Đằng sau những vụ nữ sinh đánh bạn dã man gây chấn động cộng đồng mạng là những vấn đề xã hội lớn hơn, nhức nhối hơn… Một bài viết đầy tâm huyết của độc giả thân thiết Vũ Thảo Nguyên, chia sẻ những trăn trở của một người thực sự có Tâm với thế hệ trẻ, và dám chịu trách nhiệm của một người đi trước.
Có lẽ chẳng cần nói thêm gì cả cho những hành vi các em nữ sinh cấu xé (gọi đúng tên sự việc), đánh đập nhau giữa thanh thiên bạch nhật như vậy. Bản thân sự việc đã nói lên tất cả rồi, những hành vi xấu, những tính cách ngổ ngáo mà bất cứ xã hội nào cũng không chấp nhận. Qua những cảnh tượng này, tôi muốn nói tới một khía cạnh khác, phía người lớn chúng ta.
Có thể sự việc cụ thể này không cần thiết phải nâng vấn đề lên như vậy, song rõ ràng, những hành vi đáng xấu hổ chúng ta vừa xem có khi lại không làm những nhân vật chính trong clip xấu hổ, thậm chí là ngược lại. Đáng tiếc, những hành vi này không hề hiếm, nó xảy ra nhiều, ai cũng có thể chứng kiến, thậm chí ở mức độ cao hơn. Hãy tưởng tượng những mầm non này khi lớn lên, xã hội sẽ đối xử với nhau như thế nào. Có thể có người nói sự việc này không phải là phổ biến, nhưng thật ra nó không hề cá biệt. Và quan trọng hơn là thái độ của các em đối với hành vi này và cách xử lý cũng như nhận định của người lớn chúng ta về hành vi đáng lên án này.
Rất có thể, từ lâu rồi chúng ta đã không đặt nặng vấn đề dạy các em làm người trước khi dạy chữ, điều tối cần thiết trong các cấp học phổ thông. Dạy cho một CON NGƯỜI học chữ sẽ đảm bảo cho cuộc sống xã hội trong tương lai hơn rất nhiều việc dạy cho một người có bằng cấp làm một CON NGƯỜI. Tiếc rằng, cái việc mà ngày xưa chúng ta làm rất tốt thì nay dường như giờ làm chưa tốt lắm. Ai đó sẽ nói rằng do thời buổi của thị trường, của đua chen này nọ. Nhưng dù sao thì cái “sang” của sự giàu có vẫn hay hơn rất nhiều cái giàu có mà phải cố học “làm sang”.
Trong những năm qua, ngành GD và ĐT đã làm không ít việc tốt. Điều này ai cũng thấy. Chúng ta đã có những con người trí thức tầm cỡ quốc tế, chúng ta đã có những ĐH mà bằng cấp được các nước trong khu vực và thế giới công nhận. Chính những tài năng ấy đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của đất nước hôm nay. Nhưng dù sao, chúng ta vẫn cần phải thay đổi để tốt hơn.
Trước hết, chúng ta phải thay đổi lại quan niệm việc giáo dục phổ thông, phải thực sự GIÁO DỤC trước khi ĐÀO TẠO, đúng như tên gọi của ngành. Môn học đạo đức trong nhà trường phải được coi trọng. Các em cần phải thấy việc lễ phép trước các bậc đáng kính là lẽ tự nhiên chứ không phải là sự kém cỏi. Chúng phải biết luật lệ quy tắc của xã hội là cái cần tuân thủ đương nhiên chứ không phải là sự đối phó. Tất cả mọi xã hội phát triển đều phải có những quy chuẩn ấy trong lối sống con người, dù là xã hội nào đi nữa.
Tất nhiên, bên cạnh ngành giáo dục còn cần sự góp sức của gia đình, của toàn xã hội, thế nhưng vai trò của ngành là không hề nhỏ. Bởi xét cho cùng, những thành viên trong gia đình và xã hội, những con người ở tất cả các ngành, các lĩnh vực khác trong xã hội, đều đã từng là sản phẩm của sự giáo dục. Có thể, đấy mới là việc chúng ta cần làm để thay đổi những hình ảnh đau lòng như trong video clip các em học sinh nữ đánh đập bạn bè mà không hề thấy hổ thẹn. Để xã hội ngày càng có nhiều hơn những hình ảnh các em cõng bạn đến trường, những học sinh hy sinh thân mình cứu bạn… và như nhiều những tấm gương thật sự đáng biểu dương khác nữa, vẫn có trong xã hội chúng ta.
Vũ Thảo Nguyên, [email protected]
Bình luận