Ngồi ô tô cũng cần tránh nắng
Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc đang trải qua đợt nắng nóng kéo dài với nền nhiệt 37-38 độ C, chỉ số tia UV dao động ngưỡng 7, 8 - có hại cho sức khỏe con người khi tiếp xúc trực tiếp.
BS Đặng Bích Diệp, khoa Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, hiện có nhiều người chủ quan khi ra ngoài trời nắng, tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Có người thậm chí còn không đeo khẩu trang, mũ nón hay mặc áo dài tay, đặc biệt là những người ngồi trong xe ô tô. Việc này làm tiềm ẩn nguy cơ gây ra các bệnh về da đặc biệt nguy hiểm, trong đó có ung thư.
Theo BS Diệp, tia UV có khả năng xuyên qua cửa kính ô tô, gây hại cho da lái xe ở thời tiết nắng gắt như hiện nay. Vì vậy, những người làm nghề thường xuyên phải lái xe trên đường, nếu không phòng tránh cẩn thận, có thể bị lão hóa da sớm, cháy nắng, bỏng nắng, tăng sắc tố da, nám má, thậm chí là ung thư da.
Chuyên gia cũng cảnh báo thêm về tình trạng sốc nhiệt khi ngồi lâu trên ô tô. Theo đó, nhiều người có thói quen đặt nhiệt độ bên trong xe rất thấp mà không biết rằng, đây chính là nguyên nhân hiểm gây sốc nhiệt. Đặc biệt là với lứa tuổi trẻ em và người già, người có tiền sử mắc các bệnh mãn tính.
“Không gian bên trong xe vốn có thêm nhiều CO2, do nhiều người có thói quen bật điều hòa ở mức nhiệt độ rất thấp, việc này rất nguy hiểm. Bởi trước khi vào và bước ra khỏi xe, nhiệt độ thay đổi đột ngột, khiến chúng ta dễ bị sốc nhiệt.
Các biểu hiện có thể là đau đầu, chóng mặt hoặc choáng váng, tim đập nhanh, thậm chí ngất xỉu hoặc đột quỵ, thậm chí mất mạng. Nguy cơ này càng cao với những ai có tiền sử tăng huyết áp, bệnh tim mạch”, BS Diệp nói.
Làm sao tránh nắng nóng trong ô tô?
BS Diệp khuyến cáo, kể cả ngồi trên xe vẫn phải thực hiện đầy đủ các biện pháp chống nắng như đang ở ngoài trời: mặc quần áo dài, che chắn vùng da hở và bôi kem chống nắng ở tay, cổ…
Để tránh nguy cơ sốc nhiệt, trước khi khởi động xe, mọi người phải tắt chế độ điều hòa A/C và quạt. Khi khởi động, lái xe cần mở hết cửa kính, bật quạt thông gió để thổi bớt khí nóng ra ngoài rồi mới đóng dần cửa, bật điều hòa.
“Tuyệt đối không được bật chế độ lạnh sâu, nhiệt độ thấp ngay mà cần phải giảm dần mức độ, nhiệt độ. Ban đầu có thể bật quạt gió để thích nghi, sau đó có thể chuyển dần sang điều hòa và hạ thấp nhiệt độ”, BS Diệp nói.
Trong trường hợp dừng xe, tắt máy, lái xe cần thực hiện theo quy tắc tắt điều hòa A/C trước, sau đó tắt quạt rồi mở cửa sổ, mở cửa xe bước ra ngoài. Khi gần tới điểm đến, lái xe có thể tăng nhiệt độ cao dần lên để cơ thể thích nghi trước khi bước ra ngoài, tránh bị sốc nhiệt.
Chuyên gia da liễu cũng khuyến cáo người dân cần bổ sung đầy đủ lượng nước trong những ngày hè. Bởi cơ thế mất nước, thiếu nước cũng là một trong những nguy cơ dẫn tới sốc nhiệt, làn da cũng bị lão hóa nhanh.
Với nền nhiệt như hiện nay, mọi người cũng nên quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe thông qua chế độ ngủ nghỉ, tập luyện khoa học; chú ý bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, những món ăn giàu vitamin để có sức khỏe tốt, làn da tươi tắn, không bệnh tật…
Tia UV hay còn gọi là bức xạ cực tím “Ultraviolet radiation” từ ánh nắng mặt trời. Khi các tia UV tàn phá DNA của tế bào da, cơ thể sẽ cố gắng sửa chữa cấu trúc DNA, quá trình này làm sản sinh ra các gốc tự do độc hại. Các gốc tự do không ổn định này tiêu diệt tất cả mọi thứ trên đường đi của chúng, gây ra nếp nhăn, vết thâm nám, và ung thư da.
Tia UV bao gồm tia A (bước sóng từ 380 đến 315 nm), tia B (315 – 280 nm), tia C (280 nm).
Các tia UV có mức năng lượng khác nhau sẽ gây mức độ tác hại khác nhau đến sức khỏe và môi trường sống của con người. Tia UVA có thể xuyên qua mây mù, không khí, gây lão hóa da. Tia UVB có khả năng xuyên một phần qua tầng ozon và khí quyển, gây say nắng, tổn thương và làm đen da. Người bị bỏng nắng chủ yếu do tia này. Tia UVC năng lượng cao nhất, gây ung thư da, may mắn đã có tầng ozon chặn lại.
Bình luận