• Zalo

Nể phục những ‘nữ tướng’ điều hành doanh nghiệp ngàn tỷ

Kinh tếThứ Sáu, 08/03/2013 10:06:00 +07:00Google News

(VTC News) – Làm sếp đã khó, làm sếp nữ điều hành những doanh nghiệp ngàn tỷ càng khó hơn nhưng những “nữ tướng” này luôn khiến người xung quanh phải nể phục.

(VTC News) – Làm sếp đã khó, làm sếp nữ điều hành những doanh nghiệp ngàn tỷ càng khó hơn nhưng những “nữ tướng” này luôn khiến người xung quanh phải nể phục vì những thành công mà họ đạt được.

1. Bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vinamilk

Nhắc đến nữ doanh nhân thành đạt, người ta thường nghĩ ngay tới bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), một doanh nghiệp lớn với số vốn điều lệ lên tới 8.300 tỷ đồng.

 
Dưới sự chèo lái xuất sắc của bà, Vinamilk liên tiếp đạt được những khoản lợi nhuận “khủng”. Mới nhất, năm 2012, lợi nhuận trước thuế của Vinamilk đạt 6.887,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 5.785,87 tỷ đồng - tăng 38,9% so với năm 2011

Tạp chí Quản trị Doanh nghiệp châu Á - trụ sở tại Hongkong vừa thông báo bà Mai Kiều Liên - là 1 trong những CEO được nhận giải thưởng "ASIAN EXCELLENCE RECOGNITION AWARDS 2012" (Những cá nhân/công ty xuất sắc nhất châu Á năm 2012) với danh hiệu "Những CEO xuất sắc của châu Á trong lĩnh vực Quan hệ với nhà đầu tư".

Bà Mai Kiều Liên là CEO duy nhất và đầu tiên của Việt Nam nhận được giải thưởng vinh dự này cùng với lãnh đạo các tập đoàn lớn khác trong khu vực châu Á

2. Bà Nguyễn Thị Phúc Lâm - Tổng giám Tập đoàn Bảo Việt

Bà Nguyễn Thị Phúc Lâm sinh năm 1958, nguyên quán Nghệ An. Năm 2007, bà Lâm giữ chức Tổng giám đốc kiêm Thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Bảo Việt. Bên cạnh đó, bà còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng cổ phần Bảo Việt (BaoViet Bank) và Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVS).

 
Tập đoàn Bảo Việt là một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tài chính bảo hiểm. Năm 2012, tổng doanh thu của Bảo Việt ước đạt 1.390 tỷ đồng, đạt 104,5% kế hoạch 2012. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.075 tỷ đồng, đạt 117,4% kế hoạch.

3. Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BRG

Nguyễn Thị Nga là Chủ tịch Tập đoàn BRG. Tập đoàn BRG (BRG Group) đầu tư và hoạt động tập trung chủ đạo vào lĩnh vực Tài Chính - Ngân hàng và sân Gôn với các công ty thành viên và các đơn vị liên kết có uy tín tại Việt Nam và quốc tế. Một thành viên khác không kể không kể đến của BRG là ngân hàng Seabank. Chỉ riêng Seabank, vốn điều lệ đã lên tới 5.335 tỷ đồng.

 
BRG là tập đoàn gây nhiều bất ngờ. Năm 2012, BRG mua lại khách sạn 5 sao Hilton Opera Hà Nội từ tay các ông chủ Đức và Áo. Thương vụ khiến nhiều người bất ngờ và đa số mọi người chỉ biết thông tin này khi việc mua bán được hoàn tất.

Bà Nga sinh năm 1955, là người Hà Nội. Bà tốt nghiệp Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân), trước khi tham gia nhiều khóa học về kinh tế ở Pháp, Đức, Nhật Bản, Úc. Bà là người Việt Nam đầu tiên được mời học ở George Town (Mỹ), do quỹ tài trợ của bà Hillary Clinton dành riêng cho các nhà lãnh đạo tập đoàn kinh tế.

Trên thường trường, bà Nguyễn Thị Nga được coi là nữ doanh nhân bí ẩn với hầu hết mọi người khi các vụ chuyển nhượng đình đám có sự góp mặt của công ty bà đều diễn ra âm thầm.

4. Bà Nguyễn Vũ Thùy Hương-Giám đốc khối Nguồn vốn và Kinh doanh Tài chính CTCP Chứng khoán Sài Gòn

Bà Nguyễn Vũ Thùy Hương giữ chức Giám đốc khối Nguồn vốn và Kinh doanh Tài chính SSI. Với kinh nghiệm 11 năm làm việc tại SSI, bà Hương đã tham gia thị trường vốn Việt Nam từ những ngày đầu với tư cách là người tư vấn tài chính doanh nghiệp, tham gia các dự án cổ phần hóa, tư vấn niêm yết, tư vấn phát hành, tái cấu trúc với quy mô lớn thuộc lĩnh vực xây dựng cơ bản, điện lực, viễn thông, dầu khí, tài chính, ngân hàng, hàng hải.

Bà Hương là Thạc sĩ chuyên ngành Tài chính Doanh nghiệp trường Đại học Kinh tế Quốc dân và tốt nghiệp loại ưu khóa học Thạc sỹ ngành Tài chính Ứng dụng Đại học Macquarie, Australia.

Hiện bà đang quản lý Khối Nguồn vốn SSI với lượng tài sản lớn trên 3.500 tỷ. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán, tài chính khó khăn nhưng trong năm 2012, khối này đã đóng góp 39% tổng doanh thu của toàn Công ty .

 
5. Bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch Hội đồng quản trị Quốc Cường Gia Lai

Với vốn điều lệ gần 1.300 tỷ đồng, Quốc Cường Gia Lai là một trong những Tập đoàn danh tiếng trong ngành bất động sản. Nhắc đến Quốc Cường Gia Lai, người ta không thể không nhắc tới “nữ tướng” của doanh nghiệp này, bà Nguyễn Thị Như Loan.

 
Bà Nguyễn Thị Như Loan sinh năm 1960, nguyên quán Phú Yên. Bà là người thành lập và điều hành Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai. Hiện bà đang nắm giữ 47,67% cổ phần doanh nghiệp.

Những năm trước đây, Quốc Cường Gia Lai hoạt động khá hiệu quả nhưng trong vài quý trở lại đây, do thị trường không thuận lợi, Quốc Cường Gia Lai liên tục làm ăn bết bất với khoản lỗ tương đối lớn. Tuy nhiên, năm 2012, tín hiệu khả quan đã xuất hiện khi công ty làm ăn có lãi trở lại dù khoản lợi nhuận rất khiêm tốn.

6. Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận

Bà Dung sinh năm 1957, nguyên quán Quảng Ngãi, từng tốt nghiệp cử nhân Kinh tế thương nghiệp. Bà bắt đầu tham gia ban quản trị Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận từ năm 1988 trên cương vị Giám đốc. Từ năm 2004 tới nay, bà trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc doanh nghiệp.

 
Năm 2011, bà Dung được bầu chọn vào top 5 danh sách Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Ernst & Young tổ chức.

Trong năm 2012, lợi nhuận trước thuế và sau thuế của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận lần lượt đạt 280 tỷ đồng và 225,23 tỷ đồng, tương ứng giảm 7,3% và 6,8% so với cùng kỳ. Năm nay lợi nhuận của công ty giảm chủ yếu giảm mạnh hoạt động kinh doanh vàng miếng, các nhóm hàng trang sức vàng, bạc, đá quý... giảm nhẹ do sức mua giảm.

7. Bà Phạm Thị Việt Nga - Chủ tịch HĐQT Dược Hậu Giang

Bà Việt Nga sinh năm 1951, nguyên quán Cần Thơ. Hiện bà là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dược Hậu Giang. Trước khi chinh phục học vị tiến sĩ kinh tế, bà đã tốt nghiệp Đại học Dược và trở thành dược sĩ.

 
Năm 1988, bà Nga chính thức được bổ nhiệm chức Giám đốc Xí nghiệp Dược Hậu Giang. Tới năm 2004, khi doanh nghiệp chuyển mô hình sang cổ phần hóa, bà vẫn tiếp tục cương vị Tổng giám đốc.

Năm 2012, lợi nhuận trước thuế và sau thuế của Dược Hậu Giang là 582,03 tỷ đồng và 491,31 tỷ đồng. Cổ phiếu Dược Hậu Giang (DHG) được xem là một trong những cổ phiếu phòng thủ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

8. Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Cơ điện Lạnh (REE)

Trong thời gian  gần đây, dư luận xôn xao bởi cô tiểu thư 9X Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh rất giỏi giang của bà Nguyễn Thị Mai Thanh. Tuy nhiên, không phải tới lúc này, bà Mai Thanh mới được nhắc đến nhiều. Là Chủ tịch Hội đồng quản trị Cơ điện Lạnh (REE), một trong những đơn vị chào sàn chứng khoán khá sớm, tên tuổi của bà đã nổi như cồn từ nhiều năm trước đây.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh sinh năm 1952, nguyên quán Tây Ninh, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc REE. Ngoài ra, bà Thanh cũng là Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Quỹ Đầu tư Phát triển Đô thị TP.HCM.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh là mẫu phụ nữ cấp tiến, luôn chấp nhận đi tiên phong để được thử thách và thay đổi bản thân

 
9. Bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch Hội đông quản trị Vĩnh Hoàn

Dù chỉ sinh năm 1961 nhưng bà Trương Thị Lệ Khanh sớm được mệnh danh là “Nữ hoàng thủy sản” khi giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC), với tỷ lệ nắm giữ 50,86% cổ phần, tương đương gần 23,4 triệu cổ phiếu VHC.

