Trao đổi với phóng viên ngày 3/10, người mẹ này cho hay do quá mặc cảm, con trai chị tên Lâm (13 tuổi) đã nghỉ học, theo cha đi làm đồng nửa tháng nay.
"Vài ngày trước, tôi qua Sở GD&ĐT Sóc Trăng kêu cứu nhưng không được giải quyết. Sáng nay, tôi gửi đơn cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thì đến trưa được lãnh đạo Trường tiểu học Lý Đạo Thành ở phường 8 gọi lên, kêu Lâm ngày mai đi học lớp 5", chị Quỳnh Giao nói.
Theo người mẹ, năm Lâm học lớp 4 Trường tiểu học Lý Đạo Thành, gia đình thấy con trai học quá yếu. Sau khi bàn với chồng, nữ phụ huynh đến gặp cô chủ nhiệm lớp 4/3 để xin cho Lâm lưu ban một năm nhưng em vẫn lên lớp 5.
"Cuối lớp 5, vợ chồng tôi thấy Lâm đọc chữ rất chậm nên xin thầy chủ nhiệm cho con mình ở lại lớp để học thêm một năm. Tuy nhiên, thầy nói cháu học được, gia đình đồng ý thì nhà trường cho lên lớp. Tôi không biết chữ, gửi con cho nhà trường thì thầy giáo nói sao mình nghe vậy", người mẹ kể.
Năm học 2016-2017, Lâm được xét tuyển vào trường THCS Lê Vĩnh Hòa. Sau khi kiểm tra chất lượng đầu năm, nhà trường giật mình khi nam sinh không làm được bài kiểm tra, tên họ em viết cũng không rõ.
Sau hai tuần học lớp 6, giáo viên phát hiện học lực của Lâm rất kém, không làm được bài tập, đọc và viết cũng không được.
Trước tình hình này, Trường THCS Lê Vĩnh Hòa buộc phải mời phụ huynh đến làm việc và quyết định chuyển Lâm trở lại tiểu học.
"Sau khi con tôi đến trường cũ, cô hiệu trưởng gọi lên và nói Lâm không thể học lớp 5 mà phải học lại. Nghe đến đây, mẹ con tôi chỉ biết ôm nhau khóc. Thấy vậy, trường cho học lớp 2 nhưng được vài ngày thì Lâm bỏ học vì mặc cảm", chị Giao chia sẻ.
Ngoài bức xúc khi thấy con "tuột cấp" khiến tâm lý của Lâm bị sốc, chị Giao còn buồn vì nhà nghèo mà tốn trên 3 triệu đồng để mua quần áo, tập sách cho nam sinh học lớp 6. Riêng tiền trường, nữ phụ huynh đóng 415.000 đồng, chỉ được nhận lại 170.000 đồng.
"Lãnh đạo THCS Lê Vĩnh Hòa nói đầu năm tôi đóng tiền bàn ghế, điện nước, vệ sinh cho con thì không lấy lại được", mẹ nam sinh cho hay.
Nhìn con trai hàng ngày theo cha ra đồng, chị Giao không cam tâm nên người mẹ chạy đi khắp nơi để gõ cửa các cơ quan. Chị muốn con mình học lớp 5, chứ không thể đã có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tiểu học mà phải học lại lớp 1.
Bà Nguyễn Huỳnh Ngọc Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Đạo Thành, xác nhận chuyện Lâm không biết đọc, biết viết.
Theo bà Hạnh, trường này đạt chuẩn quốc gia 4 năm trước. Hàng năm, để xét lên lớp, trường tổ chức thi, kiểm tra chéo, nhận xét đánh giá đầy đủ theo Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT. Để xảy ra tình trạng học sinh lên lớp nhưng không biết đọc là lỗi do nhà trường tin tưởng giáo viên.
Ông Ngô Hùng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết ông vừa ký văn bản gửi Sở GD&ĐT để yêu cầu kiểm tra, rà soát những trường hợp học sinh yếu kém vẫn được các trường cho lên lớp. Sau khi ngành giáo dục rà soát tất cả các trường hợp, tỉnh sẽ có ý kiến xử lý vụ việc đến nơi đến chốn.
Bình luận