Trong mấy ngày vừa qua, trên một diễn đàn liên quan tới ô tô, cư dân mạng bức xúc trước hành vi chặt chém của gara Mạnh Sơn có địa chỉ tại Ngọc Hồi (quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Sự việc tiếp tục được đẩy lên cao trào khi hàng loạt nạn nhân khác của gara Mạnh Sơn lên tiếng vạch trần các chiêu thức làm ăn không minh bạch và lên tiếng “tẩy chay".
Trong khi đó, đại diện của gara Mạnh Sơn là chị Nguyễn Thu Hà (40 tuổi, vợ của anh Nguyễn Tiến Mạnh - chủ gara ô tô Mạnh Sơn) đã lên tiếng phủ nhận việc cửa hàng cố tình bôi thêm chi phí để thu thêm tiền và cho rằng đây là hành vi vu khống, gây ảnh hưởng tới uy tín của cửa hàng.
Hiện tại, gara ô tô Mạnh Sơn đã liên hệ với luật sư và sẽ trò chuyện cùng khách hàng để yêu cầu đính chính thông tin.
“Nếu bạn Cường không đính chính lại thông tin chúng tôi sẽ nhờ pháp luật giải quyết và đưa ra tòa”, đại diện gara ô tô Mạnh Sơn cho biết.
Đứng trên góc độ luật pháp, nếu chứng minh được gara Mạnh Sơn cố tình “chặt chém”, đe dọa khách hàng theo kiểu xã hội đen hoặc bôi thêm chi phí để thu tiền bất chính, khách hàng có thể trình báo sự việc trên với cơ quan công an để xem xét dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản hoặc báo với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý thị trường hoặc khởi kiện tới tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư Hà Nội, câu chuyện "chặt chém" xảy ra trong nhiều lĩnh vực mua bán hàng hóa, dịch vụ. "Chặt chém" thể hiện cách làm ăn chộp giật, thiếu đạo đức kinh doanh và còn có thể là hành vi vi phạm pháp luật. Để xác định có hành vi chặt chém hay không thì phải căn cứ vào giá hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở kinh doanh đó thu của khách hàng có đúng với giá niêm yết hoặc giá của các cơ sở kinh doanh cùng lĩnh vực hay không.
Hành vi "chặt chém" kèm theo hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần của khách để lấy tiền còn là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy theo tính chất, mức độ của hành vi đe dọa và tùy thuộc vào hậu quả xảy ra.
Với các loại hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bắt buộc phải kê khai, niêm yết giá quy định tại Điều 15, Nghị định số 177/2013/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của luật giá thì việc không kê khai, niêm yết, bán sai với giá đã kê khai thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 109/2013/NĐ-CP và Nghị định số 49/2016/NĐ-CP.
Thông thường, dịch vụ sửa chữa ô tô, các gara đều niêm yết giá và báo giá các hạng mục sửa chữa cho khách hàng. Khi thống nhất về giá thì gara, trung tâm bảo dưỡng xe mới thực hiện việc sửa chữa, thay thế, thậm chí khách hàng phải ký vào thông báo niêm yết giá thì họ mới sửa chữa, thay thế phụ tùng.
Cách làm việc của gara này không hợp lý, không minh bạch nên dễ gây tranh chấp với khách hàng. Nếu họ cố tình không công khai giá để chặt chém khách hàng thì hành vi này cần phải bị tố cáo và xử lý theo quy định pháp luật.
Tùy thuộc vào những sai phạm, hành vi vi phạm cụ thể mà cơ sở kinh doanh dịch vụ và người có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Nếu hành vi đe dọa, uy hiếp khách hàng để lấy tiền thì hành vi này có thể bị xử lý về tội cưỡng đoạt tài sản, nếu vi phạm chưa tới mức nguy hiểm cho xã hội thì cũng có thể bị xử phạt hành chính.
Những cảnh báo kịp thời của khách hàng để người khác nhận diện các sai phạm, tẩy chay các cơ sở kinh doanh "chặt chém" cũng là biện pháp hữu hiệu để đấu tranh với hiện tượng này và là cơ sở để các cơ quan chức năng vào cuộc, xem xét các hành vi vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật.
Nếu vụ việc được thực hiện theo thủ tục khởi kiện vụ án dân sự, tranh chấp hợp đồng dịch vụ thì khách hàng chỉ phải trả chi phí thực tế sửa chữa, thay thế phụ tùng theo giá niêm yết hoặc giá cả thị trường, đồng thời khách hàng cũng có quyền yêu cầu cơ sở kinh doanh này bồi thường mọi thiệt hại đã gây ra trong thời gian sửa chữa, khiếu kiện.
Đồng tình với ý kiến của luật sư Đặng Văn Cường, luật sư Đỗ Hùng, đoàn luật sư Hà Nội cũng cho rằng, việc gara Mạnh Sơn đang bị “tẩy chay” trên một diễn đàn liên quan tới ô tô lớn nhất nhì Việt Nam đã là một bài học xương máu của cửa hàng này.
“Trong bộ luật dân sự hiện này, chưa có các biện pháp mạnh tay để ngăn chặn hành vi ‘chặt chém’ của các đơn vị kinh doanh, ví dụ như buộc ngừng kinh doanh hoặc xử lý hình sự,... Tuy nhiên, trong trường hợp tái phạm nhiều lần, rất có thể đơn vị kinh doanh có tiểu sử ‘chặt chém’ rất có thể bị tước giấy phép hoạt động”, ông Hùng nói.
Video: Xem mức độ hoành tráng của gara Thần Châu trước khi bị cháy
Bình luận