Một nam sinh "lớp 13" đã gửi cho VTC News bức thư mong muốn chuyển lên Bộ GD-ĐT để góp ý cho kỳ thi THPT quốc gia 2016.
Báo điện tử VTC News xin chia sẻ bức thư của Nguyễn Văn Đông gửi lên Bộ GD-ĐT.
Kính thưa Bộ GD-ĐT! Sau khi Bộ đưa ra dự thảo về kỳ thi THPTQuốc gia 2017, cháu có một số băn khoăn mong muốn được Bộ giải đáp.
Năm 2016 vừa qua cháu vừa tốt nghiệp THPT và cũng may mắn đậu được một trường đại học top giữa,nhưng cháu muốn thi lại một năm để thi vào trường cháu yêu thích hơn.
Khi bết được thông tin Bộ sẽ thay đổi phương án thi,cháu thực sự rất sốc vì giờ cháu không còn là học sinh 12 nữa nên không được các thầy cô chỉ bảo để vượt qua kỳ thi quan trọng này,đặc biệt là với môn Toán.
Vì vậy cháu mong Bộ xem xét những thỉnh cầu của cháu.
Thứ nhất là về cách tổ chức thi: Năm nay Bộ dự định sẽ tổ chức thi trong 2 ngày thay vì 5 ngày như năm 2016.
Điều này có lẽ sẽ giảm được chi phí cho phụ huynh nhưng thực sự lại làm tăng áp lực cho thí sinh vì phải hoàn thành 6 môn thi chỉ trong vỏn vẹn 2 ngày.
Thêm vào đó năm nay kỳ thi do Sở tổ chức nên chi phí đó thực ra lại không đáng lo.
Thứ hai là về mục đích bài thi tích hợp: Mục đích của bài thi này là để tránh việc học sinh học tủ, học lệch nhưng dưới sự đánh giá của một người học, cháu nghĩ việc này chỉ là do học sinh dành nhiều công sức hơn vào những kiến thức sẽ áp dụng vào công việc sau này của các bạn.
Ví dụ một bạn có ước mơ trở thành bác sĩ thì bạn ấy chú trọng vào Hóa học, Sinh học hơn môn Vật lý cũng là điều dễ hiểu. Hay một kỹ sư điện tử cũng không nhất thiết phải học sâu vào môn Sinh học như môn Vật lý...
Tâm lý này, theo cháu là làm gì học nấy chứ không phải thi gì học nấy như nhiều người nghĩ.
Video: Vì sao cần trắc nghiệm môn Toán năm 2017?
Thứ ba là về cấu trúc bài thi tổ hợp: Với bài thi Khoa học Tự nhiên, theo cấu trúc của Bộ thì bài thi sẽ có 60 câu của ba môn Vật lý, Hóa học, Sinh học,mỗi môn 20 câu.
Thăm dò ý kiến: Có nên thi trắc nghiệm với môn Toán và Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia 2017?
Các trường sẽ dùng điểm các môn này để xét vào các trường Đại học-Cao đẳng nhờ các tổ hợp môn truyền thống.
Nhưng cách này cháu thấy có hơi rối vì cùng trong 90 phút các bạn thi A1 sẽ chỉ chú trọng 20 câu Vật lý, các bạn thi khối A chỉ dành nhiều thời gian cho 40 Vật lý và Hóa học,... điều này sẽ gây bất công giữa các bạn cùng môn nhưng khác khối thi.
Hơn nữa khi số câu hỏi chỉ 20 câu sẽ dẫn đến tình trạng điểm khoanh bừa sẽ cao.
Một câu khoanh bừa sẽ có được 0,5 điểm. Con số này là khá cao so với kỳ thi quan trọng như vậy và sẽ làm thay đổi khá nhiều trong kết quả xét tuyển đại học.
Điều này sẽ giảm bớt khi thi 50 câu như các năm gần đây.
Thứ tư là về hình thức trắc nghiệm môn toán: Thực sự không phải 3 năm cấp 3 mà từ những năm đầu cấp 2 các cháu đã học làm bài tập tự luận như phương trình,hệ phương trình,bài tậpđường tròn,... trong sách giáo khoa cũng có rất ít câu trắc nghiệm.
Phần lớn trong đó có thể sử dụng máy tính và không cần suy nghĩ nhiều. Tiếp theo là các câu hay nhất trong một đề thi, theo đánh giá cá nhân của cháu là câu tọa độ phẳng,phương trình- hệ phương trình và câu bất đẳng thức thì mỗi câu sẽ có một “số phận” khác nhau.
Câu bất đẳng thức chắc chắn sẽ bị bỏ khi thi trắc nghiệm,câu phương trình sẽ trở thành câu dễ ăn điểm nhất vì có trợ giúp của máy tính còn câu tọa độ phẳng sẽ dễ hơn khá nhiều khi bước quan trọng nhất là khâu chứng minh sẽ được bỏ qua.
Theo đó kỳ thi sẽ khó phân loại được thí sinh.
Trên mạng xã hội facebook hiện nay đang lan truyền khá nhiều công thức tính nhanh, thủ thuật khoanh đáp án môn toán mà theo cháu nó sẽ không tốt cho tư duy sau này.
Thứ năm là về giới hạn ôn thi: Theo Bộ thì đề thi năm nay sẽ tập trung chủ yếu vào lớp 12 và không đáng lo ngại, nhưng theo cháu, các kiến thức trong sách giáo khoa còn khá nặng và liên quan nhiều đến nhau giữa các năm học.
Từ các băn khăn trên,cháu lại thấy sợ vì nếu các trường chưa tin tưởng vào kỳ thi lại tổ chức thêm một kỳ thi nữa sẽ rất vất vả cho thí sinh nói riêng và xã hội nói chung.
Từ đó mục đích kỳ thi THPT quốc gia là để giảm chi phí cho xã hội sẽ không còn.
Giáo dục công dân thành môn thi THPT Quốc gia 2017: Học sinh hoang mang, giáo viên lo lắng
Kỳ thi năm 2016, về mặt tổ chức thi cháu thấy rất ổn,các thí sinh và phụ huynh phấn khởi. Trường đại học tự tin lấy kết quả kỳ thi để xét tuyển.
Vấn đề đáng phải đổi mới là khâu tuyển sinh nên cháu thấy thay vì thay đổi nội dung thi thì nên đổi mới cách tuyển sinh để giảm áp lực cho các trường đại học thì hơn.
Về mặt lý thuyết, cháu là thí sinh tự do nên sẽ có lợi hơn khi tham gia kỳ thi, nhưng cháu chỉ muốn có một kỳ thi hoàn toàn công bằng nên cháu quyết định trình bày để Bộ xem xét.
Cháu xin chân thành cảm ơn và mong Bộ xem xét.
Bình luận