Sau khi uống liên tục 1,5 lít rượu chào năm mới với bạn bè, nam thanh niên 34 tuổi đã bị rối loạn ý thức và đã được đưa đến BV Bạch Mai điều trị. Đã bước sang ngày điều trị thứ 5, nhưng bệnh nhân vẫn đang trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp vì viêm phổi, tiên lượng rất dè dặt.
Trước đó, trưa ngày 27/12, nam bệnh nhân đi liên hoan cuối năm với bạn bè và họ đã “đề ra chỉ tiêu” mỗi người uống 1,5 lít rượu. Sau khi uống, bệnh nhân bị rối loạn ý thức, nôn nhiều nên đã bị hít chất nôn, đờm dãi vào đường thở gây viêm phổi rất nặng.
Bệnh nhân được đưa vào Trung tâm chống độc trong tình trạng hôn mê. Hiện nay, dù đã điều trị 5 ngày nhưng vẫn đang phải thở máy, hôn mê và tiên lượng dè dặt.
Theo ThS. BS Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, trước và sau dịp lễ tết, cuối năm thường là thời điểm số ca ngộ độc rượu tăng đáng kể.
Trước nam bệnh nhân này, giáp tết dương lịch, Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận điều trị một số trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc rượu. Đó là trường hợp của nữ sinh V.T.H (24 tuổi, ở Thanh Thủy, Phú Thọ).
Theo lời gia đình, trước đó, chiều ngày 19/12, H. về Bắc Ninh để dự buổi liên hoan gặp mặt bạn. Tại buổi liên hoan, H. gặp bạn bè nên uống nhiều rượu. Thấy H. say, mọi người đưa về phòng ngủ. Đến chiều hôm sau, H. vẫn ngủ li bì, mê man nên nhóm bạn đã đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu.
Sau khi sơ cứu, bệnh nhân được chuyển về BV Bạch Mai trong tình trạng hôn mê, nói sảng. Tại đây, H. được xác định bị ngộ độc do uống quá nhiều rượu nên các bác sỹ tiến hành điều trị. Đến nay, bệnh nhân vẫn trong tình trạng nguy kịch
Một trường hợp khác là nam bệnh nhân Trần Xuân Đ. (57 tuổi, trú tại Cẫu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) bị ngộ độc methanol cấp. Theo lời người nhà, ngày 17/12, bệnh nhân uống rượu không rõ nguồn gốc mua ở một quán gần nơi trọ. Một ngày sau uống rượu, bệnh nhân xuất hiện kích thích, đau đầu, nhìn mờ. Bệnh nhân được Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội chuyển ngay lên Trung tâm Chống độc cấp cứu.
Bệnh nhân Trần Xuân Đ. vào viện lúc 10h sáng ngày 18/12 trong tình trạng hôn mê sâu, Glasgrow 3 điểm, toan chuyển hóa nặng, giảm thị lực, tụt huyết áp, suy gan, suy thận, ngộ độc rất nặng.
Trong lúc chờ kết quả xét nghiệm xác định, bệnh nhân đã được kịp thời cấp cứu theo hướng ngộ độc rượu, hồi sức, chống độc: đặt nội khí quản, lọc máu. Kết quả xét nghiệm cho thấy methanol trong máu lên tới 169 mg/dL (trong khi bình thường 20 mg/dL đã là rất nặng phải lọc máu).
Các chuyên gia chống độc cho hay, đa phần các là ngộ độc rượu thực phẩm thông thường. Nhưng vì uống quá nhiều, bệnh nhân mất kiểm soát về ý thức, nôn trớ dẫn đến tình trạng hít, sặc chất nôn, gây viêm phổi nặng.
Ngoài ra, nguy cơ hạ đường huyết do chỉ uống mà không ăn cũng được các bác sĩ cảnh báo. Trước đó, một trường hợp là cô gái 24 tuổi cũng được đưa tới Trung tâm chống độc do hạ đường huyết, ngất xỉu vì chỉ uống mà không ăn.
Video: Cuối năm, liên tiếp chết vì ngộ độc rượu
“Thói quen chỉ uống mà ăn cực ít là một sai lầm nguy hiểm cho sức khỏe. Bởi khi say rượu, sau lúc nôn, lảm nhảm, nói nhiều người say thường lịm đi, thậm chí ngủ một mạch vài tiếng đồng hồ. Trong khi đó bụng lại đói, lúc này xuất hiện nguy cơ bị hạ đường trong máu, dễ dẫn tới tử vong hoặc di chứng trên não”- BS Nguyên cảnh báo.
Theo BS Nguyên hãy ăn đầy đủ trước, trong và ngay sau uống, đặc biệt các thức ăn từ tinh bột (cơm, bún, mỳ,…), hoặc thức ăn có nhiều đường sẽ giúp "tráng ruột", hạn chế được nguy cơ này từ rượu. Cần lưu ý uống vừa phải, không uống quá nhiều dễ gây các hậu quả nguy hiểm do say rượu.
Bình luận