• Zalo

Nam sinh trở thành thủ khoa kép sau nhiều năm 'đội sổ'

Diễn đànThứ Sáu, 11/09/2020 07:58:00 +07:00Google News

Bảo Lâm bứt phá trở thành thủ khoa đầu vào và tốt nghiệp Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội sau nhiều năm là học sinh 'đội sổ'.

Nguyễn Bảo Lâm (SN 1997) là thủ khoa đầu vào của Đại học Giao thông Vận tải. Bốn năm sau, cậu cũng xuất sắc đoạt danh hiệu thủ khoa đầu ra và được giữ lại làm giảng viên của trường.

Từ bỏ trường chuyên 

Sinh ra trong gia đình có truyền thống theo nghề giáo, Lâm tự nhận bản thân có phần may mắn nhưng cũng là áp lực khi bố mẹ luôn đồng hành cùng mình trong việc học. “Em hay đùa với các bạn rằng, trong suốt 12 năm đi học, nếu như mỗi kỳ các bạn chỉ có một lần họp phụ huynh thì với em dường như ngày nào cũng thế”, Lâm nói.

Cấp 2 phải học trong môi trường quá sức với “toàn bạn giỏi”, Lâm cho biết bản thân luôn phải gồng mình lên với cường độ học tập cao.

“Nhưng càng áp lực, em càng cảm thấy bản thân học không vào. Hồi đó em giống như một học sinh cá biệt, là thành phần xếp cuối của lớp với học lực kém. Xung quanh em, các bạn đều học đội tuyển và là học sinh cưng của thầy cô. Em cảm thấy các bạn đều không muốn chơi với mình”, Lâm nói.

Quãng thời gian đó với Lâm giống như một cú trượt dài mà dù có cố gắng như thế nào cũng “không ăn thua”.

Nam sinh trở thành thủ khoa kép sau nhiều năm 'đội sổ' - 1

Nguyễn Bảo Lâm (SN 1997) là thủ khoa kép của Đại học Giao thông Vận tải.

Thời điểm sắp thi cấp 3, khi các bạn trong lớp mải mê ôn luyện vào trường chuyên lớp chọn, Lâm lại được cô giáo khuyên nên theo một ngôi trường bình thường. “Lúc đó, mẹ khuyên em nên giữ một tinh thần tốt và phải tin vào bản thân. Sau này em mới thấy biết ơn vì mẹ đã giúp em nhận ra mình không kém cỏi đến như thế” - Lâm nói.

Lâm chọn thi vào lớp chuyên Anh của trường chuyên Ngoại ngữ và Sư phạm. Kết quả, cậu đỗ vào cả hai trường. Khi ấy em thực sự cởi bỏ được mặc cảm.

Song, mặc dù đỗ vào hai ngôi trường “hot” của Hà Nội, Lâm vẫn quyết định từ bỏ. Em sợ rằng khi học trường chuyên, sự áp lực lại lấn át những thứ khác khiến em không có cơ hội phát triển. Từ những trải nghiệm của năm cấp 2, em không muốn đi theo con đường như thế nữa.

Trong những năm cấp 3, kết quả học tập của Lâm khá hơn rất nhiều. Cậu đã đoạt nhiều giải thưởng cấp quận, thành phố trong bộ môn tiếng Anh ở giai đoạn này.

Mác "con nhà nòi"

Có bố là giảng viên Đại học Giao thông Vận tải, ông nội là một trong những tổng công trình sư đầu tiên của Việt Nam và cũng là người chỉ huy xây dựng cầu Hàm Rồng, cầu Thăng Long, Lâm luôn cảm thấy tự hào và muốn tiếp bước truyền thống gia đình.

Vì vậy, cậu quyết định đăng ký vào ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông của trường Đại học Giao thông Vận tải. Năm ấy, Bảo Lâm trở thành thủ khoa đầu vào toàn trường.

Nhưng chính danh hiệu này và mác "con nhà nòi" lại một lần nữa khiến Lâm cảm thấy áp lực. Cuối năm học đầu tiên, cậu mệt mỏi khi phải đối diện với những sự nghi hoặc của người khác về năng lực của mình. Lâm chán nản và bắt đầu trốn tiết.

Suốt hai tháng như thế đủ để nam sinh nhận ra mình gần như không còn hiểu thầy cô nói gì nữa. Nỗi ám ảnh của những năm cấp 2 ùa về khiến Lâm quyết định quay trở lại việc học.

Lần này, thay vì bị chi phối, em quyết tâm biến chính áp lực đó thành động lực và mục tiêu. Nếu các bạn cố gắng 1, em phải cố gắng gấp 10 để tự khẳng định mình và đập tan mọi sự nghi hoặc của người khác. Nam sinh luôn tận dụng thời gian để học từ các thầy cô và những người bạn.

“Học xong trên lớp, em lại rủ các bạn tới thư viện vì mỗi bạn có phương pháp khác nhau để mình có thể học hỏi. Trước mỗi kỳ thi, em luôn vạch ra kế hoạch tỉ mỉ về mục tiêu, nhiệm vụ từng ngày”, Lâm cho hay.

Nam sinh trở thành thủ khoa kép sau nhiều năm 'đội sổ' - 2

Lâm được vinh danh tại Lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc năm 2020.

Chỉ 2 tuần, Lâm đã bắt kịp các bạn và đạt điểm số 3,97/4 sau khi kết thúc năm thứ nhất.

Năm thứ 3, cậu là đại diện của trường sang Nhật Bản 1 tuần để giao lưu, học hỏi và tham quan các cơ sở nghiên cứu của nước bạn. Đến năm thứ 4, cậu tiếp tục được cử sang Nhật, tham gia vào hội thảo quốc tế do hội kỹ sư Nhật Bản tổ chức.

“Đây là hội thảo thường niên và là nơi các kỹ sư đến từ những nước khác nhau có thể công bố các nghiên cứu mới và trao đổi chuyên môn. Em được đại diện Việt Nam đứng lên phát biểu về nội dung liên quan đến các dạng hư hỏng của cầu bê tông cốt thép. Những chuyến đi này đã nhen nhóm cho em mục tiêu sẽ đặt chân tới nước Nhật để tiếp tục học cao lên”, Lâm chia sẻ.

Sau 4,5 năm học, Lâm tốt nghiệp Đại học Giao thông Vận tải với điểm số 3,82/4 và trở thành thủ khoa đầu ra của trường. Từ bỏ những cơ hội việc làm tốt, Lâm quyết định tiếp tục học cao hơn với mong muốn được làm công tác giảng dạy để chia sẻ vốn kiến thức của mình với các bạn sinh viên.

“Em nghĩ lợi thế của mình là hiểu được môn học này khô khan ở chỗ nào và khắc phục ra sao. Em rất muốn được chia sẻ và giúp đỡ sinh viên vượt qua những điều đó”, Lâm nói.

Hiện Lâm là giảng viên thỉnh giảng môn Vật liệu xây dựng của Đại học Giao thông Vận tải. Ngày đầu tiên ra mắt bộ môn và giảng dạy thử, đứng trước hơn 10 giảng viên của khoa, Lâm cảm thấy dù bản thân có chuẩn bị kỹ càng đến đâu vẫn là không đủ.

“Trước đây khi còn là sinh viên, dù em có nói sai, thầy cô vẫn có thể châm chước. Nhưng giờ đã là đồng nghiệp, em cần phải giữ cho mình thái độ nghiêm túc hơn ngay từ những việc nhỏ nhặt nhất như không được đến muộn”, Lâm nói.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn