• Zalo

Nếu không tìm được kẻ đưa ma túy cho 4 nữ tiếp viên, vụ án sẽ thế nào?

Bản tin 113Thứ Bảy, 25/03/2023 06:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo luật sư Đặng Văn Cường, nếu không tìm được kẻ đã đưa ma túy cho 4 nữ tiếp viên hàng không thì cơ quan CSĐT sẽ tạm đình chỉ vụ án theo quy định pháp luật.

Góc nhìn pháp lý trong việc trả tự do cho 4 tiếp viên hàng không

Ngày 22/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM ra quyết định trả tự do cho 4 tiếp viên hàng không xách 11 kg ma túy do chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự. Tuy nhiên, cơ quan điều tra cũng đã khởi tố vụ án "vận chuyển trái phép chất ma tuý" để làm rõ bản chất vụ việc, xử lý nghiêm các đối tượng liên quan.

Trả lời PV VTC News về diễn biến tiếp theo của vụ án, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp nói: "Đến nay cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ đối tượng nào đã thực hiện hành vi mua bán trái phép ma túy để khởi tố bị can.

Trong quá trình điều tra vụ án, nếu công an không xác định được đối tượng đã đưa ma túy cho 4 nữ tiếp viên hoặc đối tượng nhận, thì sẽ tạm đình chỉ vụ án theo quy định của pháp luật".

Nếu không tìm được kẻ đưa ma túy cho 4 nữ tiếp viên, vụ án sẽ thế nào? - 1

luat-su-dang-van-cuong-09320373-10093002.jpg

Trong quá trình điều tra vụ án, nếu công an không xác định được đối tượng đã đưa ma túy cho 4 nữ tiếp viên hoặc đối tượng nhận thì sẽ tạm đình chỉ vụ án.

Luật sư Đặng Văn Cường

Luật sư Cường phân tích, theo Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.

Điều 172 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, quy định thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 2 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 3 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 4 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.

Tuy nhiên, nếu trong quá trình điều tra, lực lượng chức năng phát hiện ra dấu hiệu vi phạm pháp luật khác của những người liên quan (trong đó có 4 tiếp viên hàng không) thì nhà chức trách vẫn sẽ xử lý theo quy định.

"Việc trả tự do cho 4 nữ tiếp viên hàng không là do kết quả xác minh đã làm rõ những người này không biết đây là chất ma túy. Tuy nhiên, việc trả tự do này không phải là tình tiết để khép lại vụ việc. Cơ quan tiến hành tố tụng vẫn sẽ tiếp tục làm rõ số ma túy trên là của ai, ai nhờ người vận chuyển trái phép về Việt Nam", luật sư Đặng Văn Cường nhận định.

Theo chuyên gia pháp luật, các nữ tiếp viên có thể không bị xử lý về tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy", nhưng cơ quan chức năng sẽ làm rõ giá trị của lô hàng để xem xét xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu như hành vi được xác định là buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

"Nếu kết luận của cơ quan chức năng xác định số hàng hóa mà các nữ tiếp viên vận chuyển vào Việt Nam là không được phép (do không khai báo hải quan, quá số lượng, trọng lượng, giá trị mà pháp luật quy định...) thì hành vi này là vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới", luật sư Cường nói.

Nếu không tìm được kẻ đưa ma túy cho 4 nữ tiếp viên, vụ án sẽ thế nào? - 2

Tang vật của vụ án.

Luật sư Đặng Văn Cường dẫn Điều 189, Bộ Luật Hình sự năm 2015 và nêu rõ, xử phạt 20 - 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm nếu hàng hóa buôn lậu có giá trị 20 - 200 triệu đồng.

Xử phạt từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù 2 - 5 năm nếu trường hợp vi phạm có tổ chức, hàng hóa buôn lậu có giá trị 300 - 500 triệu đồng, hàng hóa buôn lậu là bảo quốc gia…

Xử phạt 1 - 3 tỷ đồng hoặc phạt tù 5 - 10 năm nếu hàng hóa buôn lậu có giá trị 1 - 3 tỷ đồng.

Trường hợp cơ quan chức năng nhận định giá trị của lô hàng thấp thì các tiếp viên có thể bị phạt tiền 30 - 40 triệu đồng (hàng hóa nhập lậu trị giá 70 - 100 triệu đồng); phạt tiền 40 - 50 triệu đồng (hàng hóa nhập lậu trị giá trên 100 triệu đồng) theo quy định tại nghị định 98/2020/NĐ-CP.

"Hành vi trên rõ ràng là ảnh hưởng đến uy tín của ngành Hàng không, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho bản thân các tiếp viên, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan của những người này và sẽ làm rõ những hậu quả đã gây ra đối với xã hội để xử lý phù hợp với quy định của pháp luật", luật sư Đặng văn Cường cho hay.

Chiều 23/3, tại họp báo định kỳ cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội của TP.HCM, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, việc trả tự do cho 4 nữ tiếp viên hàng không xách tay ma tuý từ Pháp về Việt Nam chỉ là bước đầu chứ không phải đã kết thúc. Nếu quá trình điều tra, công an phát hiện dấu hiệu, chứng cứ khác củng cố được hành vi vi phạm của 4 nữ tiếp viên này thì cơ quan điều tra vẫn áp dụng biện pháp xử lý.

Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết thêm, nếu các tiếp viên này biết vận chuyển ma túy thì số tiền vận chuyển chắc chắn không bằng giá của hàng tiêu dùng bình thường.

"Việc điều tra, xử lý một con người phải rất thận trọng và tập hợp đầy đủ cơ sở chứng cứ, họp bàn với đơn vị chức năng", Thượng tá Hà nói và cho biết thêm đối với 4 tiếp viên hàng không, do chưa đủ cơ sở để khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp ngăn chặn nên cơ quan CSĐT tạm thời trả tự do.

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn