Đỗ Minh Phúc hiện là học sinh lớp 12 chuyên Tin, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Nhen nhóm ước mơ đi du học từ nhỏ nhưng Phúc thừa nhận bắt đầu lộ trình hơi muộn.“Nếu được làm lại, em sẽ bắt đầu sớm hơn để có điểm thi tốt hơn” - Phúc chia sẻ.
Nam sinh này nhận được thông báo trúng tuyển của 4 đại học công lập Mỹ, bao gồm: ĐH Michigan, ĐH Illinois, ĐH Wisconsin và ĐH Bang North Carolina. Nhưng em đang đợi kết quả của một số đại học tư thục khác để quyết định sẽ theo học trường nào.
Thành tích học tập của Phúc rất ấn tượng với giải Nhì chung cuộc Kỳ thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành học sinh phổ thông với sản phẩm “cho bay tàn dư từ các công trình xây dựng để xử lý chất thải gây ảnh hưởng tới môi trường” do em và một bạn khác là đồng tác giả.
Năm lớp 11, Phúc cũng giành Huy chương Đồng Olympic Thiên văn học châu Á - Thái Bình Dương. Ở trường, em luôn cố gắng học đều tất cả các môn và tham gia các hoạt động ngoại khoá phù hợp với bản thân.
Phúc cũng là đồng sáng lập một dự án quyên góp tiền để xây dựng tủ sách cho học sinh Sapa. Các đầu sách bao gồm nhiều lĩnh vực như: STEM, tiếng Anh, văn học…
Ngoài ra, ở trường, em tham gia câu lạc bộ Am’s Advisor – nơi kết nối các câu lạc khác trong trường từ học thuật cho tới nghệ thuật.
Chia sẻ về quá trình nộp hồ sơ, Phúc nói: “Có lẽ khó khăn nhất là việc tìm ý tưởng cho bài luận. Ban đầu, em không biết mình muốn viết gì, nhưng sau đó nhờ sự giúp đỡ của các anh chị đi trước, em đã tìm cách thể hiện được bản thân mình rõ nét nhất với ban tuyển sinh”.
Thậm chí, Phúc tin rằng bài luận sau đó là điểm mạnh trong bộ hồ sơ của em để cạnh tranh với các ứng viên khác. “Em thấy điểm số của mình thấp hơn các bạn cùng trúng tuyển vào Michigan, nên em cho rằng trường đã nhìn em ở một góc độ khác - có thể là một người có động lực và kế hoạch tốt”.
Là một học sinh chuyên khoa học tự nhiên, Phúc chia sẻ em ít học từ sách vở, thay vào đó rất thích xem phim và các video tiếng Anh. Chính vì thế mà điểm thi viết của em kém nhưng phần nói lại tốt.
Trong các bài luận phụ mà trường đặt ra, khi được hỏi về kế hoạch cho tương lai, em cũng rất thành thật chia sẻ rằng, sau khi tốt nghiệp, em muốn học lên Thạc sĩ, tìm một công việc tốt có thể ở Việt Nam hoặc đâu đó để có thu nhập lo cho cuộc sống của bản thân.
Phúc cho biết nếu không thể đi du học, em cũng thấy thoải mái khi học tập ở Việt Nam. Em muốn đi du học không chỉ để tìm kiếm một nền giáo dục, mà để xem thế giới đang nghĩ gì, sống như thế nào.
“Em thích văn hoá ở nhiều nơi trên thế giới. Một lần sang Úc, em thấy những người đứng chờ xe buýt ít khi ngồi ở ghế chờ mà đứng sát vỉa hè để người đi bộ có chỗ đi thoải mái hơn. Em thích tìm kiếm những nét đẹp văn hoá đó và biết đâu sau này mình có thể thay đổi được điều gì”.
Nói về những người có ảnh hưởng tới mình, Phúc nhắc tới bố và một người bạn thân.
“Bố em sinh ra từ một gia đình nghèo, gây dựng sự nghiệp bằng nỗ lực tự thân. Bố giống như một tấm gương để em noi theo. Thay vì từ quê ra thành phố như bố thì em muốn đi sang một đất nước khác để mở mang hiểu biết và tầm nhìn của mình”.
Phúc cũng có một người bạn thân dù không học cùng trường và không cùng mục tiêu, nhưng đã tạo cho em động lực để cùng nhau cố gắng.
Khi được hỏi môi trường đang theo học có gây cho em nhiều áp lực, Phúc nói: “Áp lực không đến từ thầy cô mà đến từ chính các bạn xung quanh mình. Chúng em tự nhìn nhau để cùng nỗ lực. Khi vào Ams, em thấy các bạn rất giỏi. Có những bạn đạt huy chương vàng, bạc thế giới, có bạn lãnh đạo rất tốt, có bạn lại có năng khiếu nghệ thuật”.
Phúc cho rằng bản thân hay các bạn khác, nếu không trúng tuyển trường này trường kia cũng không nên buồn, vì đa phần các trường chọn sinh viên theo tiêu chí phù hợp với trường thay vì có thành tích đẹp. “Theo em, nếu trượt thì đó cũng là một trải nghiệm”, Phúc nói.
Bình luận