(VTC News) – Tiếp tục chủ đề kiến nghị về giải cứu rùa hồ Gươm, kĩ sư Lương Ngọc Dư chia sẻ kinh nghiệm của mình về một vài nguy cơ tiềm ẩn khi “giải phóng” ngôi nhà của cụ rùa.
Như đã biết, Hà Nội đã bắt đầu chiến dịch giải cứu cụ Rùa và hồ Gươm giai đoạn 1 bằng việc tạo bãi sưởi nắng cho Rùa Hồ Gươm, bắt rùa tai đỏ bơm nước sạch vào hồ và nạo vét bùn đáy.
Động thái tích cực này rất đáng khích lệ và nhận được sự quan tâm ủng hộ của đông đảo nhân dân.
Hình ảnh công nhân tích cực đầm mình trong nước lạnh giá đêm khuya để vớt bùn cho thấy chúng ta có quyền hy vọng vào một kết quả tốt đẹp cho việc giải cứu cụ Rùa Hồ Gươm.
Để góp phần cho công việc được tốt, tôi xin tiếp tục đưa ra một vài ý kiến có liên quan trực tiếp đến công việc nạo vét bùn đáy hồ Gươm.
Trong bài viết trước, tôi đã đề cập tới lớp trầm tích bùn đáy tồn tại hàng trăm năm trong hồ là một trong những nguyên nhân chính gây ra những vết thương của cụ Rùa và ô nhiễm môi trường nước hồ Gươm.
Cụ Rùa ăn dây chun có tiêu hóa được chăng?
Xin nói một vài lời về mức độ nguy hiểm của lớp trầm tích bùn đáy này.
Các vật cứng trong lớp bùn đáy có đủ loại thành phần bê tông, sắt, thép, gạch, đá, cao su, chai nhựa, lưỡi câu v.v… dễ gây thành vết thương và cản trở sự di chuyển của cụ rùa. Nhiều bài viết trên mạng đăng hình ảnh cụ rùa ngậm mẩu dây cao su, mình đầy thương tích đã nói lên mức độ nguy hiểm của các vật cứng trong đáy hồ đối với sự sống của cụ Rùa.
Các vật cứng tuy nguy hiểm nhưng dễ giải quyết bằng cách đơn giản là vớt lên như các công nhân đang làm.
Sợi dây cáp điện bắc từ trạm xe buýt ngang sang đền Ngọc Sơn là nguyên nhân làm mai Rùa trầy xước và nhiễm trùng.
Còn một điều đặc biệt nguy hiểm bởi tính độc hại của nó đối với cụ rùa và chất lượng nước hồ, đó là các thành phần chất thải nguy hại có trong lớp bùn đáy. Các thành phần này có thể là các nguyên tố kim loại nặng như đồng, chì, asen, cadimi,… và các loại khí độc như metan, H2S. Hình ảnh vỏ ốc dưới đáy hồ nổi lên khi công nhân vớt bùn cho thấy tầng nước đáy ô nhiễm rất nặng. Sự suy giảm ô xy hòa tan trong tầng đáy, kim loại nặng, hóa chất bảo vệ thực vật là nguyên nhân làm chết các động vật tầng đáy. Trong một lần lấy mẫu phân tích đã cho kết quả lượng DO (oxy hòa tan trong nước) tầng đáy hồ Gươm chỉ còn 0,01mg/lít, thấp hơn gấp 200 lần mức cho phép.
Đánh giá chất lượng nước theo chỉ số sinh học Bio-Index, nếu không còn động vật không xương sống ở tầng đáy, có thể khẳng định mức độ ô nhiễm của hồ Gươm là rất nặng.
Việc nạo vớt bùn đáy đang làm là cần thiết, việc chia thành ô như đang triển khai cũng là nên làm, tuy nhiên chúng ta cần phải hết sức lưu ý điều sau:
Việc nạo vét bùn đáy chắc chắn sẽ làm thay đổi mức độ ô nhiễm của nước trong hồ theo chiều hướng xấu đi. Lượng kim loại nặng trong nước sẽ gia tăng, khí độc sẽ thoát ra nhiều hơn, lượng amoniac sẽ tăng cao đột biến, kéo theo lượng oxy hòa tan giảm thấp hơn nữa, các vi khuẩn yếm khí gia tăng, và rất nhiều điều khác nữa.
Kinh nghiệm thu được qua lần nạo vét thí điểm bùn đáy hồ Gươm năm 2009 bằng công nghệ hiện đại của Đức, một thông số phân tích cho thấy lượng lượng Amoni (NH4+) sau khi tách bùn cao gấp hơn 13 lần mức cho phép.
Giải pháp cho vấn đề này:
1. Bơm thêm nước sạch vào hồ như đang làm là rất cần thiết, để hòa loãng các thông số ô nhiễm trong nước, nhưng lượng nước tăng cũng làm tăng thêm lượng tảo lam (vi khuẩn lam) trong hồ;
2. Để giải quyết tận gốc vấn đề cần phải cấp tốc xử lý ô nhiễm nước gia tăng tại khu vực đã hút bùn xong, nếu không sẽ lại tạo ra hiểm họa mới vì chưa đưa được cụ Rùa lên bờ để chữa trị.
3. Hợp lý nhất là đưa cụ Rùa về chỗ cố định rồi mới tiếp tục hút bùn và nạo vét trên diện rộng, nếu không thì không chỉ cụ Rùa mà cả các sinh vật thủy sinh khác cũng khó sống.
Theo như giải pháp mà tôi đã đưa ra trong bài viết trước thì quy trình phù hợp là: 1. Cô lập và đưa Cụ Rùa lên bờ và chữa trị bằng lồng lưỡng cư; 2. Xử lý ô nhiễm nước; 3. Nạo vét bùn đáy.
Làm theo quy trình này sẽ an toàn hơn cho cụ Rùa và hệ thủy sinh trong hồ Gươm.
Lương Ngọc Dư
Bình luận