• Zalo

Nếu có người đòi bán Mặt trăng thì xử như thế nào?

Thời sựThứ Tư, 10/06/2015 01:38:00 +07:00Google News

Đó là câu hỏi ví von của đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương (TP.HCM) khi bàn về Bộ luât dân sự (sửa đổi).

(VTC News) - Đó là câu hỏi ví von của đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương (TP.HCM) khi bàn về Bộ luât dân sự (sửa đổi).

Sáng 10/6, tiếp tục chương trình làm việc, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Đại biểu Đỗ Văn Đương
Đại biểu Đỗ Văn Đương 
Một quy định trong dự thảo của Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được lấy ý kiến nhân dân là quy định “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”.


Về cơ bản có ba loại ý kiến, trong đó đa số ý kiến nhất trí với quy định như trong dự thảo bộ luật.

Theo đó, tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền của Nhà nước không được quyền từ chối giải quyết vụ việc dân sự với lý do không có điều luật cụ thể để áp dụng.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định vấn đề này vì sẽ khó bảo đảm tính khả thi, tạo gánh nặng cho cơ quan xét xử, cơ quan khác có thẩm quyền của Nhà nước.

Loại ý kiến thứ ba cho rằng, cần quy định vấn đề này trong Bộ luật Tố tụng dân sự thay vì quy định trong Bộ luật Dân sự.


Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho rằng, nếu không có điều luật quy định thì tòa không thể áp dụng tập quán hay lẽ công bằng để xét xử và đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo Bộ luật.

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đặt câu hỏi: "Buộc tòa phải xét xử những vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng thì tòa sẽ căn cứ vào điều luật nào để làm việc này?"

Đại biểu đề nghị việc sử dụng khái niệm “lẽ công bằng” tại khoản 2 Điều 6 cũng cần được xem xét thấu đáo, bởi khó định nghĩa thế nào là “lẽ công bằng.”


Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) lại lưu ý, nếu không có quy định mà vẫn xử thì sẽ dẫn đến việc thẩm phán áp dụng lương tri, tình cảm vào xử sẽ có nhiều bất cập. Trong khi nguyên tắc pháp luật là người thẩm phán xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật,

"Nếu ai đó bán Mặt trăng vì cho rằng chưa ai sở hữu, lại có người kiện vì sao bán Mặt trăng thì xử thế nào?", ông Đương ví von.

Một nội dung khác của Bộ luật dân sự (sửa đổi) cũng được các đại biểu thảo luận sôi nổi sáng nay là khoản 2 Điều 36 quy định về việc chuyển đổi giới tính theo hướng “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác theo quy định tại khoản 1 Điều này,” nhiều ý kiến tán thành với quan điểm nội dung này cần được cơ quan thẩm tra dự án bộ luật là Ủy ban Pháp luật nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng.

Dự thảo Bộ luật một mặt quy định Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, nhưng mặt khác lại quy định quyền của người đã chuyển đổi giới tính được yêu cầu cơ quan nhà nước thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác có liên quan.

Như vậy, nếu việc chuyển đổi giới tính đã được thực hiện thì các hệ quả phát sinh lại được pháp luật tôn trọng và bảo hộ. Đây là vấn đề nhạy cảm trong xã hội, nếu đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì cũng không cho phép được thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác theo giới tính mới. Các ý kiến đề nghị nội dung này cần được nghiên cứu, giải trình rõ hơn.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn