Một tuần sau khi tình cảnh của những người Hong Kong (Trung Quốc) bị buôn bán và giam giữ ở Đông Nam Á được đưa ra ánh sáng, không có nhiều thay đổi diễn ra với John, người vẫn đang mắc kẹt ở Myanmar.
Bỏ trốn không phải là một lựa chọn cho người đàn ông 30 tuổi này. Cuộc đời anh đã rẽ vào một bước ngoặt tồi tệ khi chuyến đi đến Thái Lan để gặp người bạn cũ trở thành cơn ác mộng. John cho biết anh đã từng bị nhốt trong một căn phòng trong suốt 5 ngày, phải phụ thuộc vào những kẻ bắt giữ về đồ ăn thức uống. Anh không bao giờ dám thử chạy trốn sau khi chứng kiến một người khác bị bắn.
“Trước đó, tôi chứng kiến một người cố gắng bỏ chạy nhưng vô ích. Anh ta bị trúng một phát đạn và tôi thấy anh được đưa vào trong”, John cho biết trong đoạn ghi âm được tổ chức từ thiện "Dừng buôn bán người" (Stop) ở Hong Kong công bố. Các luật sư và tổ chức phi chính phủ đã chú ý theo dõi những vụ việc như thế này kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu diễn ra.
John đã bị giam giữ trong suốt ba tháng. Ban đầu, anh tưởng là sẽ đến thăm một đồng nghiệp cũ ở Mae Sot, trên biên giới phía Tây của Thái Lan với Myanmar, sau khi người bạn của anh ta bắt đầu làm việc ở nước này. Nhưng cuối cùng anh lại bị dí súng đe dọa và buộc phải vượt biên trái phép để làm việc cho một doanh nghiệp mờ ám.
John cho biết những người khác cũng bị buộc làm việc trong các sòng bạc hoặc điều hành các trang web đánh bạc trực tuyến tại các cơ sở khác nhau, cũng như thực hiện các trò lừa đảo qua điện thoại.
Nạn nhân Ah Dee, 30 tuổi, kể câu chuyện cụ thể hơn. Anh được mời làm việc trong lĩnh vực quảng cáo ở Thái Lan với mức lương 6.000 USD sau khi nộp đơn ứng tuyển theo thông tin trên Facebook. Anh cũng đến Mae Sot nhưng rồi bị những người mang theo dao rựa ép lên xe, được yêu cầu trả khoản tiền chuộc 10.000 USD hoặc làm việc 12 giờ mỗi ngày, chủ yếu lừa đảo qua điện thoại. "Tôi cứ nghĩ rằng mình được làm quảng cáo… nhưng khi phát hiện tôi đã cố gắng bỏ đi. Tôi không thể làm việc cho họ. Lừa đảo là phạm pháp", anh nói.
Theo các chuyên gia, họ bắt đầu nhận thấy một xu hướng trong việc kẻ gian nhắm vào những người trẻ tuổi và có học thức. Một số lời kể cho thấy nhiều nạn nhân bị dụ đến Thái Lan với lời hứa về một công việc được trả lương cao mà họ nhìn thấy trên mạng. Nhưng khi đến nơi, họ bị đưa đến các nước láng giềng, nơi họ bị buộc phải làm việc trong các trung tâm lừa đảo qua điện thoại và thực hiện các hoạt động tội phạm khác.
Michelle Wong, người quản lý chương trình tại Stop cho biết: “Xu hướng hiện nay chúng ta có thể thấy là những kẻ buôn người nhắm đến những người Hong Kong trẻ tuổi và có trình độ học vấn". Wong nói những người bị nhắm đến có điểm chung là họ có thể nói tiếng Anh và tiếng Trung, thông thạo vi tính - đó là những kỹ năng cần thiết để lừa đảo qua điện thoại.
Patricia Ho Pui-chi, giảng viên luật của Đại học Hong Kong, người đã vận động nhiều năm cho luật chống buôn người ở địa phương, cho rằng đại dịch COVID-19 có thể đã khiến mọi người mất cảnh giác. “Đã có rất nhiều người mất việc do COVID và trong tình huống này, trên khắp thế giới, mọi người dễ bị tổn thương và dễ bị lừa dối”, bà giải thích.
Tính đến 24/8, nhà chức trách đã nhận được 41 yêu cầu giúp đỡ từ người dân. Khoảng 23 người Hong Kong đã được xác nhận là an toàn, 12 người đã trở về nhà. 18 người còn lại vẫn đang mắc kẹt ở Campuchia và Myanmar.
Chính quyền đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm và đường dây nóng WhatsApp để hỗ trợ các nạn nhân, nhưng theo Wong, các nhà chức trách đã có thể ngăn chặn sự việc sớm hơn nữa bằng cách tăng cường cảnh báo công khai khi họ biết về vấn đề từ đầu năm.
Một thành viên của Tổ chức chống lừa đảo toàn cầu có trụ sở tại Mỹ, sử dụng bút danh Joy, nói trên SCMP rằng có nhiều trung tâm lừa đảo liên quan đến hàng chục nghìn người ở Myanmar, gần biên giới Thái Lan.
Joy cho biết những tên tội phạm liên quan đến từ một số quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc. Joy giải thích rằng những kẻ đứng đầu đã đưa ra hướng dẫn chi tiết về cách tìm kiếm mục tiêu trên mạng xã hội, chiếm được lòng tin của nạn nhân và lấy thông tin tài khoản ngân hàng của họ. Các nạn nhân có thể phải chịu hình phạt như đánh đập, điện giật hoặc bỏ đói nếu họ không thể kết bạn với số lượng "bạn bè" tối thiểu mỗi ngày để tiếp tục lừa đảo. Một số người trở thành kẻ lừa đảo thành công và không ngại ở lại.
Ah Dee tự cho mình là người may mắn vì được trả tự do sau khi gia đình trả tiền chuộc, trong khi John vẫn tiếp tục chờ giải cứu.
Nhưng cả hai đều phàn nàn về sự thờ ơ mà họ phải đối mặt khi tìm kiếm sự giúp đỡ. Ah Dee cho biết cảnh sát Hong Kong đã từ chối gia đình anh khi họ yêu cầu.
Chuyên gia Ho nói những câu chuyện như vậy càng cho thấy lý do tại sao Hong Kong cần có luật để ngăn chặn nạn buôn người. Khung pháp lý sẽ tạo cơ sở cho cảnh sát mở cuộc điều tra và giúp đỡ các nạn nhân, bất chấp việc tội phạm đang ở nước ngoài, đồng thời trao cho cảnh sát quyền phong tỏa tài sản của những kẻ đồng phạm và đưa họ vào hồ sơ.
Bên cạnh đó, các công tố viên có thể cung cấp những miễn trừ cho những nạn nhân có thể đã phạm tội trong tình trạng bị ép buộc, có biện pháp bảo vệ theo luật định thích hợp để khuyến khích nạn nhân khai báo tội ác.
Bình luận