Những cánh đồng óng mẩy chín vàng tít tắp đang mùa gặt ở Ba Tri là nơi khiến những ai mê nhiếp ảnh rất dễ “nao lòng”.
Men theo con đường nhỏ phủ đầy rơm, đoàn đã đặt chân vào Đình Phú Lễ. Các tay máy trẻ kể: “Ngôi đình cổ kính ẩn mình giữa những tán cây cổ thụ, khi mặt trời ló rạng, những tia nắng len lỏi qua từng kẽ lá, chiếu vào tường gạch, thềm đá rêu phong càng tôn thêm nét uy nghiêm, trầm mặc vốn có của đình khiến cả đoàn không khỏi “ngẩn ngơ”.
Để ghi lại toàn cảnh ngôi đình, đoàn chọn góc máy từ trên cao. Màu nâu đất thanh bình của mái ngói rêu phong giữa màu lá xanh ánh thêm chút nắng sớm khiến bức ảnh mang đến một cảm giác an lành khó tả.
Đặc biệt, trong chuyến đi này, các phóng viên đã được tận mắt chiêm ngưỡng nghệ thuật ủ kháp rượu truyền thống, được tiếp xúc và trò chuyện với nhiều người, nhiều tấm lòng đang tâm huyết giữ gìn những giá trị truyền thống, mong mỏi người Việt có thương hiệu rượu đại diện cho quốc gia.
Nghệ nhân Ba Dân - người đã dành trọn một đời theo đuổi nghề cha ông, chia sẻ: “Men được phủ trấu lên bề mặt, ủ bằng chiếu cói rồi phơi khô trong bóng râm. Nét bí truyền độc đáo của “ngự tửu” Phú Lễ chính là bài hồ men làm nên từ 36 vị thuốc Nam - Bắc, quyện cùng thứ nếp mùa dài ngày Ba Tri óng mẩy, dẻo thơm nức tiếng”.
Nghệ nhân Hạ Chí Luông chia sẻ về kỹ thuật nấu rượu: “Khi kháp, muốn rượu ngon phải để lửa liu riu đều tay. Lửa cao quá hoặc thấp quá cũng làm rượu không ngon, có khi còn “thất” rượu”.
Một phóng viên ảnh trong đoàn tâm đắc: “Nét ấn tượng nhất của bộ ảnh chính là việc lột tả trọn vẹn tình yêu của mỗi nghệ nhân dành cho nghề cha ông và quyết tâm đưa sản phẩm truyền thống hòa nhập với cuộc sống hiện đại”.
Bộ ảnh không chỉ mang nét đẹp cổ xưa, thâm trầm mà còn có cả sự say mê của những con người khao khát gìn giữ nét truyền thống. Mất 3 ngày để có một bộ ảnh trọn vẹn về làng nghề Phú Lễ và đây cũng là khoảng thời gian đáng nhớ của cả đoàn.
Bình luận