Erasmus Mundu là chương trình học bổng thạc sĩ toàn phần được cấp bởi Liên minh châu Âu, tỷ lệ cạnh tranh cao. Trúng học bổng trị giá 1,3 tỷ đồng, Văn Nhất có 2 năm du học thạc sĩ qua 3 nước: Phần Lan, Nauy và Hungary.
Từng đậu đại học nhờ tấm vé vớt
Nhìn lại hành trình đã qua, Văn Nhất không giấu nổi xúc động. Gia đình cậu thuộc diện “nghèo nhất xã”, thế nên, khi chọn ngành học điều quan trọng nhất là yếu tố miễn học phí.
“Thời điểm đó em chọn theo học ngành Điện hạt nhân vì nhu cầu về nhân lực phục vụ nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận đang tăng. Học ngành này em sẽ không phải đóng học phí”, Văn Nhất nhớ lại.
Sau kỳ học đầu tiên, cậu rơi vào nỗi hoài nghi về sự lựa chọn này. Nhiều đêm liền nam sinh mất ngủ vì quẩn quanh với câu hỏi có nên tiếp tục theo học hay rẽ hướng ôn thi sang ngành học mới. Nhất không tìm thấy hứng thú học tập, mỗi ngày đến lớp đều rất nặng nề. Sau đó, cậu quyết định bỏ, ôn thi lại.
Năm 2016, Văn Nhất đỗ vào trường Đại học Công Nghệ, Đại học Quốc Gia Hà Nội với “tấm vé vớt” nhờ kết quả thi đánh giá năng lực. Sau khi bắt đầu lại hành trình đại học, 9x làm công việc gia sư để trang trải sinh hoạt phí, đỡ đần gánh nặng tài chính cho gia đình.
Chưa từng đủ tiền để đi học thêm tiếng Anh ở trung tâm, cậu quyết tâm tự mày mò học thêm trên mạng. Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ đến năm thứ ba, cậu rủ 2 bạn khác trong trường tự mở một lớp tiếng Anh, thuê 2 sinh viên trao đổi người nước ngoài dạy.
“Em vừa tổ chức lớp, vừa trợ giảng, vừa được học tiếng Anh miễn phí mà bản thân cũng trở nên dạn dĩ hơn rất nhiều”, nam sinh nói.
Câu nói ngẫu nhiên thay đổi cuộc đời
Suốt ba năm đầu học đại học, Văn Nhất không mảy may nghĩ đến việc học lên thạc sĩ dù kết quả học khá tốt. Cho đến khi một người bạn cùng lớp hỏi “cậu có ý định đi du học Hàn Quốc không?”, nam sinh mới bắt đầu nhen nhóm ý muốn du học hệ thạc sĩ.
Chính câu hỏi ngẫu nhiên này đã thay đổi cuộc đời của nam sinh trường làng Hoàng Văn Nhất.
Ban đầu cậu cố gắng duy trì kết quả học tập tốt để sau khi ra trường có thể xin được công việc ổn. “Câu hỏi ngẫu nhiên của bạn khiến em bắt đầu có ý tưởng đi du học. Bản thân em ngày đó chỉ 0% tự tin vào việc hồ sơ của mình có khả năng xin được học bổng”, nam sinh kể.
Năm 2020, Văn Nhất tốt nghiệp xuất sắc, nằm trong top 2 sinh viên điểm cao nhất lớp. Sau khi cầm trong tay tấm bằng cử nhân, Nhất vẫn đau đáu với giấc mơ đi du học. Dù vậy, chàng trai này hiểu, hồ sơ có kinh nghiệm nghiên cứu mới là lợi thế cạnh tranh khi nộp các chương trình học bổng.
Nhất dành 2 năm tham gia nghiên cứu về mảng xử lý tín hiệu cùng thầy giáo đại học. 9x đánh giá, lợi thế khi làm nghiên cứu là có thời gian linh hoạt để cậu vừa học tiếng anh, vừa chuẩn bị hồ sơ xin học bổng.
Giống như nhiều sinh viên mới ra trường, Nhất cũng từng rơi vào trạng thái áp lực đồng trang lứa. Trong khi bạn bè xung quanh đã có công việc ổn với mức lương tương đối tốt và có cơ hội thăng tiến sự nghiệp, thì thu nhập của cậu chỉ đủ để không phụ thuộc vào kinh tế gia đình. Song, giấc mơ du học đã vực Nhất khỏi sự chán nản, quyết tâm bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình.
Sau hai năm làm nghiên cứu, Văn Nhất nộp hồ sơ ứng tuyển và giành được 3 học bổng toàn phần hệ thạc sĩ, đó là chương trình Erasmus Mundus, Đại học Paris Saclay (Pháp) và chương trình VinIF. Em quyết định lựa chọn học bổng danh giá của Liên minh châu Âu - Erasmus Mundus.
“Khi biết tin em là 1 trong 40 sinh viên Việt được nhận học bổng này em không tin nổi, còn gọi điện sang Nauy để xác nhận lại”, Nhất nhớ lại và nở nụ cười hãnh diện cho hành trình đầy gai nhọn đã đi qua.
Bài học từ sự khác biệt
Giữa năm 2022, cậu bắt đầu hành trình du học. Kỳ học đầu tiên, Nhất học tại Đại học Aalto, Phần Lan. Sự khác biệt về văn hóa cùng khối lượng bài tập, lịch học, thời tiết khắc nghiệt… khiến nam sinh Việt cảm thấy ngộp thở.
Có những ngày sau khi tan học, Nhất phải nằm trên giường rất lâu, thậm chí cậu phải khóc thỏa thuê thì mới có thể làm tiếp những việc khác. Cho đến bây giờ khi nhớ lại quãng thời gian đó, chàng trai gốc Nam Định vẫn thấy ám ảnh.
Với Văn Nhất, chính những mảng màu xám như thế giúp cậu có thêm những người bạn tốt và biết được bản thân thật sự cần yếu tố gì để hoàn thiện chính mình.
"Điều em học hỏi được nhiều nhất từ bạn bè ngoại quốc chính là thái độ cũng cách phản ứng với những sự khác biệt", Nhất tâm sự thêm.
Nhắc đến ngành học hiện tại, Nhất cho hay, lĩnh vực vi cơ điện tử đòi hỏi ngoài nền tảng kiến thức tốt ở mảng điện tử, cơ học, vật lý... Theo đó, người học phải thực sự có tư duy và đam mê mới có thể theo đuổi được.
Tuy nhiên, Nhất cũng đánh giá nhóm ngành này tương đối tiềm năng về cơ hội việc làm, đặc biệt khi ngành công nghiệp chip đang rất phát triển và cần nhiều nhân lực trong thời gian tới.
Sau khi học xong, nam sinh Việt dự định sẽ làm việc ở châu Âu một thời gian để tích lũy kinh nghiệm trước khi quay về cống hiến cho quê hương.
Bình luận