Tối 8/6, nam thanh niên lái xe máy chạy ngược chiều trên Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) bị xe ô tô của một tài xế ở Bắc Ninh cầm lái tông trúng. Cú tông mạnh khiến người đi xe máy ngã xuống đường chết tại chỗ, 2 phương tiện hư hỏng nặng.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều những vụ việc xe máy đi ngược chiều trên đường cao tốc gây tai nạn chết người. Nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này và cả trách nhiệm của lực lượng chức năng khi tình trạng lái xe vô phép tắc ngày càng có chiều hướng gia tăng.
Chia sẻ với PV VTC News, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, trong vụ tai nạn này lỗi hoàn toàn thuộc về người lái xe máy đi ngược chiều.
Người này dù chết rồi nhưng nếu có tài sản thừa kế để lại thì người nhà (người hưởng thừa kế) vẫn phải bồi thường thiệt hại. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng, nhất là CSGT cũng cần nhìn nhận lại trách nhiệm khi để tình trạng người vi phạm giao thông gây tai nạn xảy ra ngày càng nhiều.
- Thưa ông, trong vụ việc nam thanh niên đi xe máy ngược chiều trên Đại lộ Thăng Long bị ô tô tông chết, có thể thấy lỗi thuộc về người lái xe máy. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, với tư duy "xe lớn đền xe bé", tài xế ô tô trong vụ tại nạn này cũng sẽ gặp phải không ít phiền phức?
Đi đúng phần đường của mình là một trong những quy tắc giao thông hàng đầu được quy định trong Luật Giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận không nhỏ những trường hợp người tham gia giao thông đi ngược chiều, đi không đúng phần đường quy định.
Trong trường hợp này, người phạm tội đã chết nên nếu người đó có tài sản để lại, những người thừa kế của người phạm tội có trách nhiệm sử dụng tài sản đó để bồi thường.
Luật sư Diệp Năng Bình
Trong trường hợp này, lỗi hoàn toàn thuộc về nam thanh niên lái xe máy vi phạm luật giao thông. Người lái xe coi thường luật pháp, coi thường người tham gia giao thông khác và thậm chí coi thường ngay cả tính mạng của mình. Người đi chỉ biết tiện bản thân họ mà người ta không biết rủi ro mang đến rất nghiêm trọng.
Theo điểm I, khoản 4, Điều 6 Nghị định 46/2016, nếu chưa gây ra tai nạn thì người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính như sau : “Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định”.
Trong trường hợp này, nam thanh niên đi ngược chiều trên cao tốc gây ra tai nạn thì cần phải xem xét có đầy đủ căn cứ để khởi tố vụ án theo Điều 260 Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 hay không.
Tuy nhiên do người duy nhất thực hiện hành vi phạm tội đã chết nên theo quy định tại Điều 157 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án.
Về trách nhiệm dân sự, nếu người phạm tội còn sống, người đó có nghĩa vụ bồi thường mọi tổn thất do hành vi của mình gây ra. Trong trường hợp này người phạm tội đã chết nên nếu người đó có tài sản để lại, những người thừa kế của người phạm tội có trách nhiệm sử dụng tài sản đó để bồi thường.
- Phải chăng chính sự thờ ơ, không kiểm soát, ít xử phạt của CSGT khiến nhiều người đi xe máy ngang nhiên đi vào đường ô tô, thậm chí còn đi ngược chiều liều lĩnh?
Theo tôi, trước tiên vấn đề này thuộc về ý thức của những người tham gia giao thông. Chính bản thân người vi phạm coi thường pháp luật, coi thường mạng sống của mình, mạng sống và tài sản của những người tham gia giao thông khác.
Bản thân tôi thỉnh thoảng gặp các trường hợp đi ngược chiều ngay trên cao tốc và lùi xe trên cao tốc rất nguy hiểm nhưng cũng may là các tài xế đều né kịp nên chưa gây tai nạn. Còn các trường hợp đi ngược chiều trên các con phố thì tôi bắt gặp rất thường xuyên.
Bản thân tôi cũng như mọi người đều lên án các hành vi vi phạm luật giao thông như uống rượu bia lái xe, lạng lách, rải đinh… chứ không phải chỉ riêng hành vi đi ngược chiều.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện nay những người vi phạm họ thường có các hành vi hành hung và đổ lỗi cho người khác nên người dân thường im lặng cho xong chuyện kiểu như “một câu nhịn, chín câu lành”.
Video: Xe máy chạy ngược chiều, lao thẳng vào đầu ô tô trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Tôi từng xem các clip những người vi phạm chạy ngược chiều bị CSGT chặn lại thì cư dân mạng lại phản đối, chửi bới cho rằng làm thế là nguy hiểm cho người vi phạm. Cũng không ít trường hợp vừa qua chúng ta thấy những chiến sĩ CSGT bị những người vi phạm đâm xe trực diện khi bị yêu cầu dừng xe kiểm tra, xử lý.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế là việc để xảy ra tai nạn giao thông tăng cao thời gian qua một phần do các đồng chí cảnh sát làm nhiệm vụ quá mềm tay, thường đứng những vị trí góc khuất để xử lý các hành vi vi phạm, hoặc không nắm luật khi giải quyết hoặc có các tệ nạn tiêu cực trong quá trình xử lý người vi phạm làm những người tham gia giao thông bị "nhờn" luật.
- Liệu còn bao nhiêu cái chết tương tự nữa xảy ra nếu như CSGT không xử phạt nghiêm những trường hợp xe máy đi vào đường dành riêng cho ô tô, ngang nhiên đi ngược chiều, thậm chí chạy lùi...?
Như đã nói ở trên, vấn đề ý thức thuộc về người tham gia giao thông nhưng không thể không nói đến trách nhiệm của lực lượng CSGT khi thực hiện nhiệm vụ.
Thực tế có nhiều tỉnh thành xử lý rất nghiêm các trường hợp vi phạm làm cho người dân nơi đó khi ra đường là tuân thủ theo luật giao thông.
Chúng ta không nên đả kích hay bôi nhọ lực lượng CSGT nhưng nói thật bản thân tôi rất buồn khi đọc rất nhiều bài báo hay xem nhiều clip về các tiêu cực của cảnh sát khi xử lý vi phạm giao thông.
Khi các anh khoác lên người bộ đồ đồng phục của ngành thì chỉ mong các anh làm đúng lương tâm và trách nhiệm mà Nhà nước và nhân dân giao phó. Đồng thời, lực lượng CSGT hãy xử lý nghiêm và đúng các trường hợp vi phạm, nói không với tệ nạn lót tay, quen biết.
Làm được như thế thì không những các trường hợp vi phạm luật giao thông, các vụ tai nạn giao thông thương tâm sẽ không còn xảy ra nữa mà hình ảnh của lực lượng CSGT luôn được người dân yêu mến, ủng hộ.
Bình luận