Sau khi chương trình Đường lên đỉnh Olympia tuần 2, tháng 3, quý II vừa lên sóng VTV, nhiều diễn đàn dành cho giới trẻ đồng loạt chia sẻ clip múa quạt vui nhộn của Lại Kinh Châu (học lớp 11C, THPT Hồ Thị Kỷ, Cà Mau) tại trường quay S14.
2 MC Diệp Chi, Ngọc Huy cùng khán giả ồ lên thích thú trước vũ điệu vui nhộn và bật cười khi chàng trai tiết lộ: "Nếu không có ai làm phiền hay cản trở, em có thể múa mãi mãi".
Nhiều dân mạng yêu thích, chia sẻ đoạn video và bình luận vui rằng thí sinh Đường lên đỉnh Olympia hóa ra không phải chỉ biết học nhiều, mà còn "bắt trend" trên mạng rất nhanh.
Thí sinh Olympia không phải chỉ biết cắm đầu vào học
Kinh Châu khá bất ngờ vì màn múa quạt của mình trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia đang được chia sẻ trong cộng đồng mạng. Cậu không vui khi đọc được một số dòng bình luận tiêu cực như "tác hại của việc học quá nhiều", thậm chí đả kích cậu và thí sinh thi Olympia.
"Việc múa quạt chẳng liên quan tới học nhiều hay không, cũng không phải điều gì xấu. Chúng mình cũng là học sinh, là con người bình thường, có sở thích riêng, cũng phải 'quẩy' và chơi đùa chứ không phải ngày đêm đèn sách học cho cố", Kinh Châu bộc bạch.
Nam sinh Cà Mau chia sẻ, hành động của bản thân là để tạo không gian giải trí cho chương trình, cũng như giải tỏa bớt áp lực đè nặng trước khi bước vào phần thi Khởi động. 10X không cố gắng để được nổi tiếng nên mong mọi người không có suy nghĩ xấu về mình.
Sau khi chương trình lên sóng, Kinh Châu cũng nhận được nhiều bình luận hay tin nhắn qua Facebook hỏi về clip đó, song theo mặt tích cực.
Kinh Châu chia sẻ phương châm của bản thân là học phải đi đôi với chơi. Bởi vậy, bỏ qua màn múa quạt, 10X thỉnh thoảng chơi game, đi đá bóng với các bạn cùng lớp và quay rubik để giải trí sau giờ học. Bóng đá là môn thể thao yêu thích nhất của Kinh Châu và CLB Arsenal là đội bóng cậu hâm mộ.
Học sinh đầu tiên của trường thi 'Đường lên đỉnh Olympia'
Trong cuộc thi tuần Olympia, Kinh Châu về thứ 3. Cậu khởi động với 4/12 câu trả lời đúng, vượt lên dẫn đầu "đoàn leo núi" nhờ giải được ô chướng ngại vật "Răng" sau 2 hàng ngang gợi ý, đạt 80 điểm Tăng tốc và về đích khi quỹ điểm là 185.
Nhìn lại hành trình Olympia đã qua, Kinh Châu tiết lộ cậu khá tiếc vì một số kiến thức mình biết nhưng áp lực đè nặng, nên bản thân mất bình tĩnh và lạnh lùng bỏ qua. Sau khi giải được ô chướng ngại vật, tâm lý nam sinh thoải mái hơn một phần. Nhưng áp lực của việc dẫn đầu điểm số khiến cậu thi đấu không tốt ở 2 vòng sau và để các bạn vượt lên.
Tuy vậy, sau tất cả, Kinh Châu vẫn thấy vui vì đã thực hiện được ước mơ thi Olympia từ năm 9 tuổi. Trong thời gian ở Hà Nội, cậu đã chơi vui nên về rồi rất nhớ thủ đô. 10X cũng thân thiết với các thí sinh trong cộng đồng Olympia hơn và được mọi người động viên không buồn về kết quả.
Đặc biệt, Kinh Châu có quyền tự hào khi là học sinh đầu tiên của trường THPT Hồ Thị Kỷ (Cà Mau) tranh tài ở sân chơi Đường lên đỉnh Olympia.
Với cậu, động lực đến từ việc mình là người đầu tiên của trường đi thi nên quyết tâm hơn. Còn áp lực chính là người tiên phong nên phải cố giành thành tích nào đó nổi bật để các lứa đàn em theo.
