Sau khi ngừng sử dụng tàu con thoi vào năm 2011, NASA hiện nay phải thuê phi thuyền Soyuz của Nga để đưa các phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) và trở về Trái Đất với chi phí tăng dần theo thời gian, theo Business Insider.
Trong khi các công ty hàng không của Mỹ như SpaceX và Boeing vẫn đang loay hoay chế tạo, thử nghiệm và chờ chính phủ phê duyệt hai thiết kế tàu vũ trụ mới như Dragon và CST-100 Starliner, Soyuz vẫn là lựa chọn duy nhất của NASA và các tổ chức khác như Cơ quan vũ trụ Nhật Bản (JAXA), Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA).
Dù cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos đã vài lần nâng cấp thiết kế của tàu Soyuz trong các thập kỷ qua, cách bố trí trên tàu hầu như không thay đổi. Tuy nhiên, chi phí cho mỗi ghế phi hành gia mà Roscosmos thu từ các cơ quan vũ trụ nước ngoài đã tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Trong báo cáo công bố hôm 1/9, Bộ phận Thanh tra của NASA (OIG) đưa ra bảng so sánh mức phí Roscosmos thu của NASA từ năm 2006 cùng chi phí dự kiến trong tương lai gần. Theo đó, NASA từng phải trả 21,8 triệu USD cho mỗi ghế phi hành gia trên tàu Soyuz vào các năm 2007 và 2008. Ngay sau khi NASA dừng chương trình phóng tàu con thoi, mức phí này gia tăng đáng kể qua các năm.
Trong năm 2016, mức phí chuyên chở của tàu Soyuz vào khoảng 70 triệu USD, nhưng đến năm 2018, NASA và các đối tác sẽ phải trả khoảng 81 triệu USD để đưa một phi hành gia lên trạm ISS và trở về Trái Đất bằng tàu Soyuz.
Với giá "vé" 81 triệu USD, các phi hành gia được đảm bảo về độ an toàn, nhưng phải chịu đựng không gian chật hẹp giữa những thiết bị điện tử hàng không và hàng hóa trong thời gian từ 6 đến 48 tiếng của tàu Soyuz.
Mức phí này tăng 372% trong vòng 10 năm và tổng chi chí NASA phải trả cho Roscosmos sau 12 năm là khoảng 3,72 tỷ USD, trong khi mức giá mà NASA chấp nhận chi trả cho mỗi ghế phi hành gia trên tàu vũ trụ của SpaceX và Boeing chỉ là 58 triệu USD.
Bình luận