• Zalo

Năm Mão gặp lại "Vua nuôi mèo" đất Hà thành

Kinh tếThứ Ba, 11/01/2011 07:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Giữa đô thành Hà Nội, với mảnh đất rộng 3.000 m2, nhiều người cho ông là “gàn dở” khi xây một biệt thự 5 sao chỉ để dành riêng cho chó, mèo.

(VTC News) – Giữa thủ đô Hà Nội, nhiều người cho ông là “gàn dở” khi xây một biệt thự 5 sao chỉ để dành riêng cho chó, mèo. Với mảnh đất rộng 3.000 m2 – niềm mơ ước của nhiều người, người đàn ông 70 tuổi lại tìm cho mình một lối đi riêng để làm kinh tế: Nuôi và phát triển các dịch vụ liên quan tới chó, mèo.

Người Hà Nội, nhất là những người yêu chó, mèo vẫn thường gọi ông với cái tên quen thuộc: “Sinh chó”. Địa điểm 167 Trương Định (HN) với những tên gọi như “vương quốc chó mèo”, “khách sạn độc nhất vô nhị ở Việt Nam” đã trở nên quá nổi tiếng trong con mắt của nhiều người. Nói về ông, người ta cũng đã tốn biết bao giấy mực.

Gần cuối năm, khi Tết Tân Mão đang cận kề, bên ấm trà nóng, giữa cái lạnh cắt da cắt thịt, cuộc nói chuyện thân tình, xúc động với ông khiến tôi hiểu hơn bao giờ hết về những đặc tính của con mèo và cái nghiệp nuôi mèo đeo đẳng suốt cả cuộc đời ông như có lần ông đã viết trong thơ: “Làm thơ, nuôi chó, chọi gà, 3 trò chơi ấy làm ta bơ phờ”…

Chân dung "vua nuôi mèo" đất Hà Thành - người "khai sáng" ra nghề kinh doanh mèo cảnh từ những năm 1990.

Lấy tiền cưới để đi… mua mèo


“Ông Sinh yêu mèo từ bé, ngay cả những ngày đi bộ đội cũng vẫn yêu mến mèo. Những ngày đầu sau khi cưới, vì quá mê mẩn một con mèo trắng muốt được đem từ nước ngoài về, ông ấy đã lấy cả số tiền cưới dành dụm được để đi mua. Rồi ông thể hiện tình yêu với con mèo này đến độ khi đi đâu về thấy mèo đang ngồi ở ghế, ông không nỡ đuổi nó đi mà lánh ngồi sang ghế khác, nhường nó", vợ của ông Nguyễn Bảo Sinh, người được mệnh danh là “vua nuôi mèo” đất Hà Thành, tâm sự.

Những câu thơ về mèo, từ hồi vỡ lòng như: “Nhà em có một con mèo, nó hay nghịch ngợm leo trèo lắm cơ… Meo meo nó hát cả ngày. Em yêu nó lắm luôn tay bế bồng"... là một phần ghi đậm dấu ấn về tuổi thơ yêu thích chó, mèo của ông Sinh. Cho tới tận bây giờ, khi đã ngoài 70 tuổi, niềm say mê ấy vẫn không hề nguôi ngoai. Sau khi đã xây dựng được một khu resort 5 sao với đầy đủ các tiện nghi từ khu mua sắm quần áo, phòng ngủ, phòng tắm, khách sạn, khu vui chơi,… chỉ dành riêng cho thú cưng, và một nghĩa trang để chôn cất, hỏa táng chúng khi chết, ông Sinh vẫn luôn trăn trở: “Cả đời tôi gắn bó với những con chó, con mèo, sắp gần đất xa trời, tôi băn khoăn, lo lắng không biết ai sẽ kế nghiệp mình
”.

Từ khi có khách sạn 5 sao chó, mèo mới với đầy đủ tiện nghi thì khu nuôi mèo cũ này trở thành "nhà nghỉ" với các dịch vụ, chi phí chăm nom giá bình dân hơn.

Đến phố Trương Định, nhắc tới nhà thơ – nhà họa sĩ – võ sĩ Bảo Sinh, dường như không ai là không biết. Giữa đô thị ồn ào, xô bồ, khi rẽ vào một ngõ nhỏ để vào cơ ngơi của ông hẳn nhiều người sẽ không khỏi bất ngờ khi bước chân vào một thế giới “Ao Phật - tề đồng vật ngã” (người vật đều bình đẳng).

"Tôi nuôi mèo ngoài tình yêu với loại thú cưng thì mong muốn lớn hơn là giúp mọi người gần gũi, gắn bó với cuộc sống tự nhiên hơn”, nhấp ly trà nóng, ông Sinh vừa nói vừa nhìn ra xa xăm.

