Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa kiến nghị với Đoàn công tác của Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý cho chủ trương thực hiện thí điểm bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới.
Trả lời PV VTC News về việc này, ông Lê Như Tiến - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng đây là điểm rất đáng mừng, bởi Đại hội Đảng bộ của tỉnh mà bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh uỷ thể hiện bước dân chủ được rộng mở.
“Lâu nay quy trình của chúng ta vẫn là Đại hội chỉ bầu ra Ban Chấp hành, sau đó Ban Chấp hành bầu Thường vụ, rồi Thường vụ mới bầu Bí thư.
Bây giờ nếu bầu trực tiếp Bí thư thì sẽ có hàng trăm đại biểu dự đại hội bầu, mang lại cái nhìn rộng mở và bao quát hơn. Và nếu đạt được sự đồng thuận bầu được một Bí thư thì bản thân Bí thư được bầu cũng cảm thấy vinh dự do được Đại hội bầu trực tiếp”, ông Tiến nói.
Theo nguyên đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến, người được bầu trực tiếp từ Đại hội sẽ không chỉ cảm thấy vinh dự mà còn cảm thấy có trách nhiệm nhiều hơn vì Đại hội là cơ quan cao nhất của Đảng và chức danh được bầu bởi toàn bộ đại biểu.
Ông Tiến cũng cho rằng việc này không chỉ nên dừng lại ở kiến nghị mà nên được đi vào thực tế, không chỉ Quảng Ninh mà các tỉnh, thành khác nếu có thể áp dụng xu hướng rộng mở dân chủ như vậy là điều đáng hoan nghênh. Về lâu dài, việc bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy có thể thực hiện ở cấp cao hơn cũng như áp dụng với cả các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước.
Cũng bình luận về việc này, ông Lê Quang Thưởng – Nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, việc bầu Bí thư Tỉnh uỷ trực tiếp từ Đại hội nếu được hiện thực sẽ là một sự đổi mới, cho thấy dân chủ trong Đảng được mở rộng.
“Nếu Đại hội bầu trực tiếp có nghĩa cả mấy trăm, thậm chí cả ngàn người bầu một người thì tính chất dân chủ được mở rộng hơn. Bản thân họ thấy mình nhận được sự tín nhiệm cao hơn so với trước", ông Thưởng nói.
Theo ông Thưởng, hiện nay, việc này mới dừng lại ở đề xuất, việc thực hiện được hay không là chờ quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Ông Lê Quang Thưởng cũng nhấn mạnh, để có kết quả thực sự khách quan và thể hiện dân chủ thực sự thì trong quá trình bầu, danh sách người được bầu cần nhiều hơn một người.
“Điều quan trọng là phải đưa vài ba người vào để bầu, nếu chỉ bầu một người thì cũng vô hiệu và không thể hiện được tính chất dân chủ”, ông Thưởng nhấn mạnh.
Nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho rằng việc này có thể xem như một sự thể nghiệm, còn hiệu quả ra sao sẽ phải căn cứ vào tình hình thực tiễn để đánh giá.
Ngoài ra, các chuyên gia đồng tình rằng để bầu trực tiếp Bí thư từ Đại hội thì nhân sự được giới thiệu bầu cũng cần phải có năng lực, phẩm chất thực sự, thông tin về các nhân sự này phải đầy đủ, rõ ràng và chi tiết để các Đảng viên nghiên cứu, đánh giá, từ đó mới có thể đưa ra lựa chọn chính xác nhất.
Cùng với đó, công tác chuẩn bị nhân sự phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, tránh lựa chọn người không xứng đáng.
Bình luận