• Zalo

"Nếu tội con nặng phải bắn, bố cũng sẽ ký đơn"

Pháp luậtChủ Nhật, 25/12/2011 06:32:00 +07:00Google News

Có lẽ khi phải đặt bút viết những dòng chữ ấy, ông vô cùng đau đớn. Lá đơn được viết vào ngày 21/10.

Con hư tới nỗi, bố phải viết đơn mong công an giúp đỡ bắt nó đi cai nghiện để nó không quấy nhiễu xã hội và gia đình. Nếu tội con nặng phải bắn, bố cũng sẵn sàng ký đơn.

 
Phùng Quang Huy bị khống chế ngay trong phòng. 
Suy nghĩ thật lâu, tôi quyết định chọn lá đơn của người cha ấy - ông Võ Minh Châu để mở đầu cho bài viết của mình. Có lẽ khi phải đặt bút viết những dòng chữ ấy, ông vô cùng đau đớn. Lá đơn được viết vào ngày 21/10.


“Kính gửi quý Công an thị trấn Văn Điển

Tên tôi là Võ Minh Châu, địa chỉ 100, đường Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Làm đơn trình báo một việc như sau: Tôi có thằng con tên là Võ Hoàng Anh (tức Phương) sinh năm 1979. Hoàng Anh mắc nghiện hơn 10 năm. Đi tù hơn 2 năm, cai nghiện 3-4 lần. Thời gian vừa rồi làm ăn ra Bắc vào Nam nhưng từ đầu tháng 9 ra Hà Nội ở nhà và thường xuyên bỏ nhà qua đêm, quan hệ toàn bạn nghiện tụ tập tại nhà nghỉ ở Quốc Bảo.

Bản thân con tôi đang là con nghiện nặng về nhà hành hung gia đình đập phá, xe máy đi cầm cố... 13 giờ 15 ngày 21/10, nó bảo bố mẹ về quê để nó đưa bọn nghiện vào nhà hút hít. Tôi bảo không được lập tức nó cầm kiếm chém tan chiếc điện thoại bàn... cùng nhiều những thứ trong nhà khác.

Vậy tôi làm đơn này rất mong quý Công an Thanh Trì giúp đỡ bắt nó đi cai nghiện để nó không quấy nhiễu xã hội và gia đình. Nếu tội nó nặng phải bắn, tôi cũng sẵn sàng ký đơn. Nếu được vậy, gia đình tôi xin cảm ơn”.


Cuối lá đơn trình báo, ông Châu đã xót xa gọi mình là cha đẻ của thằng nghiện. Căn nhà của ông Châu nằm lọt thỏm trong dãy phố dài hun hút, nhuộm bầu không khí u buồn. Thấy chúng tôi đến, cháu nội của ông Châu đang chơi đùa với ông bà, vội sà vào lòng mẹ. Giờ đây, đứa cháu nội là niềm an ủi duy nhất của vợ chồng ông Châu...

Khi chúng tôi nhắc đến Hoàng Anh, trên gương mặt đầy đặn của người đàn ông luống tuổi đượm vẻ u buồn và bất lực: “Bây giờ tôi chỉ muốn đưa nó đi cai nghiện. Nó phá lắm rồi, tôi không chịu đựng được nữa”, ông Châu thốt lên một cách tuyệt vọng. Cạnh đó, vợ của ông ngồi thẫn thờ, nước mắt của bà dường như đã chảy vào trong lòng, khi đứa con trai út mà bà hết mực thương yêu giờ đang dần tuột khỏi tay mình. Và càng xót xa khi bà đành “lực bất tòng tâm”... Trong suốt câu chuyện với chúng tôi, ông Châu và vợ thường hay nhắc lại chuyện quá khứ.


Ngày đó, ông Châu là lái xe còn vợ là công nhân một nhà máy. Võ Hoàng Anh là con trai thứ hai của vợ chồng ông Châu, sinh năm 1979. “Ngày còn bé, Hoàng Anh là đứa trẻ rất ngoan”, ông Châu ngậm ngùi. Những ngày đó, vợ chồng tôi ngoài đi làm Nhà nước cũng tăng gia thêm việc sản xuất. Thằng Hoàng Anh và anh trai nó, khi đó đã biết giúp đỡ bố mẹ băm bèo, nấu cám”. Hoàng Anh rất thông minh và có năng khiếu về ngoại ngữ (Lời của mẹ Anh-PV).

Cuộc sống gia đình đang yên ả thì anh trai của Anh bất ngờ gặp tai nạn giao thông thảm khốc, tuy giữ lại được tính mạng nhưng suy nghĩ và hoạt động cũng không được như bình thường. Vì thế, ông Châu và vợ dồn hết hy vọng vào Hoàng Anh... Ông Châu không thể quên được cái ngày định mệnh của hơn chục năm về trước, khi ông biết Hoàng Anh nghiện ma tuý. Lúc đó, ông đã thẳng tay đánh Hoàng Anh, nó hứa hẹn rồi sau đó lại chứng nào tật nấy. Về phần bà Châu, nỗi đau khiến bà không thể gượng dậy nổi. Bao nhiêu đêm, người đàn bà đó đã cạn nước mắt khóc thầm cho số phận hẩm hiu của mình. Cả đời bà chỉ biết chăm chỉ làm lụng, một lòng vì chồng vì con vậy mà tai hoạ cứ liên tiếp đổ xuống đầu...


Bao nhiêu lần Hoàng Anh đi cai nghiện cũng là bấy nhiêu lần, vợ chồng bà nhen nhóm hy vọng. Sự tin tưởng đó càng tăng lên khi Hoàng Anh lấy vợ rồi có con. Bà Châu bộc bạch: “Quả thực khi đó, vợ chồng tôi đã nghĩ rằng sau khi lập gia đình, tình cảm vợ chồng, trách nhiệm của người cha sẽ khiến nó (Anh) tỉnh ngộ, từ bỏ “cái chết trắng” để chúng tôi có chỗ nương tựa khi tuổi già”. Nhưng mọi hy vọng của ông bà tắt lịm khi Anh ngày càng trượt dốc. Rồi Hoàng Anh bị đưa đi trung tâm cai nghiện...

Cảnh nhà vốn chẳng dư dả gì nhưng vì thương con, bà Châu vẫn lặn lội vài chục km lên thăm con. Bà dùng tình thương của người mẹ để cảm hoá Anh. Lúc đó, nó “nói như đài”, thề sống thề chết khi rời khỏi trung tâm sẽ tu chí làm ăn nhưng sau đó lại “ngựa quen đường cũ”. Không chịu nổi người chồng nghiện ngập, vợ của Hoàng Anh đã đệ đơn ly hôn rồi mang theo đứa con nhỏ. “Mẹ nào mà chẳng thương con”, vì thế cũng không thể trách bà Châu. Bà dùng sự mềm mỏng, dùng tình yêu thương để níu kéo cậu con trai...


Cách đây khoảng hai năm, Hoàng Anh vào miền Nam làm ăn. Đó cũng là quãng thời gian ông bà Châu cảm thấy thư thái nhất. Dạo đó, Hoàng Anh gọi điện thoại về nói rằng “vợ chồng” nó đang kinh doanh thực phẩm chức năng việc làm ăn cũng khá “thuận buồm xuôi gió”. Vài tháng một lần, Hoàng Anh lại trở ra Bắc. Khi đó, nó ăn mặc tươm tất và thường xuyên có các cuộc điện thoại đến và đi giao dịch làm ăn. Thấy con có biểu hiện tiến bộ, bà Châu và chồng đã khấp khởi mừng thầm.

Đùng một cái, Hoàng Anh cùng vợ dọn đồ đạc về nhà... nói rằng làm ăn thua lỗ. Rồi có người thường xuyên đến đòi nợ. Từ ngày Hoàng Anh về, bầu không khí trong gia đình càng trở nên căng thẳng. Hoàng Anh thường ở lỳ trong nhà. Khi cần tiền hút chích thì nó đá thúng, đụng nia, sau đó thì nói năng lảm nhảm. Nó chẳng dám ra đường trộm cắp, lấy tiền của ai nhưng cứ hành hạ ông bà Châu.

