• Zalo

'Nên lấy nhà 30 Hoàng Diệu làm bảo tàng Đại tướng'

Thời sựThứ Hai, 21/10/2013 09:30:00 +07:00Google News

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, nhà 30 Hoàng Diệu là nơi lý tưởng để làm bảo tàng, hoặc nhà lưu niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

(VTC News) – – Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, nhà số 30 Hoàng Diệu là nơi lý tưởng để làm bảo tàng, hoặc nhà lưu niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp...

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. (Ảnh Quang Tùng).
Trao đổi với báo chí bên ngoài hành lang Quốc hội chiều nay (21/10), Đại biểu Quốc hội - Nhà sử học Dương Trung Quốc đã có những chia sẻ khá cởi mở về những vấn đề liên quan đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ông Quốc cho biết, có nhiều ý kiến đề xuất danh hiệu Đại nguyên soái hay Anh hùng dân tộc cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tuy nhiên theo ông, danh hiệu Anh hùng dân tộc thì từ trước đến nay không phải do ai phong cả, mà việc đó hãy để cho nhân dân thể hiện. Còn chức Đại nguyên soái nó thể hiện tấm lòng của người dân nói về tầm vóc của Đại tướng, nhưng luật thì chưa có việc này.

“Nhưng như Đại tướng nói, điều quan trọng nhất trong cuộc đời của ông đó là một vị tướng được Bác Hồ phong. Và ai cũng biết ông là vị Đại tướng khai quốc công thần, một vị tổng tư lệnh duy nhất. Tôi thấy, khi người Mỹ viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp họ rất tế nhị, họ gọi Đại tướng là “Đại tướng 4 sao”, tương tự như người có đẳng cấp cao nhất trong quân đội của họ.” – ông Quốc chia sẻ.

Về việc nhiều ý kiến đề xuất giữ ngôi nhà 30 Hoàng Diệu, nơi Đại tướng sinh sống nhiều năm làm bảo tàng, theo ông Quốc, việc này không có gì mới. Trước đó, khi quy hoạch để xây nhà Quốc hội đã có đề xuất sẽ giải tỏa khu vực này, nhưng khi đó giới cựu chiến binh và Hội khoa học lịch sử Việt Nam đã kiến nghị là không nên.

 

Nhưng như Đại tướng nói, điều quan trọng nhất trong cuộc đời của ông đó là một vị tướng được Bác Hồ phong. Và ai cũng biết ông là vị Đại tướng khai quốc công thần, một vị tổng tư lệnh duy nhất.

Ông Dương Trung Quốc
 
Ông Quốc khẳng định: “Không gian này là nơi Đại tướng sống rất nhiều năm, đồng thời cũng là nơi ông gặp rất nhiều các nhà lãnh đạo, tướng lĩnh trên thế giới và quần chúng nhân dân. Việc làm này không chỉ là xây một bảo tàng riêng cho cá nhân Đại tướng, mà nên hình dung đó là một không gian lịch sử, nơi tập trung các vị tướng của Việt nam. Nhất là để tôn vinh quân đội nhân dân Việt Nam trong các cuộc kháng chiến.”


Về việc đề xuất lấy một con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Quốc cho biết, đây cũng là mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo Hà Nội. Nhưng về mặt kỹ thuật, việc lựa chọn một con đường hợp lý là rất quan trọng.

Có người muốn lấy một con đường đã có tên rồi đổi thành tên Đại tướng, nhưng trong lĩnh vực lấy tên đường phố thì hết sức phải tránh vì những tên phố cũng gắn với nhiều tên tuổi có tầm vóc. Việc lấy tên đường mang tên Đại tướng phải xứng tầm, phải được hoạch định cụ thể và thông qua HĐND TP. Hà Nội.

“Tôi có ý kiến, có thể gắn tên Đại tướng với đường Điện Biên Phủ vì đây là một không gian rất đẹp. Con đường này đi thẳng ra Ba Đình, gần nhà Đại tướng, gắn kết với rất nhiều con đường của các vị tướng yêu nước trong lịch sử.

Về ý kiến, lấy tên Đại tướng gắn với con đường Nhật Tân – Nội Bài thì đã có kiến nghị nên đặt tên là đường Cách mạng tháng Tám, vì con đường đó từ chiến khu về, mà Cách mạng tháng Tám là ở thủ đô, mà đến nay Hà Nội vẫn chưa có đường mang tên Cách mạng tháng Tám.” – ông Quốc nói.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên về việc gần đây có một khảo sát trong các cấp học, nhiều học sinh không biết nhiều về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong sách giáo khoa cũng ít điều nói về Đại tướng, ông Quốc cho rằng đây là điều rất đúng.

“Lịch sử của chúng ta rất ít nói đến cá nhân. Vai trò cá nhân trong lịch sử rất quan trọng. Việc làm tượng cũng vậy, chúng ta rất hạn chế. Nhiều vị tướng lừng danh nhưng có tượng đài gì đâu. Chúng ta nên thay đổi dần quan điểm để có sự tôn trọng lịch sử. Thời gian là thứ thuốc hiện hình rõ nhất. Chính việc người dân thể hiện khi Đại tướng qua đời nó đã có sự tác động mạnh vào đời sống xã hội và được in dấu lại trong lịch sử.” – ông Quốc nhấn mạnh.
Sau phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII sáng nay, một vấn đề thu hút sự quan tâm của báo giới là việc Quốc hội đã không dành một phút mặc niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp như sự trông đợi của nhiều người. Về vấn đề này, ông Quốc cho rằng "đó là điều đáng tiếc. Cá nhân tôi cho rằng, Quốc hội dành 1 phút mặc niệm sẽ tốt hơn"...

Trong bức thư ngỏ gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nói rằng sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi đã thổi bùng lên ngọn lửa từ hàng triệu trái tim của người dân đất Việt, quy tụ về một mối. Ngọn lửa ấy đã từng bùng lên mạnh mẽ từ tiền tuyến miền Nam đến hậu phương miền Bắc vào những ngày tháng 9-1969 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần.
 
“Trên tinh thần đó, thể theo ý nguyện nhiều tầng lớp nhân dân mà tôi tiếp cận được, mong rằng Đảng, nhà nước trên tinh thần “của dân, vì dân” làm toại nguyện lòng dân. Được lòng dân là được tất cả. Kỳ họp Quốc hội sắp tới chắc sẽ có phút mặc niệm Đại tướng và sau đó nếu có một phiên họp để xem xét nhanh chóng những đề xuất này thì tin rằng đây sẽ là một kỳ họp để lại dấu ấn sâu sắc đối với toàn dân, thực sự đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân." - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước viết.





Nam Minh

Bình luận
vtcnews.vn