Thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao khiến nhiều người gặp vấn đề sức khỏe như viêm đường hô hấp cấp, tiêu chảy. Do thời tiết nóng, khi ra đường, người già và trẻ có thể bị say nóng, say nắng.
Thông tin từ Bệnh viện Nhi TƯcho biết, trong những ngày nắng nóng gần đây, mỗi ngày bệnh viện khám từ 2.500-2.700 bệnh nhi. Trong đó có khoảng 200 trẻ phải nhập viện. Khoảng 70-80% bệnh nhi bị sốt cao co giật, viêm mũi, viêm phổi, viêm phổi, viêm tiểu phế quản... Có trẻ sốt, tiêu chảy.
Cháu Trần T. H. (Sơn Tây, Hà Nội) bị sốt nhẹ, kêu đau bụng, mẹ cháu băn khoăn không biết có phải cháu bị rối loạn tiêu hóa hay không. Vì thời tiết này, thức ăn rất dễ hỏng. Chị đã cho cháu uống men tiêu hóa, oresol nhưng vẫn phải đi khám để biết rõ nguyên nhân. Trời nắng nóng, bệnh nhi tăng tại BV Nhi TƯ.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, Ths.BS Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi chia sẻ, do thời tiết nắng nóng, mỗi ngày khoa có hàng trăm trẻ đến khám và nhập viện, có thời gian cao điểm còn lên tới 150 trẻ. Tỉ lệ trẻ nhập viện tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai tăng từ 20-30% so với thời điểm trước nắng nóng.
Còn tại BV Lão khoa Trung ương, từ sáng sớm bệnh nhân và người nhà đến đợi khám đã chật kín. Nắng nóng khiến bệnh nhân tại đây tăng do huyết áp đột ngột tăng gây đột quỵ, tim mạch.
Bác Nguyễn Thị Bích (Kim Giang, Hà Nội) cho biết: “Tôi vốn huyết áp cao, hàng ngày đã phải dùng thuốc điều hòa huyết áp. Những ngày nắng nóng này, cứ thấy chóng mặt, tim đập thình thình. Hàng ngày tôi vẫn dậy sớm đi tập thể dục, chiều lại đi bộ nhưng những ngày này, chiều đến, tôi ở trong nhà, không dám ra ngoài.
Mấy ngày này, thấy sức khỏe thay đổi, tôi phải đi khám ngay vì sợ nhỡ cái mà chảy máu não thì rất nguy hiểm”.
TS.BS Vũ Thị Thanh Huyền – Trưởng khoa Khám bệnh (BV Lão khoa Trung ương) cho biết, tình trạng nắng nóng kéo dài trong thời gian qua khiến bệnh nhân đến khám gia tăng đáng kể, điều này tiềm ẩn nguy cơ tai biến mạch máu não rất cao đối với người cao tuổi.
Nếu như những ngày bình thường, khoa chỉ tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân/ngày. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng những ngày qua khoa Khám bệnh phải làm việc hết công xuất với lượng bệnh nhân tăng lên gấp đôi.
Cách trách bị bệnh
Viêm đường hô hấp
Viêm đường hô hấp thường có nguyên nhân do trẻ hay người già bị nhiễm lạnh. Khi nóng, mồ hôi ra nhiều làm ướt áo, nếu bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người mồ hôi sẽ bay hơi nhanh làm cho nhiệt độ giảm xuống, có thể dễ nhiễm lạnh.
Bên cạnh đó, việc bật nhiệt độ điều hòa nhiệt độ quá thấp trong phòng ngủ cũng gây cho người già, trẻ nhỏ nhiễm lạnh.
Trong điều kiện như vậy, trẻ và người già rất dễ bị viêm họng cấp, viêm VA, viêm amidan, viêm phế quản, biến chứng viêm phổi với các biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, ho, khó thở, sốt cao có thể bị co giật.
Vì vậy, để tránh bị viêm đường hô hấp trong thời tiết nóng, không nên bật quạt quá mạnh trực tiếp vào người. Nếu ra mồ hôi nhiều thì dùng khăn lau khô, không để chênh lệch nhiệt độ quá cao giữa phòng điều hòa nhiệt độ và bên ngoài (không nên để nhiệt độ chênh lệch quá 5oC).
Người dễ bị viêm họng nên hạn chế uống nước đá, ăn kem, ăn thức ăn trực tiếp từ tủ lạnh. Cần ăn đủ chất, bổ sung vitamin và chất khoáng để tăng cường sức đề kháng.
Nếu sốt, cho người bệnh uống nước oresol để bù nước và chất điện giải. Khi sốt trên 38,50C, cần uống thuốc giảm sốt và tới khám ở các cơ sở y tế để điều trị kịp thời, tránh để bệnh nặng và các biến chứng.