Cậu “quý tử” gây áp lực bằng việc đập phá đồ đạc trong gia đình, cầm kiếm đe doạ buộc phải đưa tàn sản. Và đỉnh điểm của sự việc đó là tối 21-10, khi Hoàng Anh cố thủ trong nhà, dùng lựu đạn để uy hiếp... những người thân trong gia đình, bắt phải đưa tiền. Khi đó, Hoàng Anh chỉ tiếp xúc duy nhất với đồng chí Cảnh sát khu vực...


Cùng cảnh ngộ với họ còn có bà Trần Thị Phả và ông Phùng Trịnh Kế ở thôn Phương Mạc, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng (Hà Nội). Những ngày qua, họ luôn sống trong tâm trạng mệt mỏi chán chường. Họ chẳng thiết ăn uống, thẫn thờ trước hiên nhà... Nhìn cảnh ông bà lụi cụi trong căn nhà trống trải, ai cũng chạnh lòng thương cảm. “Tôi sinh được 3 con trai, Phùng Quang Huy (SN 1973) là út của gia đình...” bà Phả rầu rầu. Rồi bà cầm sợi xích sắt, to và dày nói trong nước mắt: “Không biết bao nhiêu lần, tôi đã phải xích nó vào chân cột... Rồi ứa nước mắt khi thấy nó lăn lộn, trong cơn vật thuốc. Lúc đó, lòng tôi đau đớn như có hàng ngàn mũi kim đâm vào người”.

“Giàu con út, khó con út” từ nhỏ bà Phả và chồng đã giành nhiều tình cảm cho Huy. Có lẽ vì được nuông chiều từ nhỏ mà Huy cũng hiếu động và nghịch ngợm hơn các anh trai trong gia đình. Khi đó, ông Kế nghiêm khắc với Huy nhưng bà Phả vì thương con nên có phần cưng chiều hơn. Bà Phả nghĩ rằng tình yêu thương của người mẹ sẽ giúp cảm hoá được cậu con trai vốn ương ngạnh.

Nhưng dường như mọi nỗ lực của bà đều không mang lại được kết quả. Huy chỉ học hết phổ thông rồi sau đó bỏ học ở nhà lêu lổng, đàn đúm với đám bạn bè xấu. Bố mẹ rồi các anh trai hết sức khuyên bảo, Huy mới đồng ý học nghề lái xe... Thời gian đầu, thấy Huy chí thú làm ăn, bà Phả mừng lắm. Bà nghĩ rằng con trai đủ tuổi trưởng thành, chín chắn đã thay tâm đổi tính làm lại cuộc đời, nào ngờ.


Trong những ngày rong ruổi lái xe trên các tuyến đường dài, Huy đã đua đòi bạn bè bập vào ma tuý. Từ đây, cũng bắt đầu những chuỗi ngày tủi nhục trong gia đình. Từ ngày bập vào ma tuý, Huy bỏ việc làm, thường ngày đàn đúm với đám bạn bè xấu đua đòi hút chích. Không có tiền, Huy đập phá đồ đạc, bắt bố mẹ phải cung phụng tiền. “Nhiều người trách tôi là nuông chiều để nó hư. Tôi hỏi cô, người mẹ nào mà không thương con mình. Tôi cũng chỉ là người đàn bà bình thường. Có lúc, nó hành hạ quá, tôi cũng chỉ muốn nó khuất khỏi mắt tôi... nhưng khi nhìn thấy nó thân tàn ma dại, tôi lại không cầm được lòng mình”, bà Phả giãi bầy.

Ai mách bảo ở đâu, bà Phả cũng đưa Huy đi cai nghiện... Huy đã hai lần chữa bệnh bắt buộc tại trung tâm cai nghiện nhưng rồi lại “ngựa quen đường cũ”. Anh trai lớn của Huy không chịu được cậu em trai ngỗ ngược cũng đã từ mặt Huy. Để có tiền sử dụng trái phép chất ma tuý, Huy bảo kê cho các nhà hàng, đánh nhau để lấy tiền ăn chơi, đua đòi.

Vì sợ con trai bị bắt vì liên quan đến hành vi phạm tội, bà Phả giấu chồng lén đưa tiền cho Huy. Khi Huy “bập” vào sử dụng trái phép ma tuý tổng hợp thì anh ta thường bị ảo giác. Huy thường chửi bố, mẹ rồi đập phá tài sản trong gia đình. Tuổi già xế bóng chiều tà, ông bà Phả vẫn phải cung phụng cậu con trai “sức dài, vai rộng”.


