Nghi thức tự bao đời nay
Từ thị trấn Cốc Pài chúng tôi lên Nàn Ma theo trục đường đi sang Bắc Hà (Lào Cai). Ðường nhiều dốc, nhỏ và treo chênh vênh trên những ngọn núi trọc. Mùa này, hai bên đường hoa gạo nở đỏ rực như lửa cháy, hoa rụng xuống đất thành thảm đỏ nổi bật giữa quang cảnh trơ trọi.
Nàn Ma cách Cốc Pài khoảng 9km. Chúng tôi được hai anh bạn người La Chí (giáo viên cắm bản) đi xe rất liều lĩnh và một cậu sinh viên hiền lành về thăm nhà đưa đến nơi. Nàn Ma nằm ở đó, yên tĩnh và nhỏ bé với những ngôi nhà đơn sơ nằm trải dọc trên đường đi.
Xã Nàn Ma có 7 thôn tất cả, 85% trong số họ là dân tộc Mông. Khi chúng tôi hỏi về nơi sẽ diễn ra lễ cúng thần rừng, họ vui vẻ chỉ tay về phía khu rừng nằm cạnh ủy ban xã. Ðó là một khu rừng nguyên sinh, diện tích nhỏ. Nằm dưới chân nó là những cửa hàng xay sát thóc, đám trẻ con trai gái cứ chạy qua chạy lại, lơn tơn quanh nơi vỏ trấu bắn ra trên đường đến là vui mắt.
Lễ cúng thần rừng diễn ra vào buổi sáng. Ông Giàng Xuân Hồ, bí thư xã dẫn chúng tôi vào nơi cúng nằm khá gần cửa rừng. Ông cho biết vào ngày này hàng năm, tức là ngày 30 tháng Giêng, cả 7 thôn của xã Nàn Ma đồng loạt cúng thần rừng. Riêng ở đây, có 3 thôn là Lùng Sán, La Chí Chải và Nàn Ma tổ chức chung. Khoảng 8 giờ sáng, anh Thào Kháy Lìn - bí thư chi bộ thôn La Chí Chải và đám đàn ông của 3 thôn đã có mặt tự bao giờ, lụi cụi phát quang cỏ, quét lá khô và lập ban thờ, nhóm lửa bắc bếp.
Ban thờ được làm từ thân cây tre chẻ ra ghép lại với nhau lập dưới một gốc cây lâu niên trong khu rừng. Mỗi năm người ta chọn một cây, năm nay một cây cỡ hai vòng tay người ôm được chọn để cúng. Họ dùng cỏ bện lại và quấn quanh thân cây như thể hiện sự bảo vệ, che chở. Ban thờ có ban thờ chính và ban thờ phụ đặt cạnh nhau.
Vài người thanh niên khệ nệ mang vật cúng đến. Lễ vật bao gồm 3 con gà trống chân đen, 1 con lợn đen (phải đen hoàn toàn, không được khoang màu khác), một con chó đen. Cả ba đều phải là giống đực, còn sống, rượu và nhang. Hỏi họ tại sao phải chọn lễ vật như thế, họ bối rối, bẽn lẽn nhìn nhau cười rồi bảo không biết, chỉ biết từ bao đời nay các cụ vẫn làm như thế.
Trước khi đến đây, chúng tôi đã hỏi nhiều người Xín Mần bản địa, sống ngay tại Cốc Pài nhưng hầu như không ai biết gì về lễ cúng rừng của Nàn Ma. Ấy thế nhưng, ở đó, lễ cúng này vẫn được tổ chức đều đặn hàng năm. Tuy giản dị song người Nàn Ma rất tự hào về phong tục này. Ông Giàng Xuân Hồ vừa đứng quan sát đám thanh niên chẻ củi, nhóm bếp vừa giải thích cho tôi nghe về lễ cúng thần rừng của người Mông.
