Thí sinh Chu Văn An (THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) đã có trận thi tháng đầy cảm xúc khi liên tục ở vị trí thứ hai đoàn đua, may mắn ở thời điểm bấm chuông giành quyền trả lời là thua... Đặc biệt, cậu tiếp tục phải phân định thắng thua bằng câu hỏi phụ.
Trận tháng 3 quý I Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22 chứng kiến sự tranh tài của bốn nhà leo núi: Phạm Thế Cường (THPT Nguyễn Đức Thuận, Nam Định), Phạm Tiến Huy (THPT Nguyễn Du, Thái Bình), Chu Văn An (THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) và Nguyễn Hữu Đạt (THPT Than Uyên, Lai Châu).
Ở phần thi đầu tiên - Khởi động, Tiến Huy nhanh chóng nhập cuộc và chiếm ưu thế dẫn đầu với 110 điểm. Tiếp đến, Văn An 50 điểm, Hữu Đạt 20 điểm, Thế Cường 10 điểm.
Từ khoá cần tìm trong phần thi Vượt chướng ngại vật tuần này có 8 chữ cái. Hàng ngang đầu tiên được lựa chọn có câu hỏi: "Đàn tranh Việt Nam thường có bao nhiêu dây?" Chỉ Văn An ghi điểm điểm với câu trả lời "16".
Tiếp theo câu hỏi hàng ngang thứ hai: "Tính đến hết năm 2010, khối lượng hàng hóa vận chuyển qua loại hình giao thông vận tải nào ở nước ta lớn nhất?". Ngay sau khi MC đọc câu hỏi, cả hai thí sinh Tiến Huy, Hữu Đạt lần lượt bấm chuông trả lời từ khóa.
Nhờ sự nhanh tay và trả lời đáp đúng "Xe gắn máy", Tiến Huy giành được 60 điểm nâng tổng số điểm lên 170 điểm, bỏ xa các đối thủ cùng chơi - Văn An 60 điểm, Hữu Đạt 20 điểm, Thế Cường 10 điểm.
Phần thi Tăng tốc chứng kiến sự vươn lên của hai thí sinh Văn An (ghi thêm 140 điểm) và Thế Cường (ghi thêm 110 điểm) rút ngắn khoảng cách với thí sinh dẫn đầu. Lúc này, thứ tự đoàn đua là Tiến Huy 240 điểm, Văn An 200 điểm, Thế Cường 120 điểm, Hữu Đạt 50 điểm.
Bước vào phần thi quyết định - Về đích, Tiến Huy chọn gói câu hỏi 20 điểm, nhưng không trả lời đúng cậu về chỗ với 200 điểm. Hữu Đạt và Thế Cường giành điểm trong lượt thi của Tiến Huy.
Văn An chọn gói câu hỏi 20 điểm. Sau câu đầu tiên để Thế Cường có quyền trả lời ghi điểm, Văn An ghi điểm câu thứ hai. Cậu về chỗ với 200 điểm.
Thế Cường có 160 điểm, đã lựa chọn gói câu hỏi 20 điểm. Cậu ghi điểm câu đầu tiên. Câu thứ hai, Hữu Đạt giành quyền trả lời nhưng không ghi được điểm. Thế Cường về chỗ với 180 điểm.
Hữu Đạt có 60 điểm, chọn gói câu hỏi có giá trị 20 điểm. Cậu đã chọn Ngôi sao hy vọng cho câu đầu tiên để nâng điểm số lên 100 điểm. Câu hỏi thứ hai trong phần thi của Hữu Đạt là một trong những dấu ấn của trận đấu. Câu hỏi có nội dung: "Huyện đảo xa bờ nhất của miền Bắc nước ta có tên là gì? Trực thuộc tỉnh/thành nào?"
Thế Cường đang sở hữu 180 điểm đã giành được quyền trả lời. Nếu trả lời đúng cậu sẽ có cùng số điểm 200 của hai người dẫn đầu. Cậu đưa ra câu trả lời: "huyện đảo Cô Tô ở Hải Phòng". Tuy nhiên, đáp án chính xác phải là "huyện đảo Bạch Long Vỹ, Hải Phòng".
Ngay khi Thế Cường đưa ra câu trả lời, phía sau Tiến Huy và Văn An đã có cú đập tay. Văn An cho biết: Cả hai đều sai giống nhau. Văn An hay Tiến Huy mà bấm chuông có quyền trả lời thì sẽ thành người thua cuộc.
Do Tiến Huy và Văn An cùng đạt được 200 điểm. Để quyết định người thắng cuộc tuần thi này, hai thí sinh phải trải qua câu hỏi phụ.
Văn An chia sẻ, phần thi phụ này khiến cậu già đi mấy tuổi. Việc cũng giành số điểm 200 và phải bước vào phần thi câu hỏi phụ ở vòng thi tuần và vòng thi tháng này giống như lời nguyền. Tiến Huy dù lần đầu phải thi câu hỏi phụ, nhưng tự tin không phải là điều bất lợi so với Văn An.
Câu hỏi phụ đầu tiên: "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương" là những câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan về tòa thành nào?"
Tiến Huy nhanh chóng bấm chuông đưa ra câu trả lời, nhưng cậu chưa đưa ra được đáp án chính xác. Quyền trả lời câu hỏi lúc này thuộc về Văn An. Nam sinh đưa ra đáp án chính xác là "thành Thăng Long" và giành được quyền đi tiếp vào trận thi quý.
Kết quả chung cuộc trận thi tháng 3 quý I, Chu Văn An (THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) giành được vòng nguyệt quế, với 200 điểm. Phạm Tiến Huy (THPT Nguyễn Du, Thái Bình) cùng số điểm 200, nhưng thua câu hỏi phụ, về nhì. Về thứ ba, Phạm Thế Cường (THPT Nguyễn Đức Thuận, Nam Định) 180 điểm và Nguyễn Hữu Đạt (THPT Than Uyên, Lai Châu) 100 điểm.
Bình luận