(VTC News)-
"Bắc Giang coi vụ việc chỉ là vi phạm quy chế thi của hội đồng và giám thị. Họ tính chuyện xử lý chiếu lệ. Trong khi đó sự thực là: Họ đã mang đề thi ra ngoài, giải bài, phô tô, ném bài tập thể. Việc đưa đề cho người không có nhiệm vụ coi thi để giải đề, phải khởi tố tội làm lộ bí mật quốc gia đối với lãnh đạo hội đồng thi"- Nhà giáo Đỗ Việt Khoa chia sẻ.
>> Toàn cảnh thi tốt nghiệp THPT 2012
PV VTC News đã có cuộc trao đổi với “Người đương thời” nhà giáo Đỗ Việt Khoa xung quanh câu chuyện những tiêu cực thi tốt nghiệp THPT vừa được phát hiện tại Bắc Giang, gây xôn xao dư luận. Nhà giáo Đỗ Việt Khoa là người cung cấp thông tin về vụ tiêu cực này cho báo chí.
- Theo ghi nhận của ông, 3 ngày thi tốt nghiệp THPT năm 2012 vừa qua diễn ra như thế nào?
Nhìn từ bên ngoài, từ cổng trường thì hầu như chỉ thấy một sự nghiêm túc. Nhưng khi thi xong thấy phao thi rơi vãi ở mọi trường.
Thí sinh trường THPT Vân Tảo thì cười tươi cho biết: Quay cóp thoải mái. Còn tôi đã cónhiều video cho thấy tiêu cực thi rất nghiêm trọng: đã có việc giải bài ném bài tập thể cho thí sinh. Giám thị bỏ vị trí đi tụ tập ngoài hành lang mặc cho thí sinh tự do quay cóp.
- Sau khi hàng loạt báo đã thông tin sự việc tiêu cực thi tốt nghiệp THPT tại Bắc Giang, ông với vai trò là một trong những người cung cấp thông tin, ông suy nghĩ như thế nào?
Có nhiều thông tin chưa chính xác. Sở GD&ĐT Bắc Giang đã thừa nhận sự việc. Song bên cạnh đó có những phát biểu không hoan nghênh người quay clip, có ý định bao che sai phạm.
Hầu như nhiều người không đọc quy chế thi tốt nghiệp mới, tháng 3/2012 của Bộ GD&ĐT. Họ cho rằng thí sinh vi phạm quy chế thi. Nhưng đó là điều khoản nào, hình thức xử lý nào? Chịu, tôi đọc xong cũng không thấy.
Thí sinh mang theo cái máy quay mini, thứ chỉ có thể quay, không có lỗ cắm tai nghe, không có màn hình... không thể phục vụ cho tiêu cực thi cửthì tiêu cực chỗ nào?
- Khi công bố clip về tiêu cực thi tại Bắc Giang, ông có nghĩ đến những hậu quá có thể xảy ra đối với thí sinh quay clip tố cáo tiêu cực?
Tất nhiên là có chứ. Tôi cũng phân tích cho học sinh thấy rồi, và các em sẵn sàng chấp nhận mọihậu quả. Mà trước mắt có thể là những đòn đánh tâm lý gây khủng hoảng tinh thần các em, rồi đe dọa hủy kết quả thi của em, rồi sức ép báo chí dư luận và gia đình.
Cho đến lúc này, Bắc Giang coi vụ việc chỉ là vi phạm quy chế thi của hội đồng và giám thị. Họ tính chuyện xử lý chiếu lệ. Trong khi đó sự thực là: Họ đã mang đề thi ra ngoài, giải bài, phô tô, ném bài tập thể. Việc đưa đề cho người không có nhiệm vụ coi thi để giải đề, phải khởi tố tội làm lộ bí mật quốc gia đối với lãnh đạo hội đồng.
Cả nước vẫn đang tiếp tục 2 không, cam kết 2 không, học tập tư tưởng Đạo đức Hồ Chí Minh,.. vậy thì càng phải làm nghiêm vụ việc này.
- Thưa ông, vì đâu mà thí sinh sẵn sàng quay clip tố cáo tiêu cực mặc dù đã biết trước những hậu quả xấu có thể xảy ra?