Kể về con đường và cơ duyên để trở thành người kinh doanh mèo giỏi nhất Việt Nam, ông trầm ngâm: Cách đây hơn hai chục năm, từ những năm 1990, phong trào nuôi tiểu hổ “lên ngôi”, đại dịch chuột phát triển. Năm đó, Việt Nam thiếu mèo, ông Sinh đã phải đạp xe đi khắp các thôn cùng, ngõ hẻm, các chợ đầu mối để thu gom mèo bán, mèo hoang dại về nuôi. “Khi đời sống ngày càng cao lên, điều kiện kinh tế khá giả, tôi là người “phát minh" ra nghề kinh doanh chó, mèo cảnh, trong khi trước đó, người ta chỉ nuôi chó, mèo mang tính chất trông nhà, dọn phân cho trẻ nhỏ”.

Để trở thành người đầu tiên dấn thân vào nghề kinh doanh đặc biệt này, ông Sinh đã phải trải qua nhiều thử thách và khó khăn. Không có bác sĩ thú y chữa bệnh cho mèo, ông phải xắn tay áo học việc rồi thực hành. Không có kỹ sư nuôi mèo để dạy ông những kỹ năng cần thiết trong việc chăm sóc và cho mèo ăn, ông phải mày mò, học hỏi...

Những phút giây đùa vui với mèo là lúc ông thảnh thơi, thư thái nhất. (Ảnh chụp tại phòng ngủ của chó, mèo)

Ban đầu, ông không tránh khỏi thất bại khi mèo chết rất nhiều. Bây giờ, khi kể cho chúng tôi nghe về thời kỳ gian nan đó, vợ chồng ông Sinh không ngớt thở dài, buồn bã. Từ vấp ngã đầu tiên, ông tiếp tục rút kinh nghiệm. rồi ông lấy giống mèo tại nhà, có nguồn gốc đáng tin tưởng. Khi bắt mèo ở chợ, ông luôn hết sức cảnh giác bởi lẽ mèo chợ là mèo hoang dại mang dịch bệnh nhiều, về nhà sẽ lây lan sang những con khác...

Nuôi mèo không phải lúc nào cũng xuôi chèo, mát mái. Có những lúc thua lỗ, vợ ông phải vay vượn bên ngoài để giúp ông có tiền trang trải, lo toan. Nhìn ông xót xa đứng trước những xác mèo, lệ rân rấn nước mắt, bà xã của ông rất thương, nhưng biết tính chồng mình đã làm gì là làm tới cùng, bà chỉ đứng ngoài cuộc, động viên, khích lệ ông làm lại từ đầu.

“Cuộc đời của tôi đã không làm thì thôi, chứ đã làm thì không bao giờ dừng lại. Mặc dù bị “ăn đòn” nhiều bởi dịch bệnh, thất bát nhưng tôi tin: Đường tôi đi cuối cùng cũng về tới đích”, ông Sinh quả quyết.

“Nhiều người bảo tôi gàn dở”

Từ tình yêu mèo, khi nhu cầu chơi mèo của người dân ngày càng tăng cao, ông Sinh bắt đầu tính tới chuyện kinh doanh.

“Nói cho cùng không làm kinh tế mà rồi cũng phải làm kinh tế. Nếu không vì tiền thì tôi không thể xây dựng nên cái resort hạng sang chỉ dành riêng cho chó, mèo này”, ông Sinh nói khi chỉ tay cho chúng tôi coi cả một gia tài, cơ sở đất rộng rãi trị giá lên hàng vạn chục tỷ đồng.

Cả một cơ ngơi rộng lớn với 3.000 m2 đất dành tặng riêng cho chó, mèo. (Ảnh chụp khuôn viên trước cửa "khách sạn 5 sao chó, mèo")

Có những người cho rằng ông “gàn dở”, “điên rồ” khi đổ tiền vào một “thú” kinh doanh khác người nhưng trò chuyện với ông, chúng tôi hiểu rằng: Phương châm sống của ông “luôn vui chơi có thưởng”. Tất cả đều phải vừa kinh doanh, kiếm tiền vừa thỏa mãn tình yêu với thú cưng, hài hòa với môi trường sống và đưa con người trở về với cuộc sống bình an, thanh thản.

Suốt hơn 40 năm, gắn bó với con mèo, con chó, tới đây, chuẩn bị khánh thành resort với phòng lễ tân, phòng thời trang, khách sạn, phòng bar, có bệnh viện, khu vui chơi cả một “vương quốc” với đầy đủ những món đồ đắt tiền nhập ngoại dành cho thế giới các loài vật nuôi, không ít hàng xóm, người thân của ông “kháo” nhau rằng: Ông mắc bệnh hoang tưởng, nhưng ông chỉ cười: “Mọi thứ đều xuất phát từ nhu cầu thực tế, mặc dù vốn đầu tư xây dựng là rất lớn”. Hơn nữa, trong tâm niệm của ông, “không phải ông Sinh bỏ đất ra nuôi chó mèo mà chó mèo nuôi ông Sinh. Chó mèo đã giúp tôi gây dựng sự nghiệp, tất cả những cơ sở vật chất này đều do nuôi chó mèo mà có và kinh tế gia đình tôi dựa phần lớn vào đây”.

