Nhà thực vật học Kenneth Wurdack phát hiện hiện tượng thú vị này trong các chuyến đi thực tế tới Guyana. Wurdack quan sát thấy điểm bất thường trên các bông hoa của loài cỏ mắt vàng.
Không giống như các bông hoa điển hình của loài này, chúng có màu vàng cam hơn, kết thành từng chùm chặt chẽ.
Sau khi nghiên cứu thêm các tài liệu, Wurdack nhận ra rằng những bông hoa màu cam này không phải là hoa. Và cỏ mắt vàng không tạo ra chúng.
Thay vào đó, chúng là sản phẩm "bắt chước" mà một loại nấm có tên Fusarium xyrophilum tạo ra. Fusarium xyrophilum lây nhiễm toàn bộ cây, ngăn loại cỏ này nở hoa. Sau đó chúng phát triển hoa giả từ các mô nấm. Những bông hoa giả có kích thước và hình dạng tương tự như hoa thật có tác dụng phản xạ tia cực tím để thu hút các loài tới thụ phấn, đặc biệt là ong.
Mánh khóe này hiệu quả tới mức nhiều con ong và các loài thụ phấn khác tới thăm chúng, mong đợi được thưởng mật hoa và phấn hoa. Nhưng thay vào đó, chúng bị bao phủ bởi các bào tử nấm và mang chúng đi phát tán khắp nơi.
Hình thức "chơi khăm" trên không phải chưa từng được ghi nhận, nhưng trường hợp của Fusarium xyrophilum được xem là phức tạp nhất từ trước tới nay.
"Đây là vì dụ duy nhất mà chúng tôi biết, ở bất cứ đâu trên hành tinh khi mà nấm ngụy trang làm hoa giả", Kerry O'Donnell, nhà vi sinh vật học tại Cơ quan Nghiên cứu Nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết.
Một số kẻ giả mạo được phát hiện trước đó chỉ sửa đổi lá của cây chủ.
Bình luận