Trong cuộc họp báo tổ chức lúc 13h ngày 22/2 giờ Mỹ (tức 1h ngày 23/2 giờ Việt Nam), Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã công bố một phát hiện gây chấn động: tìm thấy 7 hành tinh to bằng Trái đất có thể có sự sống.
PV VTC News đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam về thông tin này.
- NASA vừa phát hiện hệ Mặt trời mới có 7 hành tinh có nhiệt độ đủ ấm, có nước và có thể có sự sống, cách chúng ta 40 năm ánh sáng. Ông có thể chia sẻ thêm thông tin về phát hiện này?
Theo tôi được biết, 7 hành tinh này đều có quỹ đạo chuyển động quanh một sao lùn nhỏ hơn và lạnh hơn nhiều so với Mặt Trời của chúng ta. Hệ hành tinh này được đặt tên là TRAPPIST-1. Tên gọi này đặt theo kính thiên văn TRAPPIST mà trước đây các nhà thiên văn đã sử dụng để xác định sự tồn tại của ba hành tinh trong hệ này. Vừa qua số hành tinh chính xác được phát hiện đã là bảy.
Điều đặc biệt là thông qua việc ước tính khối lượng, kích thước thì các hành tinh này đều là các hành tinh đá, không phải các hành tinh khí như các hành tinh nhóm ngoài của hệ Mặt trời. Đặc biệt hơn nữa là ba hành tinh trong số này được xác định nằm trong “vùng sống được” của ngôi sao, đồng thời cả bảy hành tinh này đều được cho rằng có đủ điều kiện để nước có thể tồn tại ở dạng lỏng trên bề mặt của chúng.
Như chúng ta biết, sự tồn tại của nước dưới dạng lỏng là điều kiện tiên quyết cho sự sống, và do đó đây là một yếu tố rất quan trọng khiến cho việc khám phá hệ hành tinh này có ý nghĩa đặc biệt trong việc tìm kiếm các môi trường có thể sống được ngoài hệ Mặt trời.
Trước đây, các nhà khoa học đã tìm kiếm nhiều, quan sát rất nhiều ngôi sao để tìm những hành tinh có điều kiện tương tự như Trái Đất và cũng đã tìm được một vài hành tinh đáp ứng được một số điều kiện đó.
Nhưng đây là lần đầu tiên trong lịch sử quan sát, có một hệ hành tinh có tới bảy hành tinh cỡ Trái Đất và tất cả đều có khả năng có nước lỏng trên bề mặt. Tất nhiên, cần lưu ý rằng tất cả các hành tinh đó cũng như bảy hành tinh mới phát hiện mới chỉ được xác định là có một vài điều kiện giống Trái Đất, chưa phải đã đủ điều kiện và càng chưa hề được quan sát thấy sự sống trên đó.
- Con người phải mất bao lâu để tới được hệ hành tinh cách Trái đất 40 năm ánh sáng?
Với công nghệ hiện nay, trong một thế kỷ tới, thực sự chúng ta không có hy vọng gì tới được đó đâu.
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn
Người ta tính khoảng cách trong vũ trụ bằng nhiều đơn vị, trong đó phổ biến là đơn vị thiên văn và năm ánh sáng. Một đơn vị thiên văn (viết tắt là 1 AU) là khoảng cách từ Mặt Trời tới Trái Đất, tức 150 triệu km. Khoảng cách đó chỉ tương đương với 8 phút ánh sáng, tức là quãng đường ánh sáng đi trong 8 phút.
Nhưng hệ hành tinh này cách chúng ta những 40 năm ánh sáng.Với công nghệ hiện nay, trong một thế kỷ tới, thực sự chúng ta không có hy vọng gì tới được đó, ngay cả khi ở đó thực sự có sự sống đi nữa.
Còn với công nghệ mà các nhà khoa học đang hy vọng thì chúng ta cũng chỉ chế tạo được thiết bị có thể đi được với vận tốc khoảng 10% vận tốc của ánh sáng. Tức là, sẽ mất 400 năm để tới hệ hành tinh TRAPPIST-1 nếu chúng ta chế tạo được thiết bị đó.
Tuy nhiên, đấy cũng chỉ là dự định của các nhà khoa học mà đến nay chúng ta vẫn chưa làm được thiết bị như thế. Để tới được đó chúng ta phải chờ thêm nhiều thế kỉ nữa.
- Có ý tưởng cho rằng, thời gian giống như tờ giấy, chúng ta dùng cách gấp nó thành nhiều cạnh rồi đâm xuyên qua nó thì sẽ nhanh hơn nhiều lần?
Đây chỉ là ý tưởng trong các tác phẩm viễn tưởng, còn ngoài đời thực người ta không thể làm như thế được, mặc dù có những lý thuyết cho rằng có thể đi thông qua những lỗ sâu để tới nững khu vực khác của không gian và thời gian.
- Trong lịch sử, con người đã đến được những hành tinh nào thưa ông?
Cho tới hiện tại thì chúng ta mới đặt chân xa nhất là Mặt trăng, ngoài ra chúng ta chưa đến được một hành tinh nào cả. Theo dự kiến đến năm 2020, chúng ta mới bắt đầu đưa người lên Sao Hỏa, là một hành tinh rất gần với Trái đất.
Còn các thiết bị không người lái bay đi để chụp ảnh thì nơi xa nhất tới được biên giới các hệ Mặt trời cách chúng ta khoảng hơn 20 tỷ km. Khoảng cách đó chưa bằng một ngày ánh sáng, tức là không có ý nghĩa gì đối với khoảng cách của hệ hành tinh mà chúng ta đang nói tới.
- Đây được xem là phát hiện lịch sử, làm dấy lên hy vọng tìm thấy những hành tinh khác để con người sinh sống. Ông đánh giá thế nào về cơ hội và thách thức đối với loài người về sự sống ngoài Trái đất?
Phát hiện này chưa nói quá nhiều về sự sống ngoài Trái Đất. Tuy nhiên, đối với việc quan sát thiên văn đây là một phát hiện có ý nghĩa cực kỳ to lớn.
Đây là lần đầu tiên chúng ta phát hiện một hệ hành tinh đặc biệt như vậy. Ngoài việc tìm kiếm những thế giới có thể sống được ngoài hệ Mặt trời, nó cũng sẽ là một cơ sở để các nhà khoa học thiên văn tìm hiểu kĩ hơn về những mô hình tạo thành các hệ hành tinh. Qua đó người ta có thể tìm hiểu về lịch sử tiến hóa và hình thành của chính Trái Đất và hệ Mặt trời của chúng ta.
- Xin cảm ơn ông!
Video: NASA công bố chấn động về hệ Mặt trời mới có thể tồn tại sự sống
Bình luận