• Zalo

Nam thanh niên 23 tuổi chi hơn 1.700 tỷ đồng mua cổ phiếu VPBank

Kinh tếThứ Hai, 18/06/2018 14:04:00 +07:00Google News

Ông Nguyễn Mạnh Cường, sinh năm 1995 là người đứng ra nhận chuyển nhượng gần 34,5 triệu cổ phiếu VPB, có giá trị hơn 1.700 tỷ đồng cách đây ít ngày.

Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) mới đây đã có thông báo về thương vụ chuyển nhượng cổ phiếu Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (mã chứng khoán VPB) với khối lượng lớn.

Cụ thể, ngày 15/6 vừa qua, gần 34,5 triệu cổ phiếu VPB đã được “sang tay” từ Công ty TNHH Quản lý Đầu tư Tín Tâm cho một cá nhân là ông Nguyễn Mạnh Cường.

Tại giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/6 ở mức 49.500 đồng/cổ phiếu VPB, thương vụ này có giá trị lên tới hơn 1.700 tỷ đồng.

Chủ sở hữu và người đại diện tại Tín Tâm cũng chính là ông Nguyễn Mạnh Cường, sinh năm 1995 tại Hà Nội.

Công ty TNHH Quản lý Đầu tư Tín Tâm (Tín Tâm) thành lập ngày 20/7/2017 với vốn điều lệ hơn 345 tỷ đồng, trụ sở chính tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Công ty hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực thiết kế chuyên dụng, xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác, xây dựng công trình đường sắt và đường bộ, lắp đặt hệ thống điện, quảng cáo, tư vấn quản lý…

vbbank.vtc

Cổ phiếu VPB trở thành tâm điểm của các thương vụ "sang tay" với giá trị khủng. Ảnh: VPB. 

Chưa đầy 8 tháng hoạt động, chủ sở hữu của Tín Tâm đã ra quyết định ngừng hoạt động kinh doanh và tiến hành giải thể từ đầu tháng 3. Lý do được vị này đưa ra là công ty gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh và không thể tiếp tục duy trì hoạt động.

Trước thương vụ chuyển nhượng giữa Tín Tâm và đại gia 9X, cổ phiếu VPB cũng từng là tâm điểm của nhiều giao dịch thỏa thuận lớn, giá trị hàng nghìn tỷ đồng khác.

Cuối tháng 3, gần 100 triệu cổ phiếu VPB, tương đương 6,36% vốn điều lệ của ngân hàng này đã được sang tay chỉ trong một ngày. Bốn nhà đầu tư cá nhân đã chi hàng nghìn tỷ ra gom số cổ phiếu này.

Cụ thể, hai tổ chức là Công ty TNHH Đầu tư Quang Đăng và Công ty TNHH Đầu tư Lưu Khuyên đã sang tay gần 100 triệu cổ phiếu VPB, mỗi tổ chức chuyển nhượng xấp xỉ 50 triệu đơn vị.

thau_tom_cp_vpb.vtc

 4 cá nhân mua lại lượng lớn cổ phiếu VPBank hồi tháng 3. Nguồn: VSD.

Phía nhận chuyển nhượng là 4 nhà đầu tư cá nhân, trong đó, bà Đỗ Thị Mai là người nhận chuyển nhượng nhiều nhất, với tổng cộng 47,55 triệu cổ phiếu; bà Đặng Thị Thanh Tâm cũng nhận nhượng lại 26,27 triệu cổ phiếu, bà Trần Thị Hương với 23,2 triệu cổ phiếu và bà Bùi Bích Hạnh 2,45 triệu cổ phiếu VPB.

Nếu tính theo giá thị trường của cổ phiếu VPB trong ngày 26/3, là 64.300 đồng/cổ phiếu, giá trị của thương vụ này lên tới 6.400 tỷ đồng.

Đáng chú ý, cũng giống thương vụ chuyển nhượng giữa Tín Tâm và đại gia 9X, người đứng tên đại diện pháp luật tại Quang Đăng, đồng thời là Chủ tịch HĐTV tại đây cũng là bà Đỗ Thị Mai. Bên cạnh đó, thành viên góp vốn tại Quang Đăng cũng chính là bà Bùi Bích Hạnh, người nhận chuyển nhượng 2,45 triệu cổ phiếu.

Tương tự, Công ty Lưu Khuyên có địa chỉ cùng với Công ty Quang Đăng tại Hà Nội và đại diện theo pháp luật tại công ty này cũng chính là bà Trần Thị Hương, người nhận chuyển nhượng 23,19 triệu cổ phiếu.

Sau đó không lâu, ngày 11/4, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam tiếp tục công bố nhà đầu tư Trần Quốc Anh Thuyên đã nhận chuyển quyền sở hữu 22,7 triệu cổ phiếu VPB từ Công ty TNHH Tư vấn Kinh doanh Trang Thành. Ông Trần Quốc Anh Thuyên cũng là một đại gia còn rất trẻ, sinh năm 1992.

Một điểm chung của các thương vụ chuyển nhượng trên là cả 4 pháp nhân Quang Đăng, Lưu Khuyên, Trang Thành và Tín Tâm đều dừng hoạt động kinh doanh và giải thể sau thời gian ngắn thành lập. Nguyên nhân dẫn đến giải thể đều vì khó khăn; các cá nhân nhận chuyển nhượng cổ phiếu đều là lãnh đạo các công ty này.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn