Nông dân 'cắn răng' chặt hàng nghìn ha cây trồng
Nhiều tháng qua, tại tỉnh Gia Lai, thời tiết nắng nóng gay gắt dẫn đến nhiều ao, hồ, suối bị cạn, không có nước để tưới cây công nghiệp, cây ăn quả.
Hàng nghìn ha cà phê, hồ tiêu của người dân bị chết héo, không còn cách cứu chữa, người dân đành phải bấm bụng chặt hạ.
Thẫn thờ nhìn rẫy cà phê của gia đình bị cháy lá, phải chặt bỏ xếp thành từng đống, anh Nguyễn Bá Huấn (xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ) thở dài: "Chưa có năm nào ở đây nắng hạn kéo dài như vậy. Nhà tôi có rẫy cà phê hơn 1ha, tái canh tác cách đây được 3 năm, đang trong giai đoạn thu bói.
Tuy nhiên, nắng nóng kéo dài, mấy con suối quanh đây đều khô cạn, giếng khoan thì hết nước nên không thể tưới cho cây trồng được. Giờ cây khô lá, chết cháy nên đành phải chặt bỏ. Ước tính thiệt hại của gia đình tôi trong đợt hạn này là hơn 120 triệu đồng".
Tương tự như anh Huấn, vườn cà phê hơn 2,5ha của gia đình anh Phan Đình Tĩnh (xã Ia Krai, huyện Ia Grai) mọi năm đều cho thu lời hơn 100 triệu đồng thì nay nhiều cây đã chết khô, số còn lại bắt đầu héo lá do thiếu nước tưới vì nắng hạn.
Tay nắm lấy từng nhúm lá héo dần trên cây, anh Tĩnh buồn bã: “Vườn cà phê này gia đình tôi trồng cũng được gần 10 năm, nhưng chưa thấy năm nào nắng hạn kéo dài như năm nay.
Chúng tôi tìm mọi cách từ đào giếng đến giếng khoan, rồi kéo ống từ suối tít xa về lấy nước tưới nhưng chưa được bao nhiêu thì hồ đã trơ đáy. Nhìn cả vườn cây chết cháy mà não ruột, nhưng cũng chẳng biết làm cách nào".
Trước nguy cơ hơn 1,2ha cà phê mà gia đình trồng 7 năm sắp phải chặt bỏ vì chết khát, anh Nguyễn Văn Tâm (xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ) cho biết: "Mặc dù tôi đã tưới nước được 7 đợt nhưng đến nay không còn nước nên đành bất lực nhìn cây càng ngày càng rụng lá, cháy khô.
Không có nước tưới thì cây chết, nhưng lấy đâu ra tiền mà mua nước bình về tưới. Dù mọi năm, thời điểm này đã vào mùa mưa, nhưng cả tháng nay, tôi trông ngày trông đêm chờ mưa cũng không có cơn mưa nào".
“Rẫy cà phê này năm ngoái gia đình tôi thu hơn 250 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình, giờ sắp phải chặt bỏ thấy xót lắm. Mùa này không những mất trắng mà chặt bỏ cây rồi trồng lại phải 3 năm nữa mới có thu”, anh Tâm ngao ngán.
Chỉ biết cầu mưa
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, tính đến 15/5, toàn tỉnh có 12 huyện, thị xã, thành phố gồm: Đak Đoa, Chư Pah, Mang Yang, Chư Sê, Kbang, Đak Pơ, Chư Pưh, Chư Prông, Đức Cơ, thị xã Ayun Pa, thị xã An Khê và TP. Pleiku có cây trồng bị thiệt hại do hạn hán với diện tích 2.875,97ha.
Trong đó, 1.209,54ha cây trồng bị thiệt hại trên 70%, 1.495,94ha thiệt hại từ 30-70% và 170,49ha thiệt hại dưới 30%, ước tổng thiệt hại trên 53,2 tỷ đồng.
Trước tình trạng hàng nghìn ha cây trồng của địa phương đang dần bị chặt bỏ vì thiếu nước mùa nắng hạn, ông Rơ Châm Khiêm, Chủ tịch UBND xã Ia Pnôn (huyện Đức Cơ) lo lắng: "Mặc dù địa phương đã chủ động trong công tác phòng-chống hạn, tuy nhiên do thời tiết nắng nóng kéo dài, nguồn nước ở một số con suối, giếng khoan đã cạn kiệt, không còn đảm bảo nước tưới dẫn đến nhiều diện tích cà phê khô héo, cháy lá là không thể tránh khỏi.
Nếu trong thời gian tới không có mưa thì cà phê của bà con mất mùa rất rõ ràng. Thậm chí, nhiều diện tích cà phê có nguy cơ phải chặt bỏ sẽ tăng lên".
Ông Trịnh Văn Thành, Phó Chủ tịch huyện Đức Cơ cho biết: "Trước tình hình nắng hạn kéo dài làm ảnh hưởng đến cây trồng của bà con, UBND huyện cũng đã chỉ đạo các xã phối hợp với cán bộ, công chức Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại, lập hồ sơ trình UBND huyện xem xét, chỉ đạo khắc phục thiệt hại do hạn hán gây ra".
Video: Lúa cháy khô, cây trái héo rũ vì hạn mặn
Bình luận