Thậm chí, ngay cả những người thân trong gia đình ông từ vợ cho tới con cái hầu như mọi người không ai thích mèo. “Không thể bắt những người xung quanh mình cũng thích như mình, tôi phải chấp nhận sự cô đơn cho sở thích riêng ấy. Vợ tôi vẫn thường trêu: “Ông nằm với chó, mèo, người ông cũng có mùi chó, mèo. Để rồi: “Vợ thường khuyên sớm, khuyên trưa. Nếu yêu mèo, chó thì chưa động phòng”, ông ngâm ngợi.

Bản thảo thiết kế nội thất trong khách sạn 5 sao khu "vương quốc" chó, mèo.

Yêu mèo là thế nhưng những kỉ niệm đáng nhớ nhất của ông trong cuộc đời gắn bó với nghiệp nuôi thú cưng này không phải là những vật nuôi mà là đối với những ông chủ, bà chủ nuôi chó, mèo đặc biệt là những người trẻ tuổi.

“Lớp trẻ bây giờ nuôi mèo với một tình cảm rất “buồn cười” nhưng cảm động”, ông Sinh vẫn còn nhớ như in hình ảnh một cô bé 16 tuổi yêu mèo đến độ: Cứ thấy ở đâu có mèo ốm, chủ nhà định đem vứt đi là ôm về nuôi, bỏ tiền ra mua mèo ốm về để chăm sóc, trong khi đó, hầu hết các con mèo ốm đều rất khó qua khỏi. Khi mèo chết, cô bé sẵn sàng bỏ tiền ra để thuê dịch vụ chôn cất chúng cẩn thận và chu đáo, thậm chí, số tiền lên đến mười mấy triệu - không hề nhỏ đối với một học sinh cấp 3. Cách đây 4 – 5 năm, có những người yêu mèo khóc thương đến ngất lên ngất xuống khi đem mèo tới nhà ông Sinh làm hỏa táng. Và có những đứa trẻ bỏ học, bỏ ăn khi bố không cho nuôi mèo.

Nhiều người cho ông là gàn dở khi xây dựng cả nghĩa trang riêng dành cho chó, mèo thực hiện đầy đủ những lễ nghi cầu siêu, cúng bái. 

Đặc biệt, hình ảnh cô bé rít thuốc lá cả đêm bên nấm mồ mèo mới chôn khiến ông không khỏi rơi nước mắt xúc động. Ông Sinh bùi ngùi kể: “Đêm đó, con bé cứ thu lu ôm gối ngồi bên cạnh mồ mèo rít thuốc lá, thấy nó ho sặc sụa, tôi tiến lại gần và bảo: “Thôi, cháu ạ, khuya rồi, cháu hút thuốc ít thôi, về đi”. Cô bé ngẩng mặt lên trả lời: “Không, cháu không nghiện thuốc lá, là con mèo của cháu nghiện thuốc. Ngày xưa, cứ mỗi lần bố cháu hút, nó cứ tới gần quấn quýt và hít hà mùi thuốc, cháu hút cho nó có hơi. Cháu sợ nó nhớ mùi thuốc”.

Có người khóc đến thảm thiết bên những nấm mồ chó, mèo mang những cái tên đáng yêu như Lucky, gin, xuka...

Những tình cảm đặc biệt và nồng ấm của những người nuôi mèo dành tặng cho thú cưng của mình đã giúp ông thêm niềm tin vào việc xây dựng một dinh cơ đồ sộ cho chó, mèo. Ông dự đoán rằng: “Trong thời gian tới, thú chơi mèo sẽ “lên ngôi” một cách ghê gớm” và “nghề” kinh doanh mèo sẽ trở thành nghề “hot” và giúp những ông chủ giàu lên nhanh chóng.

Nhân dịp năm Mèo sắp tới, ông Sinh cũng nhắn nhủ với những ông bố, bà mẹ: Hãy động viên để con em mình chăm sóc một chú mèo xinh xắn, nhỏ nhắn trong nhà. Giữa cuộc sống xô bồ, phát triển của nhà lầu, xe hơi, tâm hồn con người sẽ thanh thản hơn, nhẹ nhàng hơn, hòa hợp với thiên nhiên hơn khi chăm sóc, nâng niu và yêu thương một chú mèo.

“Tôi rất thích hình tượng con mèo, đặc biệt, khi con mèo nằm ngủ, nó giống như một sự buông thả toàn bộ, chẳng khác nào con người đang trong trạng thái yoga. Những người phụ nữ nuôi mèo bao giờ cũng dịu dàng, nhẹ nhàng, nết na, những người con trai nuôi mèo ai cũng hiền và lành tính, đặc biệt, khi trẻ em nuôi mèo sẽ giáo dục chúng về tình yêu thương, sự nâng niu và chăm sóc, lòng nhân ái đối với đồng loại”.

Mời độc giả VTC News ghé thăm "vương quốc" chó, mèo "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam qua clip dưới đây:


 

Bài, ảnh: Tiểu Phương

Bình luận
vtcnews.vn