Trong lĩnh vực thủy sản, bà Khanh là người giàu nhất, vượt trên ông Dương Ngọc Minh (Hùng Vương), vợ chồng ông Lê Văn Quang - bà Chu Thị Bình (Minh Phú).

 
Vĩnh Hoàn là một trong những công ty đứng đầu về thủy sản tại Việt Nam. Năm 2012, do tình hình kinh tế khó khăn,lợi nhuận trước thuế đạt hơn 278 tỷ đồng, giảm đến 43% so với năm trước nhưng vẫn thực hiện được 113% kế hoạch đã điều chỉnh (270 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 208.83 tỷ đồng, giảm 47% và hoàn thành 104.4% kế hoạch.

10. Bà Nguyễn Minh Thu - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank)

Sinh năm 1973 với tấm bằng cử nhân ĐH Tổng hợp Hà Nội; Thạc sỹ QTKD ĐH Kinh tế quốc dân, bà Nguyễn Minh Thu đang nắm giữ chức vụ Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank).

 
Làm “nữ tướng” cho một ngân hàng trong bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay, bà Thu đánh giá nhiệm vụ nặng nề của mình: “Năm 2013, các CEO ngân hàng còn phải giải quyết các vấn đề quan trọng khác như tiếp tục tái cấu trúc, xử lý nợ xấu và ngăn chặn suy thoái… Áp lực - ở một khía cạnh khác, còn là yếu tố tích cực để chúng ta thêm trải nghiệm vững vàng và sáng tạo hơn trong công việc”.

11. Bà Chu Thị Thanh Hà - Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT

FPT là một tập đoàn lớn, tập hợp được rất nhiều nhân tài. Dù chưa ai có thể vượt qua được cái bóng quá lớn Trương Gia Bình nhưng ít nhiều cũng khẳng định được vị trí của mình trên thường trường. Trong số đó có bà Chu Thị Thanh Hà - Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT.

Bà Chu Thị Thanh Hà sinh năm 1974, được xem như một bông hồng của ngành công nghệ thông tin. Bà có bằng cử nhân Đại học Kinh tế Quốc dân và Thạc sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Hawaii, Mỹ.

 
12. Bà Chu Thị Bình - Phó tổng giám đốc Thủy sản Minh Phú

Thủy sản Minh Phú là một trong những công ty thủy sản lớn bậc nhất hiện nay. Không phải là người “to” nhất tại công ty nhưng bà Chu Thị Bình cũng giữ vị trí rất quan trọng - Phó tổng giám đốc kiêm Thành viên hội đồng quản trị Thủy sản Minh Phú.

 
Sau khi trừ đi các khoản chi phí,MPC đạt 12,27 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 4/2012, giảm 81% so với cùng kỳ năm 2011, lũy kế cả năm đạt 90,18 tỷ đồng. Có thể thấy năm 2012 là năm hoạt động không được tốt của doanh nghiệp thủy sản.

12. Bà Nguyễn Vũ Ngọc Trinh - Tổng Giám Đốc kiêm Giám Đốc Điều Hành Đầu Tư của Công Ty TNHH Quản Lý Quỹ Manulife Việt Nam

Là một phụ nữ rất xinh đẹp và giỏi giang, dù còn trẻ tuổi, bà Nguyễn Vũ Ngọc Trinh đã nắm giữ chức vụ Tổng Giám Đốc kiêm Giám Đốc Điều Hành Đầu Tư của Công Ty TNHH Quản Lý Quỹ Manulife Việt Nam.

 
Dưới sự quản lý của bà Trinh, Quỹ MAFPF1 năm 2012 đã đạt mức tăng trưởng giá trị tài sản ròng là 25% sau khi trừ mọi chi phí của Quỹ, vượt trội so với mức tăng 17.7% của VN Index. Giá Chứng Chỉ Quỹ MAFPF1 trong năm qua cũng tăng xấp xỉ 49%.

Thanh Hà(Tổng hợp) 

Bình luận
vtcnews.vn