Cục thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) hôm 27/6 dự đoán sóng nhiệt tại các khu vực Seattle, Portland sẽ là một trong những đợt thời tiết cực đoan nhất trong lịch sử, với tình trạng nắng nóng “đe dọa đến tính mạng”.
Mỹ cảnh báo nhiệt độ "đe dọa tính mạng"
Thành phố Seattle và Portland, Mỹ đạt nhiệt độ kỷ lục hôm 26/6 (42,2 độ C và 39,4 độ C) khi khối không khí nóng cực đoan tràn đến Tây Bắc Thái Bình Dương. “Đây rất có khả năng sẽ là một trong những đợt sóng nhiệt cực đoan và kéo dài nhất trong lịch sử khu vực”, NWS cảnh báo. Kỷ lục nhiệt độ trước đó của thành phố Portland là 41,7 độ C năm 1965 và 1981. Trong khi đó Seattle mới chỉ vượt mức 37,7 độ C (100 độ F) lần thứ 4 trong lịch sử.
Cư dân khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương không thường được trang bị để đối mặt với nắng nóng, nhiều nhà không có điều hòa. Với đợt nhiệt cực đoan mới, đã có những báo cáo về tình trạng “cháy hàng” quạt và điều hòa ở khu vực này.
Cơ quan chức năng một số thành phố Mỹ thậm chí phải khuyến cáo cư dân đi đến các “trung tâm làm mát” của thành phố nếu cần thiết, đặc biệt khi nhà không có điều hòa, tăng giới hạn số người được tụ tập ở trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim và bể bơi,... Bên cạnh đó, người dân được khuyên uống đủ nước, che chắn đầy đủ.
Hạt Multnomah, Oregon, nơi có thành phố Portland cảnh báo hệ thống giao thông công cộng có thể bị đình trệ do mất điện và nhu cầu năng lượng tăng cao dành cho các dịch vụ y tế khẩn cấp.
Lĩnh vực nông nghiệp và bảo tồn hoang dã ở khu vực cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Canada: Doanh nghiệp đóng cửa vì nóng
Nhiệt độ tại Canada cũng “xô đổ” mọi kỷ lục từ trước đến nay. Hôm 27/6, nhiệt độ ở Lytton, miền Nam British Columbia chạm mức 46,1 độ C. Nhiệt độ kỷ lục trước đó ở nước này là 45 độ C ở Saskatchewan vào năm 1937. Cả miền Tây Canada vẫn đang duy trì cảnh báo nắng nóng.
Ít nhất 54 kỷ lục nhiệt đã bị phá ở British Columbia chỉ trong một ngày.
Nhà khí tượng học Arman Castellan nói: “Những ngày tới nhiệt sẽ tiếp tục tích lũy". Ông cho biết việc nhiệt độ ở khu vực tiếp tục phá kỷ lục mọi thời đại là một khả năng có thật, và biến đổi khí hậu sẽ khiến các đợt nóng xảy ra thường xuyên hơn và kéo dài hơn.
“Nhiệt độ cao nhất trong ngày có thể còn tăng nên người dân cần chú ý các thông báo chính thức”, cơ quan môi trường Canada cho biết.
Khu vườn Burtchart Garden ở Victoria, Canada thông báo đóng cửa cho tới 30/6 vì nắng nóng. Các trường học ở Mission và Langley đều thông báo nghỉ học hôm 28/6. Trung tâm y tế Fraser, Island thông báo sắp xếp lại điểm và thời gian tiêm chủng vaccine COVID-19 ở những nơi mát mẻ hơn.
Sóng nhiệt càn quét châu Âu
Sóng nhiệt thiêu đốt kỷ lục cũng đang càn quét đông Âu và Siberia. Cư dân Kyiv, Belgrade và Budapest trải qua tháng 6 nóng kỷ lục, một loạt vụ chết đuối xảy ra ở sông và hồ bơi khi đông người đi tắm hạ nhiệt. Tại Ukraine, một số cư dân bỏ qua cảnh báo của chính quyền về vấn đề vệ sinh và vẫn tập trung tại các bãi biển để tránh nóng.
Nhiệt độ tại Moskva đạt mức cao nhất từ năm 1901 vào 23/6, 34,8 độ C, nhiệt độ ở Đông Siberia lên trên 30 độ C.
Trong khi đó một số cơn mưa giông đã giúp hạ nhiệt trong vài ngày ở Tây Âu, sau khi nhiệt độ đạt mức trên 30 độ C.
Ủy ban châu Âu EC cho biết một đội 11 máy bay và 6 trực thăng đã chuẩn bị sẵn sàng để giúp đỡ các nước thành viên đối phó với cháy rừng trong những tháng tới, khi nhiệt độ dự kiến tiếp tục cao trên trung bình từ tháng 6 đến tháng 9.
Nhiệt độ tại Bulgaria trong tuần này dự kiến tăng đến 39 độ C. Tại Romania, 7 khu vực bao gồm thủ đô Bucharest đang ở mức cảnh báo đỏ khi nhiệt độ chạm 41 độ C. Quan chức thời tiết của Anh nhận định các mức nhiệt phá kỷ lục sẽ tiếp tục được thiết lập trong đợt nóng này. Tình trạng sóng nhiệt cực đoan thường được dự đoán xảy ra ở Nam Âu mỗi 100 năm một lần nay có thể xảy ra 2 lần trong chỉ 10 năm.
Bình luận