Tôi chưa hề biết mặt các thí sinh này hay nói chuyện với các em ấy. Tôi chỉ tư vấn hướng dẫn thầy giáo của các em ấy các bước thực hiện thôi.
Thực ra tôi nghĩ, không thể hủy kết quả thi của các em ấy. Nếu hủy, cần cho toàn hội đồng đó thi lại bằng đề dự trữ.
- Theo ông, trong trường hợp này, UBND tỉnh và Sở GD&ĐT Bắc Giang nên có cách giải quyết như thế nào để đảm bảo quyền lợi của thí sinh?
Dư luận thì thường đổ lỗi cho người lớn, bênh vực thí sinh. Với việc 100% thí sinh quay cóp thì phải đình chỉ toàn bộ kết quả thi của các em. Theo tôi, nên tổ chức thi lại theo đề dự trữ của Bộ cho hội đồng thi này.
- Tình trạng gian lận trong thi cử lại vẫn diễn ra trắng trợn trong kỳ thi thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Phải chăng chúng ta lại đang quay lại điểm khởi đầu trước khi có “Hai không”?
Quay lại gần bằng trước hai không thì đúng hơn. Vẫn còn nhiều địa phương không dám giải bài, ném bài tập thể. Phải khẳng định rằng: Đa số tiêu cực thi cử năm nay diễn ra trong phòng thi, thí sinh tự do quay cóp bảo nhau làm bài. Chưa đến nỗi khắp nơi có ném bài, giải bài tập thể.
- Theo ông, nguyên nhân sâu sa của việc này là do đâu?
Nguyên nhân thì có nhiều. Nhưng yếu tố lãnh đạo ngành và lãnh đạo trường là quan trọng nhất. Sự sợ hãi hoặc đầu hàng buông xuôi của giám thị, bệnh quay cóp ngấm sâu vào tính cách của người đi thi... và xử lý tiêu cực thì dung túng bao che cho sai phạm, trừng trị thẳng tay người tố cáo... cũng làm tiêu cực thi cử tái phát.
- Ông đã từng chia sẻ rằng: “Muốn tố cáo tiêu cực thì nhà giáo phải bỏ nghề”. Phải chăng vì điều này mà rất ít nhà giáo dù là có tâm với ngành giáo dục cũng không dám đứng lên để tố cáo những sai phạm trong thi cử?
Nói như thế khá cực đoan, nhưng thật tiếc đó là sự thật. Ở nước ta hiện nay, như báo Tiền Phong từng có bài cho biết 100% số vụ tố cáo tham nhũng tiêu cực đều bị trù dập. Bản thân tôi cũng không ngoại lệ.
Bộ GD- ĐT có muốn bảo vệ người tố cáo cũng chịu, vì không có thực quyền, ở xa, mà quan chức sai phạm thì ngay sát nách. (Vua thì xa sai nha thì gần mà)
Chính vì thế, rất hiếm người tố cáo. Trong khi đó nhiều người đang sống, làm giàu, lên chức nhờ tiêu cực, nhờ dối trá. Sự bảo kê lợi ích nhóm rất chặt chẽ.
- Là người nhiều năm đứng ra tố cáo những sai phạm, tiêu cực trong thi cử, ông có kiến nghị gì với lãnh đạo Bộ GD-ĐT để những năm sau sẽ giảm bớt những tiêu cực này?
Tôi không dám kiến nghị gì hết, vì tôi biết Bộ cũng thừa người tư vấn rồi, nhưng Bộ không có thực quyền. Bộ hô hào quyết tâm, nhưng khi xảy ra điểm nóng thì Bộ bỏ mặc, thờ ơ. Chỉ người tố cáo chịu trận.
- Phải chăng là Bộ GD-ĐT đang thiếu một hình thức xử phạt “nặng tay” đối với các đơn vị vi phạm nên dẫn tới tình trạng “nhờn thuốc”?
Bộ có muốn cũng không có quyền xử mạnh tay với trường hợp sai phạm, vì cơ chế phân quyền, Bộ không có quyền. Quyền này thuộc về giám đốc Sở GD- ĐT địa phương, thuộc về chủ tịch Tỉnh, Thành. Mà những vị này đời nào vạch lưng cho trời xem. Họ còn phải báo cáo thành tích chứ.
Xin cảm ơn ông!
Phạm Thịnh(thực hiện)
Bình luận