Có đồng nào để dưỡng già, ông bà cũng phải ky cóp cất giấu vì chỉ hở ra là Huy mang đi nướng vào ma tuý. “Rồi chẳng biết nó mang ở đâu về mấy con dao to và hai khẩu súng hoa cải. Tối 14-12, Huy bị ảo giác do dùng ma tuý tổng hợp đã dùng súng bắn đạn hoa cải đe doạ những người dân đi đường. Huy chửi bới, la hét... và đến sáng 15-12 thì nó đuổi ông bà ra khỏi nhà.

Rồi Huy khoá trái cửa ở trong nhà, đập phá nhà cửa và đồ đạc trong gia đình. Bà Phả đội chiếc nón lá, bước thấp bước cao trong buổi sáng giá lạnh đó. Nhưng dường như giá lạnh ấy không thấm nổi với nỗi đau đớn đang dày vò tâm can của người mẹ ấy. Có những lúc, bà tự trách mình phải cương quyết với con trai... nhưng rồi bà lại không điều chỉnh được giữa lý trí và tình cảm.


Đau đớn bố gửi đơn nhờ CA bắt "nghịch tử", An ninh - Hình sự, nghich tu, giet nguoi, sung, luu dan, vu khi, nghien, ma tuy, bao

Tang vật thu trong phòng của Phùng Quang Huy. 

Mỗi khi nhớ lại buổi sáng hôm ấy, bà Phả vẫn rùng mình lo sợ. Huy cầm một bọc như quả lựu đạn đe doạ mọi người... Lúc đó, chẳng ai biết được đó là lựu đạn thật hay giả nhưng bà Phả phải sống trong tâm trạng căng thẳng đến tột độ... Chỉ đến khi các trinh sát Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an huyện Đan Phượng khống chế thành công Huy, bà thở phào nhẹ nhõm. “Nước mắt chảy xuôi”...

Đó là quy luật muôn đời của tạo hoá. Nhưng những người làm mẹ, làm vợ như bà Phả, bà Châu thật đáng thương. Khi kết thúc bài viết, trong tôi lại nhớ đến câu nói “... Những ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không?” Và tôi cũng hy vọng rằng, khi đọc bài viết này, Huy và Hoàng Anh sẽ hiểu được nỗi lòng của những bậc sinh thành để tu chí làm ăn, có cơ hội làm lại cuộc đời.


Đồng chí Tùng, Cảnh sát khu vực, người trực tiếp vào vận động và thuyết phục Hoàng Anh kể lại: Hoàng Anh rất sợ đi cai nghiện nên hắn rất cảnh giác. Khi tiếp xúc với tôi, Hoàng Anh ngồi ở góc rất xa, phía giữ chắn bằng một chiếc bàn dài. Sau nhiều lần thương thuyết nhưng đối tượng vẫn không giao nộp”. Đến khoảng 3 giờ sáng thì không thuyết phục được nữa còn anh trai thì đi ra ngoài.

Rồi Hoàng Anh lại đưa ra yêu sách: “trong vòng 15 phút, nếu ông Châu và bà Châu không về thì sẽ cho nổ tung nhà. Sau đó, Hoàng Anh đập phá nhà cửa... Khi các yêu cầu không được đáp ứng, Anh tiếp tục đưa ra tối hậu thư: Nếu ông bà Châu không về nhà thì Hoàng Anh sẽ tìm cách kết liễu đời mình... Trong các vụ việc này, ngoài các biện pháp công khai cũng cần phải phối hợp với gia đình thuyết phục và cảm hoá đối tượng.

Ngày 19-12, cơ quan CSĐT Công an huyện Đan Phượng vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với Phùng Quang Huy (SN 1973, trú tại huyện Đan Phượng, Hà Nội) về hành vi gây rối trật tự công cộng. Trước đó, Võ Hoàng Anh, trú tại địa chỉ trên cũng bị cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì khởi tố về hành vi trên.
 

Theo Cảnh sát toàn cầu


Bình luận
vtcnews.vn