Rác thải tại các khu du lịch là vấn đề nan giải, đặc biệt là khi cả nước quay trở lại trạng thái bình thường mới, mọi hoạt động kích cầu du lịch được triển khai.
Chính vì thế, thời gian qua, hộp thư “Giảm thiểu ô nhiễm – Bảo vệ môi trường và hành động của bạn” do Kênh Sức khỏe và An toàn thực phẩm (Đài Tiếng nói Việt Nam) thực hiện nhận được rất nhiều câu hỏi, ý kiến của các thính giả trên khắp cả nước xoay quanh vấn đề rác thải tại các khu du lịch.
Để cung cấp cho thính giả các thông tin hữu ích về vấn đề này, hộp thư chọn chủ đề số 2 là “Xử lý rác thải tại các khu du lịch” để tiếp nhận ý kiến thính giả. Theo đó, một tài khoản facebook là Tâm Tâm gửi ý kiến về trang Fanpage VOV FM89 – Tận tâm vì sức khỏe người Việt với nội dung như sau:
“Nhà tôi ở khu du lịch Sầm Sơn, mỗi ngày rác thải từ hoạt động du lịch rất nhiều, thu gom không xuể, tôi luôn băn khoăn nếu kéo dài tình trạng này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của du lịch tại địa phương?”
Với câu hỏi này, hộp thư mời bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam giải đáp. Theo bà Lan, việc để ô nhiễm môi trường, ô nhiễm rác thải tại các khu du lịch sẽ ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động du lịch địa phương.
"Nếu như chúng ta không gìn giữ và bảo vệ môi trường, những điểm du lịch, khu du lịch nổi tiếng thu hút du khách sẽ trở nên kém hấp dẫn trong con mắt của bạn bè quốc tế cũng như du khách trong nước", bà Lan cho biết.
Thống kê cho thấy, hiện nay, TP Sầm Sơn có tới gần 500 khách sạn, hàng trăm nhà hàng ăn uống, từ đó mà lượng nước thải, rác thải mỗi năm của thành phố cũng không hề nhỏ.
Theo thống kê của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Dịch vụ du lịch Sầm Sơn, trong thời gian cao điểm đón khách dịp hè, mỗi ngày đơn vị thu gom từ 130 - 150 tấn rác thải. Chưa kể, những tháng mùa mưa, lượng rác thải phát sinh trôi dạt vào bờ biển có thể lên tới hàng nghìn tấn. Cụ thể, mùa mưa năm 2019, lượng rác thải phát sinh tại khu vực bãi biển lên tới 5.000 tấn; năm 2020 trên 1.000 tấn. Còn ở thời điểm dịch bệnh, vắng khách như hiện nay, mỗi ngày thành phố cũng có tới 90 - 100 tấn rác thải - một con số khổng lồ.
Về vấn đề ô nhiễm rác thải tại các khu du lịch, bạn Lê Giáp (email: [email protected]) chia sẻ băn khoăn của mình:
“Hiện tại, du lịch đang phục hồi, lượng rác thải ra tại các địa điểm danh lam thắng cảnh lại tăng lên rất nhanh. Tôi thắc mắc trách nhiệm thu gom rác, bảo vệ môi trường các địa điểm du lịch này thuộc về ai?
Với câu hỏi này, bà Văn Thị Minh Hoa - chuyên gia môi trường trả lời bạn thính giả như sau:
"Đối với vấn đề bảo vệ môi trường, toàn dân đều phải tham gia. Đó là việc chúng ta phải làm, không phải cho chính mình mà còn cho con cháu mình mai sau. Không chỉ du khách mà tất cả người dân đều phải có ý thức bảo vệ môi trường, cùng với đó là sự vào cuộc của chính quyền. Tôi nghĩ rằng, đây không phải là việc chỉ ngồi để nói nữa mà phải hành động ngay bằng cách xây dựng chương trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức, từ các cơ sở lưu trú cho đến nâng cao nhận thức hành vi của du khách. Hiện nay, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng đang có các chương trình hành động phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam để gửi đến các địa phương cùng chung tay thực hiện nhằm bảo vệ môi trường khu du lịch".
Qua câu trả lời của chuyên gia có thể thấy rằng, việc thu gom xử lý rác thải tại các khu du lịch không chỉ là trách nhiệm riêng của người dân và chính quyền địa phương sở tại mà còn là trách nhiệm của du khách và các đơn vị làm dịch vụ du lịch. Cụ thể, Điều 59 và điều 66, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định:
Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, phân loại, chuyển rác thải vào từng loại thùng chứa rác công cộng hoặc đúng nơi quy định tập trung rác thải, không để vật nuôi gây mất vệ sinh nơi công cộng.
Tổ chức, cá nhân quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung và khu vực công cộng khác có trách nhiệm bố trí nhân lực thu gom chất thải, làm vệ sinh môi trường trong phạm vi quản lý, có kiểm tra, giám sát.
Cá nhân đến khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch phải thực hiện các nghĩa vụ tuân thủ quy định, quy chế giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, thải bỏ chất thải đúng nơi quy định, hạn chế phát sinh chất thải nhựa.
Nếu mỗi cá nhân, khách du lịch, tổ chức... có ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế xả rác ra môi trường thì các khu du lịch sẽ giảm bớt tình trạng ô nhiễm rác thải nặng nề như hiện nay, trả lại cảnh quan không gian trong sạch, thoáng đãng vốn có, đồng thời không làm xấu đi hình ảnh du lịch của nước nhà trong con mắt bạn bè quốc tế.
Bình luận