Thông tin trên được bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), chia sẻ vào sáng nay, 5/5.
Bệnh nhân là em T.T.K.14 tuổi. Khai thác bệnh sử ghi nhận khoảng 8h30 sáng 4/5, K. tập chạy quanh sân bóng đá trường học. Em chạy 10 vòng, mỗi vòng khoảng 400m trong 30 phút.
Sau khi chạy xong, em than mệt, vã mồ hôi, bị chuột rút, nhức đầu và ngất xỉu. Nam sinh được đưa vào bệnh viện địa phương trong tình trạng tím tái, thở yếu, sốt 41 độ C, SpO2 70%, huyết áp 80/50mmHg. Các bác sĩ đặt nội khí quản giúp thở, truyền dịch chống sốc. Kết quả chụp CT scan não không ghi nhận tổn thương.
Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân diễn tiến nặng nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Tại đây, em K. còn lơ mơ, da khô nóng, sốt 39 độ C, mạch 126 lần/phút, huyết áp 110/80mmHg, chẩn đoán bị sốc nhiệt ở trẻ vận động gắng sức trong môi trường nắng nóng.
Bác sĩ chỉ định thực hiện các xét nghiệm máu, X-quang phổi, CT scan não. Kết quả ghi nhận em bị tổn thương gan, thận, toan chuyển hóa, lactate máu tăng. Bệnh nhân được truyền dịch, lau mát bằng nước và quạt để tăng cường thải nhiệt, điều chỉnh điện giải, đường huyết…
Sau 6 giờ điều trị, K. tỉnh táo nhưng còn sốt 38 độ C, tiếp tục điều trị hỗ trợ gan thận và theo dõi huyết động.
Bác sĩ Tiến lưu ý trong mùa nắng nóng, phụ huynh cần cho con mặc đồ vải mỏng, ngắn tay, màu nhạt để tránh hấp thu nhiệt. Trẻ cần uống nhiều nước, tránh những trò chơi vận động mạnh dưới trời nắng nóng, đội nón rộng vành khi đi ngoài trời nắng để tránh nguy cơ sốc nhiệt như tình huống trên.
Những ngày qua, TP.HCM và các tỉnh, thành Nam Bộ đang trải qua đợt nắng nóng kéo dài. Mức nhiệt thường xuyên ở 35-37 độ C. Cơ quan khí tượng cũng dự báo chỉ số UV cực đại trong ngày tại TP.HCM ở mức 10, mức nguy cơ gây hại rất cao.
Do đó, người dân cần hạn chế ra ngoài các khung giờ từ 11-16h. Nếu phải ra ngoài, cần kết hợp mặc quần áo dài, đội nón rộng vành, đeo kính râm, hạn chế để lộ cơ thể trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời.
Bình luận