"Mình xem Đường lên đỉnh Olympia từ năm 9 tuổi và thường tập trả lời các câu hỏi của các anh chị trên tivi. Giữa năm 2016, mình tham gia một cuộc thi về bóng đá trên mạng, quen được các tiền bối thi Olympia là anh Quang Nhật (chung kết năm 18) và anh Nhất Tín (vào đến vòng tháng).
Sau cuộc thi, mình có hỏi anh Quang Nhật và tham gia cuộc thi Olympia mô phỏng The Best of Pre-Olympians. Từ đó, mình nung nấu ước mơ trở thành thí sinh Olympia", Kinh Châu say sưa nói về cơ duyên đưa mình tới với sân chơi trí tuệ.
Nhớ lại giây phút nhận được "cuộc gọi thần thánh" từ chương trình sau ít ngày ra bưu điện gửi đơn đăng ký, Kinh Châu hoảng hốt và không tin nổi vào mắt mình.
Với Kinh Châu, Olympia là cuộc thi kiến thức bổ ích cho học sinh khắp mọi miền Tổ quốc. 10X luôn mong rằng từ chương trình này, nhiều người sẽ quyết tâm học tập, vươn tới ước mơ.
Được 10,0 môn Lịch sử năm lớp 10 và 11
Ở lớp 11C, THPT Hồ Thị Kỷ, Lại Kinh Châu là học sinh khá giỏi, có trong đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử của trường.
Năm lớp 10, Kinh Châu đạt điểm phẩy trung bình 8,0 và được danh hiệu học sinh khá. Kỳ I lớp 11, Châu đạt học sinh giỏi với điểm phẩy 8,1. Đặc biệt, cả 2 năm lớp 10 và 11, nam sinh đều được 10,0 môn Lịch sử.
"Sở trường của mình là các môn Xã hội, trong đó mình thích nhất là 3 môn Văn, Sử, Địa. Xét về điểm số, môn Sử mình học tốt nhất. Năm cấp 2, cô giáo mình tư vấn thi Sử nên mình gắn bó từ đó. Mình từng được giải khuyến khích cấp thành phố môn học này. Mình cũng đang ôn bồi dưỡng để tập trung thi trong năm nay", Kinh Châu chia sẻ.
Kinh Châu giữ chức cán sự bộ môn Lịch sử trong lớp với nhiệm vụ mỗi ngày có tiết sẽ lên bảng viết câu hỏi cho các bạn. Song 10X nói rằng đây không phải chức vụ đặc biệt, vì 11 môn học đều có 11 bạn được chọn làm cán sự phụ trách riêng.
Thành tích của Kinh Châu ở môn học yêu thích còn có việc đứng thứ 7/20 trong danh sách đi thi tỉnh cuộc thi Tự hào Việt Nam (dành cho học sinh với kiến thức liên quan đến môn Lịch sử) năm cấp 3.
Hỏi Châu bí quyết để ghi nhớ nhiều dấu mốc và sự kiện lịch sử, nam sinh vui vẻ nói rằng từ nhỏ cậu đã thích tìm mua, đọc nhiều sách, ghi nhớ kiến thức, tham khảo từ mọi người và tập trả lời các câu hỏi Olympia.
Từ cấp 2, nam sinh Cà Mau cũng thử sức với nhiều cuộc thi kiến thức trên mạng như Olympic Tiếng Anh trên Internet (IOE), Giao thông học đường, Chinh phục Vũ Môn.
Thành tích tốt nhất của 10X là giải khuyến khích IOE cấp thành phố năm lớp 6, giải nhì tỉnh cuộc thi Chinh phục. Cậu cũng góp một chút thành tích cho trường ở sân chơi Chinh phục Vũ Môn.
"Cha mẹ và mọi người thường nói rằng giấy chứng nhận thi Olympia có thể giúp mình vào ĐH Kinh tế quốc dân. Nhưng ước mơ của mình là ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Ban đầu, mình dự định học ở TP.HCM, nhưng sau khi đi thi về mình thấy rất yêu Hà Nội. Bạn bè cũng khuyên mình ra thủ đô học để có nhiều cơ hội tới xem Olympia. Hiện tại, mình cố gắng tìm hiểu ngành học phù hợp nhất rồi mới quyết định", Kinh Châu chia sẻ.
Bình luận