Chiều 4/6, ông Võ Thành Quới (49 tuổi), nạn nhân bị hổ cắn mất hai tay ở khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) đã qua cơn nguy kịch, đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM).
Vẫn còn sốc chấn thương nặng nhưng ông Quới khá tỉnh táo. Người đàn ông quê tỉnh An Giang cho biết đang là thợ hồ, trước đây từng làm tại trại nuôi hổ. Hôm qua, ông trở lại chỗ làm cũ thăm bạn bè thì bị nạn.
"Lúc đó tôi cầm cây sắt, sơ ý để tay lên cửa sắt. Con hổ vồ cây sắt, lôi tôi tay vô chuồng cắn nát. Tôi lấy tay còn lại đỡ thì bị cắn luôn. Thanh niên gần đó chạy đến nhưng trễ rồi", ông kể lại.
Đang quét sơn cho chuồng nuôi gần đó, bà Nguyễn Thị Hường (nhân viên trại nuôi) hốt hoảng khi nghe thợ hàn hét lên "chết rồi, chết rồi". "Tôi chạy lại thì thấy ông ấy nằm gục trước cửa chuồng, người đầy máu", bà Hường nói.
Theo xác minh của Công an phường Vĩnh Phú (thị xã Thuận An), trước khi đến đây, nạn nhân có uống rượu và biểu hiện say xỉn.
Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh nằm gần sông Sài Gòn, đường vào là con hẻm nhỏ giữa khu dân cư. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương cho biết, nơi này được phép nuôi hổ thí điểm. Trại nuôi có 6 chuồng và đang quá trình sửa chữa. Ba chuồng đầu có ba con hổ, mỗi con hơn 100 kg.
Chuồng nuôi nhốt được xây bằng gạch cao 2 m, cửa chuồng được làm sắt tròn đặc có đường kính 14 mm, khoảng cách giữa các thanh sắt là 8 cm.
"Chi cục yêu cầu chủ nuôi phải gia cố chuồng trong 10 ngày, và có những biện pháp đảm bảo an toàn, tuyệt đối không cho người lạ, trẻ em vào khu vực trên", ông Trần Văn Nguyên, Trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Dương cho biết.
Theo Chi cục Kiểm lâm Bình Dương, ngoài cơ sở này, trên địa bàn tỉnh còn có hai nơi được phép nuôi hổ thí điểm gồm: Công ty Bia Thái Bình dương - Pacific (Dĩ An) và khu du lịch Đại Nam (Thủ Dầu Một).
Trước đây, năm 2009, con hổ ở khu du lịch Đại Nam sổng chuồng cắn chết một nhân viên. Ba năm trước, một con hổ nuôi nhốt tại Công ty Bia Thái Bình Dương cũng tấn công làm nhân viên dưỡng thú tử vong.
Bình luận