• Zalo

Nếu không phải Uyên Linh, mà là Susan Boyle?

Bạn đọc viếtThứ Năm, 06/01/2011 04:37:00 +07:00 Google News

(VTC News) - Nếu không phải Uyên Linh, mà là Susan Boyle tham dự Việt Nam Idol, thì sao nhỉ?

(VTC News) – Chẳng ai có thể nghĩ, một Susan Boyle từng mắc chứng chậm nói lại trở thành một hiện tượng âm nhạc của năm 2009 khi cô tham gia “Britain’s Got Talent”. Cũng rất ít người nghĩ Uyên  Linh từ một người “đóng thế” cuối cùng làm sốt làng âm nhạc Việt những ngày cuối năm 2010.

1. Trước khi nhắm mắt ở tuổi 91, bà Bridget Boyle, một người Scotland vẫn tin rằng cô gon cái út Susan Boyle của mình sẽ làm được “điều gì đó trong cuộc đời”. Và niềm tin của bà đã không đặt nhầm chỗ.

Hai năm sau ngày bà Bridget Boyle mất, trong vòng thử giọng đầu tiên của cuộc thi Britain’s Got Talent, Sunsan Boyle xuất hiện trên sân khấu Broadway với dáng vẻ mập mạp, cùng những chiếc răng không đều và mái tóc xù. Khán giả la ó, huýt sáo. Ba vị giám khảo khó tính cười trừ nghĩ đến những trò hề vốn không thiếu ở sân chơi Britain’s Got Talent.

Nhưng tất cả đã nhầm, và họ chết lặng ngay từ lúc những ca từ, giai điệu đầu tiên của I dreamed a dream (Tôi mơ một giấc mơ - trong vở nhạc kịch Les Misérables - Những người khốn khổ) vang lên từ vòm họng Susan Boyle.

Lúc Susan khép lại “Tôi mơ một giấc mơ” cũng là lúc giấc mơ của cô thành hiện thực. Cô đã khiến hàng ngàn trái tim phải rung động, phải rơi lệ rồi vỡ òa trước lời ca trong sáng, thánh thiện và đầy cảm xúc của mình. Ba vị giám khảo khó tính của cuộc thi chỉ còn biết dùng những mỹ từ “tuyệt diệu”, "ngỡ ngàng”, "chưa từng thấy trong 3 năm làm giám khảo” hay “được nghe cô hát là một đặc ân” để nhận xét về phần trình diễn của người phụ nữ 47 tuổi này.


 Susan Boyle đã đi vào hàng triệu trái tim yêu nhạc nhờ tài năng thực sự

Phần trình diễn I dreamed a dream của Susan sau đó được đăng tải trên Youtube và đạt mức truy cập kỷ lục 100 triệu chỉ trong vòng hai tuần, phá vỡ mọi kỷ lục trước đó. Cuối năm 2009, album đầu tay “I dreamed a dream” tiếp tục phá kỷ lục tại Anh khi trở thành album đầu tay bán chạy nhất từ trước đến nay với 3 triệu bản sau bốn tuần đầu phát hành.

Sinh ra và lớn lên tại Scotland trong một gia đình có 9 anh chị em, Susan Boyle là con gái út của ông Patrick, một công nhân phòng cháy chữa cháy và bà Bridget Boyle. Do được sinh ra khi người mẹ đã 47 tuổi nên Susan Boyle chào đời đầy khó khăn, não bị ảnh hưởng vì thiếu oxi. Susan sau đó mắc chứng chậm nói, đến khi đi học, cô còn được chuẩn đoán mắc thêm chứng chậm hiểu.

12 tuổi, gia đình cho cô theo tập hát trong các dàn đồng ca tại các nhà thờ. Đây vừa là cách giúp cô hòa nhập hơn, đồng thời cũng là cách trợ giúp khả năng chậm nói của cô.

Tuổi thơ của Susan đã phải nhận nhiều sự dè bỉu, giễu cợt về vẻ bề ngoài của mình. Cô cũng từng bị mỉa mai khi nói lên ước mơ trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp như Elaine Paige trong một lần hát tại nhà hát The Clyde Auditorium, Glasgow, Scotland. Những tưởng những điều đó sẽ giết chết ước mơ của Susan song trái lại, nó càng làm cho cô khát bỏng hơn. Cuối cùng bất chấp một vẻ ngoài xấu xí, bất chấp tuổi tác, cô dũng cảm bước lên sân khấu “Britain’s Got Talent” để rồi bước ra ánh sáng.

Từ dàn đồng ca trong thánh đường ở một miền quê bình yên, Susan đã trở thành thiên thần của thánh đường sân khấu Broadway như một câu chuyện cổ tích.

2. Đêm 31/11/2010 tại trường quay Hãng phim Việt TP.HCM trong cuộc thi Việt Nam Idol, bất ngờ Trần Nguyễn Uyên Linh được xướng tên là người phải hát bài hát chia tay sân chơi. Kết quả bình chọn của khán giả đã khiến đạo diễn Dũng “Khùng” phải bức xúc thốt lên: “Tôi không thể tưởng tượng em (Uyên Linh) phải hát bài chia tay ở vòng này. Kết quả này làm tôi suy nghĩ. Người ta đặt tên tôi là Dũng “Khùng” cả 10 năm nay, nhưng hôm nay, không biết tôi khùng hay số đông khán giả có vấn đề. Nếu có lý do thì tôi nghĩ chỉ vì em đã hát hay ngay từ đầu, nên mọi người không nhận thấy sự khác biệt rõ ràng ở em. Còn những người yêu mến em lại chủ quan không bầu chọn".