Không ai biết lễ cúng này có từ khi nào, chỉ biết nó xuất hiện từ rất lâu rồi và về hình thức cúng cho đến nay không có quá nhiều thay đổi. Cứ đến dịp này, dân mỗi hộ đóng góp một, hai trăm ngàn, sau lễ cúng mỗi người mang bát đũa của mình lên ăn chung. Có hai lễ cúng diễn ra đồng loạt vào dịp này, lễ chính cúng ngay tại rừng đây được gọi là “cúng bố”, một lễ khác diễn ra ở miếu (cách đó vài trăm mét) gọi là “cúng mẹ”. Lễ cúng mẹ mang tính chất “báo cáo”, lễ vật chỉ có rượu và một con gà trống mà thôi.
Hơn 8 giờ sáng, sau khi mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng thì thầy mo đến. Ðó là một người đàn ông cao lớn, khỏe mạnh dù đã 80 tuổi. Ông Hồ, bí thư giới thiệu đây là ông Giàng Sa Lừ, thầy mo, nguyên là bí thư Ðảng ủy xã, Hội trưởng Hội nghệ nhân dân gian xã. Ông Lừ lẩm nhẩm tính ra đã làm thầy mo cúng rừng được 20 năm nay rồi và cũng sắp đến lúc phải tìm người kế nhiệm.
Khi thầy mo Giàng Sa Lừ đến, lễ cúng mới chính thức bắt đầu.
Bản quy ước với rừng
Ông Giàng Sa Lừ rút ra từ trong túi hai nửa của một chiếc sừng trâu. Ông cầm chúng trong tay, lẩm nhẩm và tung xuống đất. “Một sấp, một ngửa”, ông ra hiệu giờ cúng được phép bắt đầu. Ông Lừ trịnh trọng đứng chính diện ban thờ, tay ôm con gà trống, hai bên cạnh ông, lợn và chó cũng được hai người đàn ông giữ chặt ghì mọp xuống đất.
Thầy mo bắt đầu đọc bài cúng bằng tiếng Mông “báo cáo” thần rừng chứng giám cho lòng thành của người dân Nàn Ma để che chở, phù hộ cho bà con sức khỏe, mùa màng tốt tươi, no đủ, mưa nắng ôn hòa. Sau khi thầy dứt lời, ba con vật được mang đi giết thịt ngay tại chỗ.
Trong lúc ấy, ông Hồ dẫn chúng tôi sang miếu. Miếu của xã Nàn Ma là một ngôi nhà trình tường rất đặc trưng của Hà Giang. Trong miếu chỉ có một ban thờ nhỏ, đơn giản. Ông Hầu Seo Chang, phó Bí thư Ðảng ủy xã Nàn Ma là người chủ trì lễ cúng ở đây. Ông rót rượu bày lên ban, rồi tay giữ con gà trống và lẩm nhẩm cúng. Ông Chang nói, lễ “cúng mẹ” vào ngày này chỉ giản dị vậy thôi, vào tháng 6 Âm lịch lễ cúng chính thức sẽ lớn và “hoành tráng” hơn. Sau khi làm lễ xong ở miếu, tất cả lại quy tụ tại rừng.
Lễ cúng thần rừng có ba phần rất rõ ràng. Phần một là báo cáo thần linh, chính là lúc thầy mo đọc bài cúng và ba con vật còn sống. Sau khi lợn, chó, gà được nấu chín bày trên đĩa đặt trên bàn thờ, thầy mo sẽ thắp hương, rót rượu mời các vị thần linh, tiên tổ về ăn. Và phần cuối cùng là bài cúng cảm ơn.
