Sáng 17/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Đề án 5181 của Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo bản thảo Đề án “Hỗ trợ thông tin và tuyên truyền về quốc phòng, an ninh, dân tộc và chính sách dân tộc” (Đề án 5181). Trung tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - Thành viên Ban Chỉ đạo, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 5181 chủ trì hội thảo.
Tham gia hội thảo có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Soạn thảo, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, Tổ Biên soạn Đề án 5181; đại biểu Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc ban, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn và đại biểu một số cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường; các chuyên gia, nhà khoa học, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài quân đội.
Hội thảo lần này nhằm trao đổi, thảo luận, làm rõ vị trí, vai trò của công tác thông tin, tuyên truyền về quốc phòng, an ninh, dân tộc và chính sách dân tộc thời gian qua; cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn, tính khả thi của việc xây dựng Đề án 5181; quan điểm, mục tiêu, phạm vi, đối tượng, nhiệm vụ và những giải pháp hỗ trợ thông tin và tuyên truyền về quốc phòng, an ninh, dân tộc và chính sách dân tộc thuộc các tỉnh địa bàn biên giới đất liền thời gian tới.
Đồng thời, phát huy trách nhiệm, trí tuệ, kinh nghiệm của thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Soạn thảo, các chuyên gia, nhà khoa học trong tham gia góp ý nội dung bản thảo Đề án, bổ sung cơ sở khoa học giúp Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo và Tổ Biên soạn hoàn thiện hồ sơ, bản thảo Đề án báo cáo Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng tiến độ.
Đề án 5181 được Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Ủy ban Dân tộc thực hiện nhằm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về quốc phòng, an ninh, dân tộc và chính sách dân tộc trong tình hình mới.
Đề án được triển khai, áp dụng ở các địa bàn các tỉnh biên giới đất liền, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tiếp giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia. Đề án được thực hiện từ 2024 - 2030, chia làm 02 giai đoạn: Giai đoạn I (từ cuối năm 2024 đến hết năm 2026); Giai đoạn II (từ đầu năm 2027 đến hết năm 2030).
Sau hai tháng tích cực triển khai kế hoạch hội thảo bản thảo Đề án, Ban Tổ chức đã nhận được 52 tham luận, ý kiến tham gia của các tướng lĩnh, chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ các cơ quan chức năng, các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và một số cơ quan, đơn vị, viện nghiên cứu, học viện, nhà trường quân đội. Ban Tổ chức đã lựa chọn, biên tập 12 tham luận đăng Kỷ yếu phục vụ Hội thảo.
Các tham luận đăng kỷ yếu và các ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội thảo đều bám sát chủ đề, nội dung định hướng của Ban Tổ chức, thực tiễn tình hình thế giới, trong nước, quân đội và các cơ quan, ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh biên giới đất liền; nhiều ý kiến đi sâu phân tích, luận giải, làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn về công tác thông tin, tuyên truyền về quốc phòng, an ninh, dân tộc và chính sách dân tộc, đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp tăng cường hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về quốc phòng, an ninh, dân tộc và chính sách dân tộc thuộc các tỉnh địa bàn biên giới đất liền làm cơ sở giúp Ban Soạn thảo tiếp tục bổ sung, hoàn thiện bản thảo và hồ sơ Đề án báo cáo cấp có thẩm quyền và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bảo đảm chất lượng và tiến độ thời gian.
Bình luận