Vụ việc phụ huynh tố Trường Tiểu học Lê Hồng Phong và Tiểu học Chu Văn An (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) cho học sinh yếu kém nghỉ học để phục vụ thi giáo viên dạy giỏi thành phố cấp tiểu học nhận nhiều phản ứng trái chiều, trong đó không ít người lên án bệnh thành tích trong giáo dục.
Cả thầy và trò đều diễn khi thi giáo viên dạy giỏi
Nhiều năm làm quản lý, tham gia tổ chức điều hành và giúp đỡ giáo viên khác trong kỳ thi giáo viên giỏi, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS - THPT Lê Qúy Đôn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhận thấy hầu hết các kỳ thi này đều làm đúng quy định, từ lựa chọn ở trường đến tổ chức thi cấp cao hơn ở quận/huyện, thành phố.
Các giáo viên được lựa chọn tham gia có đầu tư về chuyên môn. Tổ nhóm tham gia cũng giúp nâng cao trình độ chuyên môn chung của tổ, đổi mới phương pháp dạy các bài tiêu biểu và học được phương pháp giảng dạy trong bài dạy đó.
Tuy nhiên, thầy Bình cũng thừa nhận thực tế có trường bắt giáo viên đi thi vì quanh đi quẩn lại chỉ có giáo viên đó chứ không còn người khác. Vì vậy, kết quả của giáo viên dạy giỏi là của chung tổ nhóm chuyên môn, chứ không còn là của thầy cô.
Theo thầy Bình, vì cả thầy và trò đều diễn nên hội thi trở nên không thực chất. Trước khi thi thầy cô được chuẩn bị kỹ càng, dạy đi dạy lại một bài nhiều lần. Có thầy cô còn hướng dẫn học sinh diễn thế nào cho phù hợp với bài dạy. Thậm chí có trường loại học sinh yếu kém.
"Nên thay cuộc thi giáo viên dạy giỏi bằng hình thức khác để đánh giá giáo viên vì cuộc thi còn nặng hình thức", ông Bình nói và cho biết có nhiều cách để đánh giá giáo viên như lấy ý kiến của học sinh, tổ chuyên môn hay hội đồng nhà trường, học sinh.
"Bộ GD&ĐT nên đưa ra chiến lược dài hạn về việc đánh giá giáo viên giỏi chứ không nên chạy theo để giải quyết vấn đề", ông Bình nói thêm.
Chia sẻ về việc tổ chức thi giáo viên dạy giỏi hiện nay, thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cũng đồng tình với quan điểm trên.
"Bản chất cuộc thi là diễn. Giáo viên diễn nên học sinh cũng phải diễn cùng. Các tiết dạy giỏi thường rất công phu, tốn kém về thời gian, công sức, tiền bạc và các tiết dạy giỏi thường không triển khai được trong thực tế", thầy Tùng nói.
"Có những trường 30 năm chưa bao giờ thi giáo viên dạy giỏi nhưng học sinh của trường lại rất giỏi, chất lượng giáo dục tốt. Có giáo viên chưa hề có bất kỳ danh hiệu nào nhưng họ lại được học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp đánh giá là rất giỏi".
Thầy Trần Mạnh Tùng cũng đề nghị bỏ hẳn cuộc thi giáo viên dạy giỏi và coi đây là một căn bệnh. “Tôi nghĩ, nên loại bỏ cuộc thi càng sớm càng tốt và thay thế bằng một tổ chức đánh giá độc lập để kết quả được trung thực, khách quan”, thầy Tùng khẳng định.
Cho các em yếu kém ở nhà là 'kỳ thị học sinh'
Th.S Văn học Nguyễn Thị Loan (Trường THCS Vũ Tiến, Vũ Thư, Thái Bình) cho rằng, việc học sinh yếu kém phải ở nhà trong cuộc thi giáo viên dạy giỏi diễn ra khắp nơi chứ không chỉ ở Hải Phòng.
Sự việc theo cô Loan là "lố, coi thường và kỳ thị học sinh". "Hiện tượng này như loại bệnh dịch, truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác".
Cô Loan cho rằng, nếu là giáo viên dạy giỏi thì phải giúp các em yếu kém hiểu bài, được các em hưởng ứng và thừa nhận. "Cuộc thi giáo viên dạy giỏi như những gì đang diễn ra là sự giả tạo, lừa dối, chứ không đơn giản là “diễn”, nữ giáo viên nói và đề nghị xoá bỏ các cuộc thi chỉ vì hư danh và thành tích này để chất lượng giáo dục được nâng cao.
Sau khảo sát thực tế, kiểm tra hồ sơ và làm việc với nhà trường liên quan đến vụ giáo viên thi dạy giỏi, cấm học sinh kém đến lớp tại Hải Phòng, TS. Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết, thông tin này là không có căn cứ.
Tuy nhiên, Bộ khẳng định có việc giáo viên lựa chọn học sinh tham gia giờ giảng, nhưng không phải chỉ em học giỏi được đến lớp, học yếu ở nhà. Qua kiểm tra hồ sơ của học sinh không tham gia lớp học, tổ công tác của Bộ nhận thấy rất nhiều em có điểm kiểm tra học kỳ I môn Toán và tiếng Việt tốt.
"Thông tin phản ánh giáo viên không cho học sinh kém tới lớp là chưa có căn cứ, nhưng việc sắp xếp lại sĩ số học sinh trong lớp là chưa đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục", ông Tài nói.
Theo phản ánh của một số phụ huynh học Trường Tiểu học Lê Hồng Phong và Tiểu học Chu Văn An (có địa chỉ tại quận Ngô Quyền, Hải Phòng), nhiều ngày nay một số học sinh được nhà trường cho nghỉ học để phục vụ cho việc thi giáo viên dạy giỏi thành phố cấp tiểu học tại 2 trường. Học sinh nghỉ ở nhà là những em có học lực kém.
Bình luận