• Zalo

Nạn nhân chất độc da cam là người đau khổ nhất trong những người đau khổ

Tin nhanh 24hThứ Ba, 26/05/2020 16:16:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Nạn nhân chất độc da cam là người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ.

Ngày 26/5, tại Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam tổ chức lễ phát động Giải báo chí “Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh Việt Nam” lần thứ I, năm 2020-2021. Cuộc thi nhằm hướng tới kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2021).

Phát biểu tại Lễ phát động, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam nêu rõ: “Chiến tranh đã lùi xa 45 năm nhưng hơn 3 triệu người Việt Nam vẫn mang di họa của chiến tranh.

Chất độc da cam đã làm cho hàng triệu trẻ em sinh ra trong hòa bình bị dị dạng, dị tật, nhiều người sống đời sống thực vật; chất độc da cam di truyền sang cả thế hệ thứ 3, thứ 4. Nhiều phụ nữ không được hạnh phúc làm vợ, làm mẹ, hàng vạn người đang phải sống quằn quại trong đau đớn vì bệnh tật".

Do bệnh tật dẫn đến đói nghèo, họ là người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ.

Nạn nhân chất độc da cam là người đau khổ nhất trong những người đau khổ - 1

Lễ phát động Giải báo chí “Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh Việt Nam” lần thứ I.

 

Thực tế đó là những đề tài phong phú cho các nhà văn, nhà báo, cộng tác viên khai thác, phản ánh bản chất của cuộc chiến tranh hóa học, nỗi đau của dân tộc, nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam. Thông qua đó kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tiếp tục đồng hành, chia sẻ, chung tay giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam nhiều hơn nữa”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh chia sẻ.

Ông Rinh đề nghị, các cơ quan báo chí, các tổ chức, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin các cấp động viên, khuyến khích, tạo mọi điều kiện để các nhà báo, các cộng tác viên và nhân dân cả nước tích cực tham gia cuộc thi, có nhiều tác phẩm xuất sắc, hấp dẫn có sức lan tỏa mạnh mẽ, tính giáo dục cao, góp phần vào thành công của cuộc thi.

Tại buổi lễ, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, dù cuộc chiến tranh bảo về Tổ quốc đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng đối với những nạn nhân chất đốc da cam thì cho đến nay, cuộc chiến chưa bao giờ tắt.

"Đằng sau cuộc chiến khủng khiếp kéo dài mấy chục năm vẫn còn là một cuộc chiến khác. Nỗi đau da cam kéo rất dài, đến 3, 4 thế hệ còn chưa kết thúc.

Những cuộc vận động thế này sẽ có tác động xã hội rất tốt, đặc biệt là những bài báo hay sẽ tác động rất nặng đến xã hội. Sau giải này, chúng ta có thể tổ chức dịch các bài sang tiếng Anh để những bài báo đó có thể đi ra nước ngoài, đặc biệt là sang Mỹ, góp phần để Mỹ cùng chúng ta khắc phục hậu quả của cuộc chiến này", nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ.

Theo Ban Tổ chức, kết quả cuộc thi sẽ được công bố và trao thưởng vào dịp kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2021). Trong đó có giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc và bằng khen cho tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong chỉ đạo, triển khai tổ chức hoạt động sáng tác các tác phẩm báo chí xuất sắc về đề tài này.

Video: Cô bé nhiễm chất độc da cam từ chối đặc cách, quyết "vượt vũ môn"

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn