Cindy Thái Tài là một chuyên gia trang điểm nổi tiếng, người có công đào tạo nên nhiều thế hệ người mẫu đầu tiên của Việt Nam. Lâm Chí Khanh từng là thần tượng của rất nhiều bạn trẻ khi hoạt động nghệ thuật trong vai trò ca sĩ. Hương Giang Idol, Lê Thiện Hiếu đang có những hoạt động tích cực trên thị trường âm nhạc Việt Nam.
Họ có tuổi đời khác nhau, công việc khác nhau nhưng điểm chung họ đều là những nghệ sĩ chuyển giới đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Cả 4 người họ đều có những tâm sự rất thật với VTC News về những kỳ thị mà họ vướng phải vì là người chuyển giới.
Trước những chia sẻ của họ, phóng viên VTC News có cuộc trò chuyện với anh Huỳnh Minh Thảo - Giám đốc ICS Việt Nam - tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT).
- Nữ ca sĩ Hương Giang Idol đăng quang Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2018. Nhiều người coi đó là niềm tự hào của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến tỏ rõ sự kỳ thị người chuyển giới. Anh đánh giá sao về điều này?
Trước tiên, tôi cần phải nói rõ rằng, ở quan điểm cá nhân, tôi không phải là một người quá yêu thích các cuộc thi nhan sắc. Theo tôi, ở một mặt tối nào đó, các cuộc thi này chính là công cụ tạo nên những rào cản cho mọi người.
Tuy nhiên, tôi đánh giá, chiến thắng của Hương Giang tại cuộc thi Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2018 là phần thưởng xứng đáng của bạn ấy. Hương Giang rất xuất sắc. Tôi cũng thấy việc Hương Giang được truyền thông khai thác thông tin dày đặc thời điểm đó cũng có lợi cho không chỉ bạn ấy mà còn cho cộng đồng LGBT.
Còn việc có nhiều luồng dư luận sau khi Hương Giang đăng quang, tôi nghĩ đó là chuyện bình thường. Dư luận thường là vậy, muôn hình vạn trạng. Có cái gì là được trăm phần trăm đồng thuận đâu. Có người ủng hộ chiến thắng của Hương Giang thì cũng phải có người đưa ý kiến theo hướng tiêu cực, chẳng hạn như những lời mỉa mai "dù có xinh đẹp tới đâu cũng không phải là phụ nữ" hay "Chỉ có đàn ông Việt Nam mới chiến thắng ở các cuộc thi sắc đẹp tầm cỡ thế giới".
Tuy nhiên, tôi nghĩ những ý kiến trái chiều đó cũng là dịp để cộng đồng LGBT và những người có tư tưởng tiến bộ, tôn trọng bình đẳng và sự đa dạng lên tiếng. Qua việc này, tôi cũng thấy xã hội giờ phản ứng rất nhanh. Khi những ý kiến tiêu cực trên xuất hiện, có ngay những phản hồi. Đó cũng là cách để những ai có những thông tin, quan điểm sai học được và sửa đổi.
- Sau chiến thắng tại cuộc thi Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2018, Hương Giang nói rằng, sự kỳ thị đối với người chuyển giới chưa bao giờ mất đi, người ta chỉ giỏi giấu hơn thôi. Anh có đồng tình với quan điểm của Hương Giang?
Tôi đồng ý 1 phần nhận định của Giang. Khái quát, xã hội hiện tại có chia ra 3 nhóm người: những người chấp nhận người chuyển giới cũng như cộng đồng LGBT, người phản đối và nhưng người chưa chấp nhận nhưng cũng không phản đối, tôi tạm gọi đây là những người có quan điểm "lưng chừng".
Nhiệm vụ của những tổ chức như ICS (nơi tôi đang làm) hoặc kể cả Hương Giang là chia sẻ những thông tin đúng để giúp những người có quan điểm lưng chừng trở thành thừa nhận và giúp những người phản đối chuyển sang lưng chừng và suy nghĩ lại.
