Khi gia đình chị Lê Thị Thanh Huyền dường như đã mất hết hy vọng, thì các giáo sư thuộc Liên hiệp các Hội khoa học, kỹ thuật Việt Nam quyết định vào cuộc.
Đã qua thất tuần mà thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ Nguyễn Mạnh Tường ném trôi sông vẫn chưa tìm thấy được.
Cái chết tức tưởi của chị, hành vi dã man của vị bác sỹ, những cuộc truy tìm thi hài của gia đình, kể cả trên cạn, dưới sông và nỗi khắc khoải của gia đình... được dư luận hết sức quan tâm. Thông tin về vụ việc của chị Huyền xuất hiện liên tục, với mức độ dày đặc trên các phương tiện truyền thông.
Những ngày qua, gia đình chị Huyền đã thuê thợ lặn ngày đêm, ngược xuôi mà vẫn không tìm thấy xác chị. Nhìn gương mặt anh Huy - chồng chị Huyền - đau khổ, vật vã trong những ngày rong ruổi đi tìm thi thể vợ, ai cũng động lòng thương cảm, nhất là hai đứa con thơ đã sớm mất mẹ.
Anh hùng Lao động Nguyễn Tử Ánh. |
Những nhà ngoại cảm nổi danh - từng tuyên bố tìm được cả ngàn hài cốt, đọc được cả di vật của người đã mất - nay đều im lặng trước cái chết của chị Huyền. Trong khi đó, có đến hơn chục nhà ngoại cảm từ mọi miền tổ quốc đổ về Hà Nội có ý giúp gia đình tìm thi thể chị Huyền. Cũng có người vật vã, miệng sùi bọt mép, khóc lóc kêu than... chỉ như thật nơi chị Huyền đang ở. Đội thợ lặn sục tìm theo chỉ dẫn dưới sông mà vẫn bặt âm vô tín.
Trong khi nước sông Hồng đang chảy xuôi về phía biển thì có nhà ngoại cảm lại chỉ đi ngược dòng sông... Ngoại cảm chỉ đâu, gia đình đến đó, thậm chí chui vào cả cống nước thải để tìm, kết quả vẫn chỉ là con số không. Tìm dưới nước không thấy, ngoại cảm lại chỉ lên bờ, đào hết nơi này đến nơi khác..., mà chị Huyền vẫn bặt âm vô tín. Cuối cùng thì các nhà ngoại cảm dần dần rút lui.
Thông tin mới nhất, nghe nhà ngoại cảm phán, rằng bác sĩ Tường đã chôn chị tại nghĩa trang Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội), nghe mô tả về ngôi mộ mới chôn ai chẳng tin, nào là vị trí mộ, có đoạn dây thừng bị cháy, cây cỏ xung quanh. Hỡi ôi, đến nơi hóa ra ngôi mộ mới vừa được cải táng cách đây mới 20 ngày. Chỉ khổ gia đình và cơ quan chức năng mất công khai quật, để rồi chỉ thấy đất và sỏi.
Mỗi lần nhà ngoại cảm xuất hiện, chỉ nơi này nơi kia là thêm một lần gia đình chị Huyền hé lên tia hy vọng, dù rất mong manh, bởi gia đình chị quyết tìm cho bằng được thi thể chị, dù mất thời gian, tốn kém tiền bạc. Tuy nhiên, càng tìm thì gia đình nạn nhân càng như đi vào ngõ cụt.
Cái chết của chị Lê Thị Thanh Huyền trở thành sự “thách đố” tài năng đối với các nhà ngoại cảm. Có người từ miền Nam còn thông tin rằng, sẽ nhờ nhà tâm linh Vũ Thị Hoà tìm thi thể chị Huyền, theo người này thì “cô Hoà” đã tìm được thi hài của người thân. Tuy nhiên, cả một thời gian dài “cô Hoà” làm mưa làm gió trong việc tìm mộ liệt sĩ ở các tỉnh phía nam, nhưng lại im hơi, lặng tiếng trong việc tìm thi thể chị Huyền.
Có vẻ như các nhà ngoại cảm đã thực sự thoái lui.
Tiến sỹ... sẽ tìm thấy?
Trong khi gia đình chị Lê Thị Thanh Huyền dường như đã mất hết hy vọng, thì các giáo sư thuộc Liên hiệp các Hội khoa học, kỹ thuật VN quyết định vào cuộc. Phương pháp xác định là dựa vào tia từ xương cốt, tồn lại tàn dư, xác định vị trí ném trên cầu, dựa vào lời khai, xác định vị trí trôi để tìm kiếm. Công cuộc tìm kiếm chị Huyền do các nhà khoa học thực hiện bắt đầu từ 9h ngày 3/12. Không chỉ gia đình anh Huy mà cả những người quan tâm đến vụ việc đều nóng lòng, hồi hộp, chờ đợi kết quả từ các nhà khoa học.
