• Zalo

Nể cách kiếm tiền từ vật bỏ đi của các tỷ phú

Kinh tếThứ Hai, 04/03/2013 08:11:00 +07:00Google News

Không ai có thể ngờ rằng, những mẩu bánh mỳ thừa, giấy vụn hay vải vụn... lại là thứ kiếm bộn tiền của các tỷ phú.

Không ai có thể ngờ rằng, những mẩu bánh mỳ thừa, giấy vụn hay vải vụn... lại là thứ kiếm bộn tiền của các tỷ phú.

Tỷ phú Mỹ biến bánh mỳ thừa thành "vàng"

Mỗi tỷ phú có một bí quyết kinh doanh, làm giàu riêng. Có người chọn bất động sản, có người kinh doanh công nghệ viễn thông, có người chọn thời trang... nhưng Meyer Luskin lại chọn những mẩu bánh mỳ thừa để làm giàu.

Meyer Luskin là một tỷ phú được báo giới săn lùng nhưng ông lại rất kín tiếng. Người ta không khi nào thấy ông xuất hiện trên tạp chí Forbes hay truyền hình để khoe khoang về tài sản khủng của mình. Lần duy nhất Meyer phát biểu trước công chúng là vào năm 2011 sau khi ông hiến tặng 100 triệu USD cho trường UCLA - nơi ông đã từng theo học. 

Tỷ phú Meyer Luskin kiếm trăm triệu USD mỗi năm nhờ bánh mỳ thừa 
Meyer Luskin năm nay 87 tuổi, là người sáng lập và CEO của công ty Scope Industries, trụ sở Los Angeles - doanh nghiệp tái chế bánh mỳ và sản phẩm ngũ cốc quá hạn sử dụng lớn nhất của Mỹ.

Meyer Luskin nhận thấy rằng, các cửa hàng, các lò bánh mỳ nhỏ quy mô hộ gia đình sẽ bỏ đi khá nhiều lượng bánh mỳ, bánh ngọt, bánh nướng... quá hạn sử dụng. Trong khi đó, việc tiêu hủy một khối lượng khủng bánh mỳ hỏng như vậy vô cùng tốn kém. 

Từ nhận thức trên, ông đã lập ra công ty Scope Industries vào năm 1950. Công ty này sẽ thiết kế và xây dựng những máy ép rác thải công nghiệp, rồi đặt chúng các doanh nghiệp sản xuất. Mỗi tuần vài lần, sẽ có nhân viên tới chuyển rác thải đi.

Sau khi thu gom sản phẩm hỏng, quá hạn, xe tải của công ty sẽ chuyển chúng đến một trong 12 nhà máy xử lý trên toàn quốc. Rác thải được xay nhuyễn, sấy khô và nướng thành "sản phẩm bánh mỳ khô". Nông dân khắp thế giới bỏ tiền mua sản phẩm này của Scope để làm thức ăn cho ngựa, bò, gà...

Hiện tại, doanh thu hàng năm của Scope Industries là trên 112 triệu USD. Điều quan trọng là Scope đã hái ra tiền nhờ việc biến những thứ người khác bỏ đi thành vàng. Theo ước tính, tài sản năm 2013 của tỷ phú Meyer Luskin lên tới con số 1 tỷ USD.
 
Tỷ phú Trung Quốc kiếm bộn tiền nhờ bán không khí sạch đóng lon
 
Không chỉ nước Mỹ nổi tiếng thế giới với số lượng tỷ phú siêu giàu, đất nước Trung Quốc cũng là nơi tập trung của rất nhiều tỷ phú thuộc các ngành nghề khác nhau. Trong đó, có một tỷ phú hơi khác biệt bởi ông chọn cách làm giàu từ không khí.
 
Xuất phát từ trăn trở với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng ở đất nước mình, tỷ phú Chen Guangbiao đã tung ra thị trường sản phẩm không khí sạch đóng lon với nhiều mùi hương khác nhau. 

 
Tỷ phú Chen Guangbiao kinh doanh không khí sạch là nhằm thu hút sự chú ý của mọi người đối với vấn đề ô nhiễm môi trường mà Trung Quốc đang phải đối mặt 
Ông Chen Guangbiao là một nhà từ thiện có tiếng, được cho là một trong những người giàu nhất Trung Quốc, đã bán sản phẩm "không khí sạch đóng trong lon nước ngọt" với giá khoảng 5 Nhân dân tệ/lon (0,8 USD/lon).
 
Sản phẩm được tỷ phú này tung ra thị trường hồi tháng 9/2012 với nhiều mùi hương khác nhau cho khách hàng lựa chọn. Sản phẩm được cho là có lợi cho sức khỏe và tuổi thọ của người sử dụng. Tỷ phú Chen cho biết, doanh thu từ việc bán không khí sạch rất khả quan, đạt mức hơn 800 USD ngay trong ngày đầu tiên ra mắt sản phẩm ở Bắc Kinh. Ông cũng cho hay, việc kinh doanh không khí sạch của ông là nhằm kêu gọi sự chú ý của mọi người đối với vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng ở Trung Quốc.
 
Năm nay 45 tuổi, ông Chen là người sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Jiangsu Huangpu Recycling Resources - một trong những công ty hàng đầu Trung Quốc về lĩnh vực tái chế. Vào năm 2011, tạp chí Forbes đã xếp hạng Chen ở vị trí 223 trong danh sách "Những người giàu nhất Trung Quốc năm 2011". Tạp chí này ước tính tài sản của Chen ở mức 4,45 tỷ Nhân dân tệ.
 
Ông Chen nổi tiếng là một doanh nhân rất chăm làm từ thiện, được mệnh danh là “nhà hảo tâm số 1 Trung Quốc”. Ông đã cam kết sẽ hiến tặng toàn bộ tài sản của mình cho hoạt động từ thiện sau khi ông qua đời.
 
Tỷ phú khởi nghiệp từ vải vụn
 
Không chỉ thế giới, Việt Nam cũng là nơi hội tụ của nhiều tỷ phú, trong đó, có những tỷ phú đi lên từ số vốn rất nhỏ, thậm chí đi lên từ bàn tay trắng.
 
Khởi nghiệp từ những mảnh vải thừa của mẹ, sau gần 5 năm, Trần Phương Huyền (hiện 26 tuổi), đã là giám đốc Công ty với thương hiệu gối thủ công nổi tiếng Take One và sở hữu căn nhà trị giá gần 5 tỷ đồng.

Trần Phương Huyền khởi nghiệp từ vải thừa của mẹ 
Gia đình có nghề may quần áo, nên từ nhỏ Huyền sớm tiếp xúc với vải vóc, kim chỉ. Thấy vải thừa lãng phí, Huyền tỉ mẩn khâu vá, làm áo búp bê, khăn, gối tặng bạn... Huyền ghép các miếng vải thành tên, lời nhắn trên khăn gối nên được một số bạn đặt làm để tặng người khác.
 
Sau 1 năm kinh doanh nhỏ lẻ, 19 tuổi, Huyền bắt đầu mở cửa hàng tại nhà với cái tên lạ Take One nhằm nhấn mạnh tính sáng tạo, có một không hai của sản phẩm. Từ nguồn vải nỉ đủ màu sắc nhập từ Hàn Quốc, Huyền làm ra đủ dạng gối, phù hợp với mọi sở thích.
 
Vì không có vốn, Huyền vừa đi học, vừa cắt may, vừa bán hàng. Tới năm thứ ba đại học, Huyền mới mở rộng cửa hàng, làm cô chủ nhỏ với hơn 10 nhân viên. Không tốn tiền quảng cáo, nhưng mỗi ngày Huyền bán được gần trăm sản phẩm.
 
Sản phẩm của Huyền nhanh chóng là món quà ưa chuộng của giới trẻ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Bình... Nhiều khách đặt hàng cho Huyền làm quà tặng gửi sang Anh, Mỹ, Pháp...
 
Thương hiệu gối Take One đã được đăng kí bản quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Công ty TNHH Take One ra đời năm 2008.
 
Ngoài công ty, tài sản lớn Huyền có được sau gần 5 năm kinh doanh đó là căn nhà 3 tầng trị giá 5 tỷ đồng.
 
Hiện tại, công ty của Huyền có đội ngũ gần 100 nhân viên, đa phần là người trẻ, sản phẩm có mặt ở khắp Việt Nam và có 30% số lượng sản phẩm khách đặt mua mang đi nước ngoài.
 
Khởi nghiệp từ những vật nhỏ bé, thậm chí là những thứ bỏ đi, nhưng với những tỷ phú này thì đó lại là thứ mang lại số tiền rất lớn. Không chỉ là những người có tài kinh doanh, họ còn là người biết nắm bắt thời cơ, nhạy bén với thời cuộc.

Theo Diên Lệ/Kiến thức

Bình luận
vtcnews.vn