• Zalo

Nâng mức giảm trừ gia cảnh: 'Bộ Tài chính đề xuất quá chậm chạp'

Thị trườngThứ Sáu, 06/03/2020 06:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh để tính thuế thu nhập cá nhân theo biến động chỉ số giá tiêu dùng của Bộ Tài chính đang không được nhiều chuyên gia đồng tình.

Tại công văn lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên mức 11 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng.

Đánh giá về tác động của đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết, việc điều chỉnh nâng mức sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng so với thời điểm năm 2013.

Đối với xã hội, việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh sẽ đảm bảo thực hiện mục tiêu chính sách  hợp lý, công bằng. Việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cũng góp phần điều tiết hợp lý thu nhập, thực hiện công bằng xã hội.

"Mức 11 triệu đồng được đưa ra dựa trên các nghiên cứu kỹ lưỡng và được đánh giá là phù hợp với các biến động của tình hình kinh tế, xã hội hiện nay", đại diện Bộ Tài chính khẳng định.

Tuy nhiên, nhiều người dân và chuyên gia lại không đồng tình với đề xuất này.

Nâng mức giảm trừ gia cảnh: 'Bộ Tài chính đề xuất quá chậm chạp' - 1

Giá cả hàng hóa liên tục "leo thang" trong khi mức giảm trừ gia cảnh được đề xuất vẫn quá thấp. (Ảnh minh hoạ).

Lương tăng chậm, vật giá lại 'leo thang' không ngừng

Là một gia đình cơ bản với 4 thành viên sống ở thành phố lớn, chị Hà (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, tổng thu nhập của hai vợ chồng chị là 27 triệu đồng/tháng. So với thời điểm 7 năm trước, mức thu nhập này có thể là cao, nhưng vẫn không thể theo kịp đà tăng của vật giá. "Không nói đâu xa, chỉ một vài tháng gần đây thôi, giá thực phẩm đã tăng chóng mặt, nhất là thịt lợn, rau củ quả. Cầm tiền đi chợ mỗi ngày mà thấy phát hoảng vì nhiều khi 100.000 đồng không đủ để sắm đồ tươm tất cho bữa ăn một ngày. Đấy là chưa kể hàng loạt chi phí sinh hoạt cũng như những nhu cầu học hành tối thiểu của hai con. Vì vậy, khi chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ thì mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc chỉ có 4,4 triệu đồng/tháng là không phù hợp với thực tế hiện nay”, chị Hà nói.

Cũng như chị Hà, anh Minh (ở Liên Chiểu, Đà Nẵng) chia sẻ, so với năm 2013, mặc dù cả hai vợ chồng đều được tăng lương nhưng trong khi lương tăng ít thì giá cả lại "leo thang" nhanh chóng. Theo anh Minh, mức giảm trừ gia cảnh cho thu nhập cá nhân phải lên 15 - 16 triệu đồng cho người nộp thuế và 6 - 7 triệu đồng cho người phụ thuộc thì người dân mới bớt áp lực về mặt tài chính. "Mức giảm trừ cho người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng như Bộ Tài chính đề xuất không đủ chi phí ăn học cho một đứa trẻ", anh Minh khẳng định.

Chị Thanh Hương ở Vĩnh Tuy, Hà Nội băn khoăn: "Bộ Tài chính thống kê chỉ số CPI cuối tháng 12/2019 so với thời điểm 1/7/2013 đã tăng 23,2%. Nhưng mức tăng thực tế trên thị trường hơn vậy nhiều lần. Nếu tính mức giảm trừ gia cảnh để tính thuế thu nhập cá nhân dựa trên mức tăng này thì không hợp lý". Hơn nữa, theo chị Hương, mức đề xuất của Bộ Tài chính không nên đánh đồng ở mọi khu vực. Vì, với nông thôn và miền núi, mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc có thể là cao. Nhưng tại các TP lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, mức giảm trừ gia cảnh này không đảm bảo mức chi tiêu tối thiểu của người dân.

Không phù hợp với hiện tại, lạc hậu với tương lai

Trả lời VTC News, nói về sự bất hợp lý trong đề xuất của Bộ Tài chính, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhận định: “Tháng 12/2019 đã có số liệu CPI nhưng đến cuối tháng 2 mới đề xuất mức giảm trừ gia cảnh, như thế là quá chậm. Trong khi đó, dù mức giảm trừ gia cảnh mới được áp dụng cho kỳ tính thuế của năm nay, nhưng hàng tháng đơn vị chi trả thu nhập vẫn tạm khấu trừ thu nhập của người nộp thuế thu nhập cá nhân theo mức hiện hành. Và đến tận năm sau mới được hoàn lại tiền thuế. Như vậy là không có lợi cho người lao động”.

Chỉ tính riêng từ năm 2013 đến nay, lương cơ sở đã được điều chỉnh tăng 4 lần, lương tối thiểu vùng cũng được điều chỉnh tăng hàng năm trong khi đó Bộ Tài chính đến nay mới đề xuất mức giảm trừ gia cảnh.

Hơn nữa, việc lấy 9 triệu đồng x 1,23% để ra con số mức giảm trừ gia cảnh cá nhân người chịu thuế là 11 triệu đồng; và 3,6 triệu đồng x 1,23% cho người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng cũng bị đánh giá là cách tính máy móc, không hợp lý. Vì Bộ Tài chính chỉ đang tính đến CPI cơ bản mà không tính đến CPI tổng thể. Trong khi đó, ngoài giá cả thì còn rất nhiều các yếu tố khác cũng ngày càng tăng như nhu cầu đời sống, giải trí, chi phí cho sức khỏe...

"Việc áp dụng cách tính bất hợp lý như hiện nay sẽ khó tránh khỏi chuyện chính sách không theo kịp thực tế đời sống. Hiện nhu cầu đời sống của người dân càng ngày càng tăng, vì thu nhập tăng, đời sống cũng lên cao. Do đó, ngoài yếu tố giá, phải tính theo biến động của nhu cầu đời sống người dân lên cao, đòi hỏi mức miễn trừ gia cảnh phải tăng lên", ông Long nói.

Cùng quan điểm với ông Long, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng đánh giá: "Mức 11 triệu đồng/tháng/người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng/người bị phụ thuộc là quá thấp so với hiện tại chứ chưa nói gì đến những năm tiếp theo. Trải qua hơn 10 năm áp dụng Luật thuế thu nhập cá nhân, có thể thấy rằng mỗi lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phải cách nhau 5-7 năm.

Quy định CPI phải tăng trên 20% mới tiếp tục điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cũng rất bất cập, mức giảm trừ gia cảnh được đề xuất cũng chỉ tương ứng với chỉ số trượt giá tính đến cuối năm 2019, người nộp thuế lại phải chịu thiệt từ năm 2020 đến lần điều chỉnh tiếp theo, trong khi giá cả hàng hóa leo thang từng ngày".

Ngoài ra, trong trường hợp, lạm phát chỉ chạm mức 20% kéo dài trong nhiều năm, thì người nộp thuế sẽ chịu thiệt. 

Ông Hiển đề xuất: "Nếu căn cứ mức CPI tăng 20% trong giai đoạn tính, thì về nguyên tắc, phải sau 5-7 năm chúng ta mới thay đổi được mức giảm trừ gia cảnh. Vì vậy, mức mức giảm trừ gia cảnh cần phải tính đến mức tăng trưởng của năm 2025, nghĩa là phải tăng ít nhất 30-35% so với mức đề xuất. Như vậy thời kỳ đầu có thể cao nhưng đến nửa sau chu kỳ là cân bằng”.

"Thuế thu nhập cá nhân được tính một cách rất rõ ràng với người lao động làm công ăn lương và tác động trực tiếp vào đối tượng này, nên nếu không có quy định hợp lý thì đây sẽ là đối tượng chịu thiệt thòi", ông Hiển nhấn mạnh.            

Theo Bộ Tài chính, cơ sở để Bộ đưa ra đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh để tính thuế thu nhập cá nhân là căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13 (Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân): “Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê cung cấp, chỉ số CPI tại thời điểm cuối tháng 12/2019 so với thời điểm 1/7/2013 (ngày có hiệu lực của Luật số 26/2012/QH13) tăng 23,2%.

Lan Hương
Bình luận
vtcnews.vn