Máy bức xạ địa từ được các nhà khoa học sử dụng trong việc tìm kiếm, bước đầu xác định được là có thi thể, tại địa điểm bãi ven sông bên trái, cách cầu Thanh Trì khoảng 500 đến 700m. Thông tin từ các nhà khoa học trùng với việc mẹ chị Huyền bị vong nhập, cũng nói đó là nơi có thi thể chị Huyền, tuy nhiên khi gia đình tìm kiếm lại không thấy.
Dư luận bắt đầu hoang mang, nghi ngờ việc tìm kiếm bằng máy bức xạ địa từ, với các bước tiến hành như lấy mẫu nước ở 20 điểm khả nghi trên sông Hồng để phân tích, bước đầu xác định được 5 vị trí, phát hiện thi thể phân huỷ, đội thợ lặn lại sục tìm, thuê cả máy hút cát tại 5 điểm khả nghi, ở những điểm này, ăngten máy bức xạ địa từ quay tít, độ thợ lặn tinh nhuệ lại lao xuống dòng sông với bao hy vọng.
Nhưng lặn mãi lại phải ngoi lên vì đâu có thấy. Giáo sư Nguyễn Văn Bằng - người đề xuất phương pháp tìm kiếm này - đã giải thích rằng, việc ăngten máy quay tít là do có thể nạn nhân đã từng ở vị trí này, nay đã trôi đi xa, hợp chất còn lưu lại trong cát, nên ăngten mới quay.
Công việc lại quay về vị trí xuất phát, lại chờ đợi kết quả phân tích của các nhà khoa học. GS Bằng cho rằng tín hiệu về máy chính xác 100% và xác định 50 điểm có xác chết. Những ngày tiếp theo họ tìm trên bờ với tín hiệu máy quay họ đã xác định điểm cách cầu 300m và điểm cách 700m, trong đó điểm thứ hai đã lặn kiểm tra song không thành công. Ông Bằng còn biểu diễn cảm ứng của máy với mẩu xương và cá sống ở trên bờ.
Tuy nhiên, ngay lập tức, một nhà khoa học đã lên tiếng. Đó là TS Phan Văn Quýnh - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Bản đồ viễn thám, giảng viên cao cấp Trường ĐHQG Hà Nội. Ông gửi đến Báo LĐ&ĐS ý kiến phản biện của mình về việc các nhà khoa học tìm kiếm thi thể chị Huyền bằng máy bức xạ địa BXT có thể tìm thấy xác chết trong vòng bán kính 2km.
Đi tìm người chế tạo máy BXT
Theo TS. Phan Văn Quýnh, máy được “mệnh danh” là máy của GS Bằng, nhưng thực tế được chế tạo bởi nhà chế tạo máy Nguyễn Tử Ánh - AHLĐ, kỹ sư Nguyễn Văn Hào thuộc Xí nghiệp địa vật lý (ĐVL) - Liên đoàn ĐVL.
Ngày 7/12, kỹ sư Nguyễn Văn Hào đã thao diễn máy BXT mà ông chế tạo cho GS Bằng và tiến hành thử nghiệm xem khi đưa máy BXT đến gần nhà xác các bệnh viện hay vào nhà tang lễ xem nó quay thế nào? Ông Hào trả lời: “Không phải đi, đã thử rồi, quay hay không là do tay người cầm máy”.
Thế nói máy BXT đo được bức xạ thứ cấp và xác định được xác chết trong vòng 200 mét là lừa đảo? Ông Hào trả lời: “Đúng thế!”.
Hiện nay, trên thế giới có nhiều kiểu, nhiều chủng loại và thực tế cũng chưa có máy nào tìm được xác chết. Bức xạ điện từ của xác chết là quá yếu và nó lẫn vào muôn vàn bức xạ của các vật thể khác, rất khó khăn khi dùng chỉ tiêu này để tìm thi hài.
TS Phan Văn Quýnh cho hay, ông rất cảm kích sự trung thực, khoa học của AHLĐ Nguyễn Tử Ánh và KS Nguyễn Văn Hào khi mô tả máy BXT mà mình chế tạo. Việc GS Bằng đem cái gọi là máy BXT đi đo từ để tìm thi thể chị Huyền là hết sức thiếu trung thực, thực tế nó không thu nhận được một dữ liệu nào cả.
TS địa vật lý Nguyễn Trọng Nga và kỹ sư Nguyễn Văn Hào đang biểu diễn máy BXT. |
Trong quá trình tham gia tìm kiếm nhiều thứ, nhiều nơi, ông Bằng không phải không tìm được một số thứ, nhưng điều đó không có nghĩa là máy BXT thu nhận được bức xạ sóng điện từ của xác chết, thậm chí còn cách xa máy đến 200m.
Nếu máy BXT thực sự hay như vậy, sao không đăng ký bằng sáng chế phát minh, nhận danh hiệu nhân tài đất Việt, sản xuất để xuất khẩu?
Theo LĐ
Bình luận