- Lê Thiện Hiếu từng thừa nhận, những người thân, người quen của anh có thể đồng cảm với việc anh là một người chuyển giới, nhưng chấp nhận thì không. Theo anh, tại sao mọi người lại khó chấp nhận chuyện đó tới vậy?
Thay đổi nhận thức là sự thay đổi khó khăn nhất, từ trước đến nay vẫn vậy. Chúng ta cũng phải mất hàng trăm, hàng ngàn năm cho việc đánh giá đúng vai trò của phụ nữ. Nhưng ngầm đâu đó thì sự bất bình đẳng vẫn còn đó. Chúng ta từng thấy nhiều người dân tộc thiểu số, người khuyết tật bị phân biệt đối xử, định kiến… dù những quy định bảo vệ họ có từ rất lâu.
Nhiều người còn xem cộng đồng LGBT là tệ nạn xã hội.
Ông Huỳnh Minh Thảo - Giám đốc Trung tâm ICS
Với người chuyển giới, trước đây họ phải đối diện với rất nhiều thứ kinh khủng và tồi tệ. Nhiều người còn xem cộng đồng LGBT là tệ nạn xã hội nữa.
Tuy nhiên, điều đáng mừng nhận thức của nhiều người dành cho người chuyển giới nói riêng và cộng đồng LGBT đang có những chuyển biến rất tích cực. Nói điều này không có nghĩa là tôi hài lòng với tình hình hiện tại mà chỉ là để hiểu chúng ta cần phải thay đổi từng bước để đến với công bằng trong tương lai.
Muốn đẩy nhanh sự thay đổi nhận thức của xã hội dành cho người chuyển giới, không cách gì khác chúng ta cần phải chia sẻ nhiều thông tin hơn, có nhiều hoạt động hơn và hoạt động cũng cần sự tinh tế hơn.
Còn lý do vì sao mọi người chưa chấp nhận LGBT rộng rãi, chúng ta có thể soi xét từ nhiều khía cạnh, gia đình, trường học, công sở. Hiện tại, chưa có nơi nào cởi mở về vấn đề này. Các hoạt động chỉ còn lẻ tẻ và đôi lúc chỉ đến từ truyền thông xã hội.
Nếu có những cơ chế bình thường hóa các thông tin về LGBT trong những môi trường nói trên, khi đó vấn đề này mới có thể là 1 việc bình thường được.
- Theo anh, tại sao các nghệ sĩ chuyển giới như Cindy Thái Tài, Lê Thiện Hiếu, Hương Giang... lại phải đối diện cô đơn, không chỉ tại trường học, ngoài xã hội mà còn chính trong gia đình của mình?
Đúng là thậm chí so với cả cộng đồng LGBT, các bạn chuyển giới đôi khi còn chịu định kiến nhiều hơn cả. Vì bản dạng giới là thứ được các bạn nhận ra từ khá sớm, có bạn từ tuổi mẫu giáo, cấp 1 cảm thấy mình khác biệt và không đúng với giới tính mình đang mang.
Từ đó, các bạn rất dễ bị bỏ rơi, bị kỳ thị, xua đuổi. Vì những người trong gia đình cũng chưa biết gì về vấn đề này và chỉ nghĩ đó là bệnh, là lệch lạc và họ tìm cách để thay đổi, thay đổi không được thì họ lại bỏ mặc… cứ vậy, cuộc sống của rất nhiều người chuyển giới trở nên bế tắc và trượt dài. Mất tình thương của gia đình, thậm chí mất tất cả chỉ vì họ muốn sống là chính họ.
- Cindy Thái Tài, Hương Giang Idol, Lê Thiện Hiếu gần như chỉ có một mình họ khi đi phẫu thuật chuyển giới. Không người thân nào ở bên cạnh họ vào những giây quan trọng ấy. Anh nghĩ, điều này sẽ ảnh hướng tới họ như thế nào về mặt tâm lý cũng như sức khỏe?
Cũng như khi chúng ta đứng trước những ngưỡng quan trọng của cuộc đời mà không có ai bên cạnh, chúng ta cũng sẽ rất tủi thân. Thú thực, khi đọc được những chia sẻ của Giang khi một mình sang Thái Lan chuyển giới, tôi rất xúc động và chỉ muốn ôm em ấy một cái… À không, bất kỳ ai ở giai đoạn đơn độc đó cũng đều cần ôm một cái.
Tôi tin Hương Giang và những bạn có hoàn cảnh tương tự rất mạnh mẽ để vượt qua khoảnh khắc đó, và giờ, đến lúc nhìn lại, nhiều bạn cảm thấy hạnh phúc hơn vì sự ủng hộ của gia đình mình. Ví dụ như Hương Giang, trong đợt thi Hoa hậu vừa qua, bố bạn ấy sang tận Thái Lan để ủng hộ con gái.
- Vừa rồi, anh có đại diện cho Trung tâm ICS và Viện nghiên cứu iSEE lên tiếng về việc chương trình "Táo quân" có nhiều hành vi xúc phạm cộng đồng LGBT. Tới thời điểm này, ông có nhận được phản hồi gì từ phía ê-kíp sản xuất lẫn VTV?
Chúng tôi lên tiếng về vấn đề này vì cảm thấy đến lúc cần phải nói lên quan điểm của mình. Mục đích của chúng tôi không chỉ là chờ đợi phản hồi từ VTV, mà còn là cơ hội giáo dục xã hội, giúp mọi người có thêm nhiều cái nhìn công bằng cho người chuyển giới. Đó cũng là cách để chúng tôi thể hiện quan điểm của mình về cách làm hài hiện tại của Việt Nam, còn rất nhiều bất cập.
Tiếc là đến cuối cùng VTV và ban biên tập chương trình Táo quân vẫn im lặng, dù vậy tôi không nghĩ là họ không rút ra được gì cho mình.
Còn chúng tôi, nếu năm sau Táo quân hoặc cả các chương trình khác vẫn còn tiếp diễn cách làm hài thiếu tôn trọng người chuyển giới cũng như những người thiểu số như vậy, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục lên tiếng và lần thứ hai bao giờ cũng mạnh mẽ hơn.
- Có lẽ ê-kíp Táo quân không chủ đích kỳ thị cộng đồng LGBT. Họ chỉ muốn lấy tiếng cười và việc chế giễu cô Bắc Đẩu lại là cách mang lại tiếng cười nhanh nhất. Nhưng chính điều đó lại chứng tỏ, sự kỳ thị đối với cộng đồng LGBT ăn sâu vào trong suy nghĩ của mỗi người. Anh nghĩ sao về quan điểm này?
Tôi thấy “chủ đích” hay không, không nói lên được gì. Quan trọng là họ chọn cách đùa như vậy là không được và không nên tiếp diễn. Tôi nghĩ không chỉ với cộng đồng LGBT mà bất cứ ai nếu bị đem ra bỡn cợt như vậy cũng đều sẽ lên tiếng giống chúng tôi thôi.
- Anh hy vọng, sự lên tiếng của mình sẽ giúp ích được gì cho cộng đồng LGBT?
Đó là một trong những cách giúp thay đổi nhận thức cho xã hội. Điều quan trọng là chúng tôi cố tình để mọi chuyện nằm ở mức ôn hòa, không tạo nên những tranh cãi cực đoan, đôi khi còn gây tác dụng ngược cho xã hội. Mục đích vẫn chỉ là giúp những người “phân vân/lưng chừng” hiểu thêm về người chuyển giới và cộng động LGBT và những người phản đối sẽ nghĩ lại.
- Ông mong muốn những nghệ sĩ chuyển giới sẽ nhận được sự hỗ trợ như thế nào để có thể thăng hoa trong sự nghiệp?
Chỉ cần họ được đối xử như tất cả những nghệ sĩ khác.
Cảm ơn ông về những chia sẻ trên!
Video: Bị kì thị người chuyển giới đẹp đến mức nào cũng không phải con gái, Hương Giang nói gì?
Bình luận