Người cao tuổi dễ mắc bệnh trong thời tiết này. |
Say nắng, sốc nhiệt
Theo bác sỹ Lương Quốc Chính, khoa cấp cứu, BV Bạch Mai, quản trị viên bacsinoitru.vn: Sốc nhiệt có thể giết hoặc gây tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể. Mặc dù sốc nhiệt chủ yếu ảnh hưởng tới những người trên 50 tuổi, nhưng nó cũng ảnh hưởng tới cả trẻ em và người trẻ.
Sốc nhiệt thường biểu hiện ban đầu bằng các rối loạn nhẹ hơn liên quan tới nhiệt như chuột rút do nhiệt, ngất xỉu do nhiệt, và lả nhiệt.
Nếu bạn sinh sống ở khu vực đô thị, bạn có thể đặc biệt dễ bị sốc nhiệt trong đợt nóng kéo dài, đặc biệt nếu điều kiện khí quyển trì trệ (không có gió) và chất lượng không khí kém.
Về đối tượng dễ bị say nắng, sốc nhiệt, bác sỹ Chính nói: Trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 4 tuổi và người lớn trên 65 tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương do nhiệt bởi vì họ thích nghi với nhiệt chậm hơn so với những người khác.
Người có các bệnh lý tim, phổi hoặc thận, béo phì hoặc thiếu cân, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tâm thần, bệnh hồng cầu hình liềm, nghiện rượu... đều rất dễ bị tổn thương do nhiệt.
Bản thân người sử dụng các thuốc kháng histamin, thuốc giảm cân, thuốc lợi tiểu, thuốc an thần, các thuốc kích thích, thuốc chống động kinh, thuốc tim mạch và huyết áp (thuốc chẹn beta, thuốc co mạch), và các thuốc điều trị bệnh tâm thần (thuốc chống trầm cảm và thuốc chống loạn thần)... làm tăng nguy cơ tổn thương do nhiệt. Ma túy (cocain, methamphetamin) cũng liên quan tới việc tăng nguy cơ bị sốc nhiệt.
Những người có bệnh đái tháo đường - có nguy cơ cao phải vào cấp cứu, nhập viện, và tử vong do các tình trạng rối loạn liên quan tới nhiệt.
Để tránh bị sốc nhiệt, bác sỹ Chính cho rằng, khi chỉ số nhiệt cao, tốt nhất là ở trong môi trường điều hòa. Nếu bạn phải đi ra ngoài, bạn có thể dự phòng sốc nhiệt theo các bước sau: Mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng mầu, và đội một chiếc mũ rộng vành; Sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng trên 30; Uống nhiều nước để tránh mất nước, nói chung khuyến cáo mỗi ngày uống ít nhất 8 cốc nước, nước trái cây, hoặc nước rau...
Vì các tình trạng rối loạn liên quan tới nhiệt cũng có thể là hậu quả của mất muối, do vậy khuyến khích sử dụng/bổ sung đồ uống thể thao giầu chất điện giải trong thời gian nhiệt độ và độ ẩm cao (trong các đợt nóng).
Tiêu chảy do Rotavirus
Vào hè, thời tiết nóng bức khiến người mắc bệnh về tiêu hóa tăng vọt, đặc biệt là trẻ em. Theo Thạc sỹ- bác sỹ Hoàng Thị Năng, bệnh viện đa khoa Medlatec, nguyên nhân gây tiêu chảy cấp thường gặp trong mùa hè bao gồm: lị trực khuẩn, E.coli, Rotavirus….
Không chỉ với người lớn, virus Rota rất hay nhiễm vào trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt với trẻ dưới 2 tuổi. Ở nước ta, tiêu chảy cấp do Rotavirus trung bình chiếm khoảng 54% các trường nhập viện do vấn đề về tiêu hóa.
Nhiều bà mẹ băn khoăn, không biết khi nào con nhiễm Rota virus, lị trực khuẩn hay do khuẩn E.coli.
Trao đổi với phóng viên, bác sỹ Hoàng Thị Năng tư vấn: Để có kết luận chính xác trẻ em hay người già bị tiêu chảy do nguyên nhân gì nên soi phân, chỉ 1 giờ là có kết quả. Riêng với khuẩn E.coli cần phải cấy phân thời gian để có kết quả khá lâu từ 5 – 7 ngày. Tuy nhiên, dựa trên triệu chứng lâm sàng có thể chẩn đoán trẻ bị tiêu chảy do Rota virus, lị trực khuẩn hay E.coli.
Cũng theo bác sĩ Năng, người mắc Rota virus thường đi ngoài nhiều từ 5 – 7 lần/ngày có lúc hơn 10 lần/ngày. Phân thường lỏng, tóe nước, gợn trắng, không nhầy, không có máu, mùi tanh nồng, màu vàng nhạt.
Người mắc Rota virus thường nôn, sốt trước khi tiêu chảy 4- 6 tiếng, sốt nhẹ từ 38 - 38,5 o C. Cơ thể mệt mỏi.
Tùy thể trạng mất nước của bệnh nhân, bác sỹ sẽ có hướng điều trị như bù nước. Nếu mất nước độ A, bệnh nhân được cho uống Oresol, nếu độ B, C thì phải vào viện truyền nước và điện giải. Bệnh nhân còn được cho uống men vi sinh để cân bằng vi khuẩn đường tiêu hóa, bổ sung kẽm. Kẽm có tác dụng tái tạo niêm mạc ruột, giảm lượng nước tiết ra theo phân.
Người mắc Rota virus bị mất nước rất nhanh do nôn và đi phân ra nước, nếu không điều trị, rất dễ gây tử vong, nhất là ở trẻ.
Bệnh nhân mắc lị trực khuẩn có số lần đi ngoài ít hơn, khoảng 5 – 7 lần/ngày. Tiêu chảy do lị trực khuẩn có gây sốt, ít khi nôn.Người bị lị trực khuẩn phân lúc đầu lỏng, nhiều nước trong ngày đầu, ngày thứ 2 phân nhầy, lờ lờ máu hồng, hay bị đau bụng, ở trẻ nhỏ sẽ quấy khóc nhiều. Triệu chứng mót rặn.
Khi soi phân, trong phân có hồng cầu và bạch cầu. Kết hợp triệu trứng lâm sàng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc có kháng sinh. Lỵ trực khuẩn ít gây mất nước hơn Rota virus nhưng nếu không điều trị, để lâu đi ngoài ra máu, sẽ bị sa trực tràng.
Bác sĩ Năng lưu ý: Với trẻ đang bú mẹ, khi bị lồng ruột nhưng dễ bị chẩn đoán nhầm với mắc lị trực khuẩn. Vì khi đó, trẻ bị lồng ruột có triệu chứng khá giống với mắc lị trực khuẩn như đau bụng, nôn đi ngoài ra máu, khóc thét từng cơn.
Với bệnh nhân bị tiêu chảy do khuẩn E.coli: Triệu chứng là tiêu chảy nhiều, ít khi phân có nhầy và máu. Ngày đầu trẻ sẽ sốt 38 – 39 o C kèm tiêu chảy. Khi đó, bệnh nhân cần bù nước bằng cách uống Oresol.
Bác sỹ Hoàng Thị Năng cho biết: Rotavirus, khuẩn E.coli, lị trực khuẩn xuất hiện ở khắp nơi, lây nhiễm phổ biến qua đường tiêu hoá, do sự lan truyền từ phân người mang mầm bệnh lên các đồ vật trong môi trường như bàn tay, đồ dùng, đồ chơi…
Tác nhân gây tiêu chảy sống lâu trong môi trường nên có tính lây lan mạnh từ người sang người, dễ lây thành dịch, nhất là tại các trường mẫu giáo, tiểu học, những nơi công cộng, gia đình, bệnh viện.
Vệ sinh phòng bệnh là chủ yếu vì bệnh lây theo con đường phân - miệng: Phân người bị bệnh làm nhiễm bẩn thức ăn, nước uống. Cá thể khác khi ăn uống phải thức ăn, nước uống này sẽ bị tiêu chảy.
Vì vậy, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, ăn sạch, uống sôi, đặc biệt ở những nơi có người đang mắc bệnh là cách phòng bệnh tốt nhất.
Với trẻ nhũ nhi, có thể uống vắc xin phòng Rota virus, nên uống vào tháng thứ 3 và tháng thứ 4, uống trước 6 tháng sẽ cho hiệu quả tốt nhất.
Khi mắc bệnh, cần nhận biết những dấu hiệu sớm của bệnh. Nếu được điều trị, chăm sóc đúng và kịp thời, bệnh hoàn toàn khỏi không để lại hậu quả gì.
» Tại sao chỉ vì một nụ hôn, trẻ có thể gặp 'tử thần'?
» Bất ngờ với 'bệnh lạ' gây chết người hàng loạt
» Hé lộ nguyên nhân khiến nhiều người chết vì 'bệnh lạ'
» Bé 1 tuổi tử vong ở BV Hồng Ngọc: Diễn biến mới nhất
» Căn bệnh nhiễm trùng máu, hoại tử tay chân dẫn đến tử vong
Nam Anh
Bình luận