“Phao cứu sinh”
Kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng năm 2014 trước khi chuyển sang kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT có nhiều thay đổi quan trọng: Số môn thi chỉ còn 4 thay vì 6 như những năm trước, trong đó có môn tự chọn; điểm liệt các môn được nâng lên là 1 điểm thay vì 0 điểm. Quan trọng nhất là điểm trung bình lớp 12 được đưa vào công thức tính điểm xét tốt nghiệp với trọng số 50% (chưa tính điểm khuyến khích).
Hệ quả của công thức này thể hiện rất rõ trong kết quả thi và xét tốt nghiệp năm 2014. Dù điểm liệt được nâng thành 1 điểm, tỷ lệ tốt nghiệp chung của cả nước vượt 99,09%, trong đó nhiều tỉnh, thành thậm chí có tỷ lệ tốt nghiệp 100%. Tương tự các kỳ thi gần đây, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp vẫn giữ ở mức trên 90%.
Thực tế cho thấy, tỷ lệ tốt nghiệp cao có phần đóng góp không nhỏ của điểm trung bình lớp 12. Thậm chí, nhiều trường “nói ngầm” rằng, học sinh chỉ cần không bị điểm liệt là đỗ tốt nghiệp bởi vì quy định hiện nay kết quả xét tốt nghiệp phụ thuộc vào học bạ khá lớn. Học bạ trở thành “phao cứu sinh” trong xét tốt nghiệp đối với nhiều học sinh.
Nếu đối sánh điểm trung bình lớp 12 của các trường THPT với điểm thi THPT quốc gia của chính trường đó, sẽ thấy có những trường chênh lệch đến 3-4 điểm. Ở trên bình diện một tỉnh, vừa qua, theo kết quả đối sánh của Bộ GD&ĐT công bố giữa điểm trung bình thi và điểm trung bình học bạ, có địa phương chênh đến gần 2 điểm.
Theo TS Lê Trường Tùng (trường ĐH FPT), chỉ tính điểm thi tốt nghiệp THPT 2020, tỷ lệ tốt nghiệp cả nước là 86,18%. Bằng cách tính này, có địa phương, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đã gần 100% như Bình Dương là 99,43%, Nam Định 98,33%, Vĩnh Phúc 97,46%, TP.HCM 96,97%, Ninh Bình 96,80%.
Các địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp ở tốp thấp nhất khi chưa tính điểm học bạ và điểm ưu tiên là Hà Giang với 39,43%, Sơn La 52,06%, Hòa Bình 54,75%, Cao Bằng 57,14%, Bắc Kạn 67,42%. Có thể thấy, nếu không dựa vào “phao cứu sinh”, cả nước cũng chỉ có 5 địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp dưới 70%.
Trong khi đó, những năm trước, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp nếu không dựa vào học bạ chỉ khoảng dưới 60%. Từ thực tế này, ông Tùng cho rằng, đề thi đã gần hơn với mục tiêu xét tốt nghiệp. “Đã đến lúc, từ năm 2021, bỏ việc tính điểm học bạ (30%) trong điểm xét tốt nghiệp, khi đó, các trường, giáo viên sẽ tự thay đổi cách thức cho điểm học bạ, điểm học bạ sẽ trở nên thực chất hơn”, ông nhận định.
Giải pháp cho vùng khó khăn
Sở dĩ Bộ GD&ĐT phải dùng đến “phao cứu sinh” vì những năm trước, đề thi phục vụ cả mục tiêu xét tuyển đại học nên có sự phân hóa mạnh. Nếu không sử dụng kết quả học bạ, nhiều thí sinh sẽ không đỗ tốt nghiệp và cần có giải pháp cho số học sinh chưa tốt nghiệp đó.
Năm 2007, năm đầu tiên thực hiện cuộc vận động “hai không” (nói không với tiêu cực thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục), tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của cả nước giảm xuống mức rất thấp (hơn 66%) và Bộ GD&ĐT phải tổ chức thi tốt nghiệp lần 2 cho những thí sinh trượt tốt nghiệp lần 1. Đây cũng là năm duy nhất trong vòng 20 năm qua tổ chức thi lại tốt nghiệp.
TS Lê Trường Tùng cho rằng, nếu không sử dụng kết quả học bạ, với những địa phương vùng khó, Bộ sẽ phải có giải pháp khác để nâng cao chất lượng, chứ không phải chỉ dùng kết quả học bạ như một “phao cứu sinh” tạm thời. Thực tế nhiều năm nay, những địa phương đứng ở tốp cuối thì dù tỷ lệ có tăng giảm thế nào, họ vẫn ở tốp cuối, chứ không thay đổi được vị trí. Như vậy, cần có chính sách đầu tư cụ thể để nâng chất lượng giáo dục cho những địa phương này.
Ông Tùng lấy ví dụ Hà Nội từ khi mở rộng, vị trí của Thủ đô từ tốp 10 đã tụt xuống tốp 30. Đã hơn 10 năm kể từ sau sáp nhập, vị trí của Hà Nội cũng chỉ nhích lên một vài bậc và vẫn chưa thoát tốp 30. Điều đó chứng tỏ thành phố chưa có sự đầu tư để nâng cao chất lượng giáo dục.
Ở góc nhìn khác, TS Trần Nam Dũng (trường Phổ thông năng khiếu, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, các nhà quản lý giáo dục nên có những phân tích một cách nghiêm túc về các kết quả đạt được với tư duy phản biện, đừng tô đen quá nhưng cũng đừng tô hồng.
Theo ông Dũng, nhiều năm trước, ông đã cho rằng thi THPT quốc gia như hiện nay là lãng phí thời gian của học sinh. Lẽ ra học sinh đã học được bao nhiêu điều hay thì lại phải lao tâm khổ tứ luyện thi.
“Tôi không nói tất cả những điều các em học để thi đều vô bổ, nhưng có quá nhiều điều vô bổ. Tôi mơ đến một ngày học sinh của tôi không lo nhiều đến việc thi vào đại học, thay vào đó học giải tích, đại số tuyến tính, toán rời rạc, xác suất thống kê, số học.
Đây là tôi nói riêng môn Toán, các môn khác cũng có các chủ đề hay để học. Lúc đó mới may ra có nhiều sinh viên giỏi, đủ sức học những ngành học thách thức nhất của đại học. Giờ cũng có nhưng ít quá, mà lượng ít thì khó biến thành chất”, ông Dũng nói.
Bình luận