Thầy mo Giàng Sa Lừ giải thích rằng, để bày tỏ sự thành tâm của người dân với thần rừng, sau lễ cúng bà con phải kí vào bản quy ước không được phá rừng, không được bẻ dù một cành cây, không ngắt dù một ngọn rau, không được phép vào rừng phóng uế. Ai muốn thu hoạch hoa màu, muốn hái rau ăn thì phải làm ngay trong buổi chiều hôm ấy. Ngày đầu tiên trở đi sau lễ cúng sẽ tuyệt đối tuân thủ bản quy ước cho đến hết ngày kiêng mới thôi.
“Bà con phải kiêng trong bao nhiêu ngày?”, tôi hỏi. Ông Hồ chỉ tay ra chỗ một số người đang túm tụm lại. Giữa đám đông đang quây tròn đó, ông chủ tịch xã đang cầm hai chiếc chân gà đã lọc hết thịt chỉ còn xương đặt song song, ngay ngắn cạnh nhau. Sau đó ông dùng tăm chọc vào những chiếc lỗ trên xương và so xem hai chiếc tăm trên hai cái xương đó có vuông góc hay không. Có bao nhiêu cái vuông góc thì tương ứng với số ngày phải kiêng.
Năm nay, có 5 ngày phải kiêng, ông chủ tịch xã thông báo như vậy. Và những người đàn ông đại diện cho các hộ gia đình sẽ phải ký vào bản cam kết thực hiện nghiêm túc quy ước trong đúng 5 ngày. Chỉ cần một người vi phạm, lập tức sẽ phải cúng lại và người vi phạm phải chịu toàn bộ vật tế cúng. Ông Hồ nói, trong suốt bao nhiêu năm ở đây, chưa bao giờ xã phải tổ chức cúng lại vì người dân đều tuân thủ rất nghiêm túc quy ước.
Trước đây người ta chỉ quy ước với nhau bằng miệng nhưng nay xã in ra thành văn bản, các gia đình ký tên vào văn bản đó để tiện quản lý. Lễ cúng cũng diễn ra ngắn gọn chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Chỉ khi mâm cỗ được bày ra, tôi mới để ý thấy một vài phụ nữ Mông ngồi một góc xới mèn mén ra bát ăn với nhau.
Người Mông nấu cỗ rất đơn giản. Cả ba loại thịt gà, chó, lợn được chặt ra nấu chung trong một nồi lớn. Sau đó họ bỏ thịt ra đĩa, nước múc ra bát nêm nếm gia vị thành canh. Ðến 11 giờ trưa, người ta mang bạt đến trải ngay trong rừng, rượu đựng trong các can lớn chuyên đều ra các bát to, khi uống chỉ dùng chén để múc ra. Một cái chõ làm bằng thân cây gỗ lớn khoét rỗng ruột, bên trong đựng mèn mén còn đang nghi ngút khói được khênh đến. Rồi thì bát, đũa, thìa được bày ra. Tiếng cười nói râm ran cả một góc rừng.
Trước bữa ăn, thầy mo Giàng Sa Lừ còn trịnh trọng đứng dậy phát biểu một bài dài, đại ý nội dung là cảm ơn trời đất, cảm ơn thần rừng đã che chở, bảo vệ; căn dặn bà con hãy ghi nhớ và tuân thủ lấy bản quy ước, và nhắc về hình phạt nếu người nào vi phạm…
Ðây là lần đầu tiên tôi ngồi uống rượu với đông đảo bà con người Mông ngay giữa rừng như vậy. Họ biết nên càng tiếp đãi chúng tôi thịnh tình hơn bằng... những chén rượu, kể cho chúng tôi nhiều hơn về lễ cúng thần rừng bằng niềm tự hào chân thành. Rồi họ hồ hởi bảo nhau, sau hôm nay, nhiều người sẽ biết đến Nàn Ma của họ hơn. Chỉ là câu nói vui thả vào không khí nhưng dường như nó vẫn lấp lánh hy vọng, giống như cây gạo trần trụi đứng chơ vơ bên đường nắng cháy kia, trên thân nó, vẫn nở ra những đốm lửa khát khao.
Hà Trang
Bình luận