 Đăng Khoa đã xin dừng bước ở Việt Nam Idol 2010

Và khi Uyên Linh chuẩn bị hát bài hát chia tay thì một bất ngờ khác xảy ra. Đăng Khoa, một thí sinh vừa giành quyền đi tiếp xin dừng cuộc chơi tại đây để dành cơ hội cho Uyên Linh. Hành động của Đăng Khoa khiến rất nhiều người ngạc nhiên và Ban giám khảo phải hội ý, bởi đây là lần đầu tiên trong Việt Nam Idol có chuyện xin dừng bước. Cuối cùng Uyên Linh được chấp thuận trở thành người thế Đăng Khoa đi tiếp.

Trước khi Đăng Khoa hát bài hát chia tay, nhạc sĩ Quốc Trung tâm sự: "Mọi người luôn cho rằng tôi khắt khe, thậm chí không có cảm tình với Khoa. Nhưng những bất cập trong thẩm mỹ âm nhạc của em cũng như giới trẻ hiện nay không phải do các em, mà là do những nhà sản xuất âm nhạc. Họ đưa ra những hình mẫu, thẩm mỹ âm nhạc sai lệch nên giờ chúng ta phải gánh những điều này. Tôi thấy Khoa là người văn minh, biết mình có gì và biết mình làm được điều gì. Tôi xin chúc em luôn đạt được những gì em muốn".


 Nếu Đăng Khoa không xin dừng bước, thì Uyên Linh giờ ở đâu?

Uyên Linh sau đó trở thành Việt Nam Idol 2010 bằng một sự thuyết phục cả hội đồng giám khảo lẫn người yêu nhạc. Cô còn tạo nên một cơn sốt thực sự trong giới trẻ với những ca khúc rất ấn tượng ở các vòng thi cuối.

Nếu Đăng Khoa không xin dừng bước, Uyên Linh bây giờ là ai? Nếu Ban giám khảo không quyết tâm đặt cái chủ quan của mình vượt qua sự khách quan vốn là tập hợp những yếu tố chủ quan số đông với những gu thẩm mỹ âm nhạc khác nhau, thì bây giờ Uyên Linh ở đâu?

3. Susan Boyle trở thành hiện tượng của làng âm nhạc thế giới 2009 nhờ vào tài năng thực sự. Cái tài năng làm triệu triệu trái tim, con mắt nhìn về Susan xấu xí trước kia như một thiên thần đáng yêu, đáng trọng. Người phương Tây thực dụng nhưng không vô tình dìm chết những tài năng chỉ vì gu thẩm mĩ âm nhạc sai lệch. Nói cách khác, người phương Tây không “dìm chết” Susan chỉ vì vẻ bề ngoài xấu xí của cô.

Bây giờ khi Uyên Linh đã thành Việt Nam Idol cùng những hiệu ứng tích cực sau cuộc thi, một lẫn nữa khiến câu nói “số đông khán giả có vấn đề” của đạo diễn Dũng “Khùng” hay nhận xét “Những bất cập trong thẩm mỹ âm nhạc của giới trẻ hiện nay không phải do các em, mà là do những nhà sản xuất âm nhạc” của nhạc sĩ Quốc Trung càng khiến người ta phải nhìn nhận thấu suốt.


Nhạc sĩ Quốc Trung (bên trái) và đạo diễn Dũng "Khùng" (bên phải) thực sự lo ngại về gu thẩm mĩ âm nhạc của giới trẻ hiện nay. 


Chúng ta sẽ đặt ra một giả sử. Susan Boyle không tham dự “Britain’s Got Talent” mà tham dự Việt Nam Idol thì khả năng đăng quang của cô là bao nhiêu thông qua lượng bình chọn của khán giả? Khả năng rất cao là cô còn bị xướng tên loại sớm hơn cả Uyên Linh.

Âm nhạc nước nhà rõ ràng đang sai lệnh về gu thẩm mĩ do sự phát triển phức tạp của âm nhạc thị trường. Và nói hài hước như “Giáo sư” Cù Trọng Xoay (trong “Hỏi xoáy đáp xoay”), nó phát triển tới mức trung bình mỗi ngày có 24 ca sĩ trẻ triển vọng xuất hiện, do đó số lượng ca khúc đòi hỏi cũng phải cao lên. Khi các nhạc sĩ chuyên nghiệp không thể đáp ứng được, các nhạc sĩ nghiệp dư, thậm chí không có chuyên môn sẽ tham gia vào, dẫn đến xuất hiện nhiều ca khúc có nhiều tiếng hú, tiếng kêu lạ.

Từ sự dễ dãi của người sáng tác, các nhà sản xuất âm nhạc đến việc tự đôn mình lên làm ca sĩ nhờ vẻ bề ngoài và nguồn kinh phí khá giả đang đẩy gu thẩm mĩ âm nhạc của phần đông giới trẻ nước nhà vào một tầm thấp đáng báo động. Nếu các nhà quản lý tiếp tục đứng nhìn thì e rằng con đường đi lên chuyên nghiệp của âm nhạc nước nhà sẽ luôn bị rào lấp với việc trưng cầu sự đánh giá, bình chọn từ giới trẻ nghe nhạc hiện nay.

Đông Quang

Bình luận
vtcnews.vn