Bình luận